Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành trình từ ý tưởng sáng tạo đến các dự án khoa học đoạt giải cao

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV_STARTUP) lần thứ V năm 2023, hai dự án của Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) đã xuất sắc giành một giải Nhất, một giải Nhì, mang lại niềm tự hào cho học sinh Thủ đô nói riêng và ngành GD&ĐT Hà Nội nói chung.

Nhiều dự án xuất sắc

Hai dự án của Trường THCS Thanh Xuân tham dự cuộc thi được đánh giá là các sản phẩm công nghệ thông minh mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đoàn Hà Nội, trong đó có học sinh Trường THCS Thanh Xuân nhận giải tại Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V năm 2023
Đoàn Hà Nội, trong đó có học sinh Trường THCS Thanh Xuân nhận giải tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V năm 2023

Dự án “Sywalk - sản phẩm hỗ trợ người cao tuổi và người yếu thế” có nhiều tính năng công nghệ nhằm hỗ trợ người cao tuổi và người yếu thế trong cộng đồng. Skywalk là một thiết bị nhỏ gọn được tích hợp các tính năng cảnh báo vật cản, định vị GPS, theo dõi nhịp tim, gọi cứu hộ SOS...; thông qua đó giúp người dùng khắc phục những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và luôn nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết. Đặc biệt, sản phẩm có giá thành phù hợp với đại đa số người dùng là người cao tuổi và người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Còn dự án “Phát triển và kinh doanh mặt nạ SF (Safer Future) tích hợp bình oxy sử dụng trong phòng cháy và phòng độc” nhằm phát triển và kinh doanh mặt nạ SF tích hợp bình Oxy sử dụng để phòng ngạt và phòng độc, cung cấp thêm Oxy kéo dài cơ hội sống cho nạn nhân khi xảy ra hỏa hoạn và các sự cố trong môi trường độc hại.

Mặt nạ SF tích hợp bình Oxy kích thước nhỏ gọn, nhằm mục đích phòng ngạt khói trong khi cháy nổ xảy ra; phòng độc cho những người làm việc trong môi trường độc hại. Mặt nạ còn được trang bị thêm đèn Led hỗ trợ công tác cứu hộ trở nên dễ dàng hơn. Sản phẩm giúp bảo vệ người dùng khỏi các nguy cơ tử vong do ngạt khí, mang đến cho người sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn khi xảy ra các sự cố cháy nổ; phòng nhiễm và bảo vệ người lao động trong môi trường nhiều khí độc hại.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên học sinh Trường THCS Thanh Xuân có dự án tham gia và đoạt giải cao tại cuộc thi này. Năm 2022, dự án “Sản xuất nước súc miệng Green Nano để phòng, chống bệnh răng miệng học đường” do nhóm học sinh của trường là tác giả cũng giành giải Nhì, tạo nên tiếng vang và sức lan tỏa rất lớn trong xã hội.

“Nếu thống kê bằng con số giải thưởng của học sinh Trường THCS Thanh Xuân tại các sân chơi khoa học và giáo dục sẽ rất thuyết phục bởi số giải năm sau luôn cao hơn năm trước. Riêng mảng nghiên cứu khoa học, năm nào trường cũng tham dự và có giải cao ở các cuộc thi khoa học dành cho học sinh, sinh viên ở quy mô quốc gia và quốc tế”- Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Ngô Thị Diệp Lan cho biết.

Hành trình ươm mầm khoa học

Chia sẻ về các dự án đoạt giải cao của học sinh, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân cho hay, các dự án này đều xuất phát từ những ý tưởng, những mong muốn rất gần gũi và đầy tính thiện của học sinh về con người, về cuộc sống.

Học sinh Trường THCS Thanh Xuân hào hứng với Ngày hội STEAM - hoạt động thường niên của trường
Học sinh Trường THCS Thanh Xuân hào hứng với Ngày hội STEAM - hoạt động thường niên của trường

“Ở lứa tuổi THCS, thầy cô vô cùng ngạc nhiên khi học sinh của mình đưa ra những ý tưởng, những phát hiện mới mẻ và đầy sáng tạo. Nhờ sự động viên, bồi đắp, hướng dẫn của thầy cô giáo cùng đội ngũ chuyên gia; sự ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất từ phía phụ huynh và nhà trường, sau chặng đường dài nghiên cứu, các ý tưởng ban đầu của các em đã dần phát triển thành dự án để tham dự giải. Đó là quá trình kết tinh, sự kết hợp kiến thức liên môn tích hợp với trải nghiệm thực tế và thực hành. Từ đây, nhiều sản phẩm tốt, thực sự có giá trị đã được ra đời…”- TS Ngô Thị Diệp Lan kể.

Ngoài phòng thực hành hiện đại sẵn có, Trường THCS Thanh Xuân cũng có sự liên kết, hỗ trợ, hợp tác với một số trung tâm nghiên cứu để học sinh được trải nghiệm, thực hành trong điều kiện chuyên nghiệp hơn. Vườn ươm của các dự án khởi nghiệp, dự án khoa học là các CLB STEAM, CLB STEM của trường.

Là một trong những trường THCS tiên phong trên địa bàn TP thực hiện dạy học theo định hướng STEAM, 5 năm qua, Ngày hội STEAM – Trường THCS Thanh Xuân đã trở thành ngày được học sinh háo hức mong đợi,. Đây là cơ hội để các em báo cáo, trình diễn sản phẩm - thành tựu nghiên cứu khoa học của mình trong suốt một năm học. Nhiều sản phẩm từ ngày hội đã được nâng tầm phát triển thành dự án, thành công trình đi thi và đạt giải cao.

“Em rất may mắn khi không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích, được sống với những ước mơ, khát vọng của chính mình; được trao cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn, thay đổi tư duy dám nghĩ, dám làm để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực ngay từ khi còn là học sinh cấp THCS...”- Nguyễn Lê Ngọc Mai (lớp 9A6, Trường THCS Thanh Xuân- thành viên nhóm học sinh đoạt giải Nhì Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần IV chia sẻ  tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia năm 2023.

Ngoài định hướng đúng đắn, sự trợ giúp của chuyên gia đến từ các đại học, học viện lớn như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam… thì Trường THCS Thanh Xuân có đội ngũ giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, được tuyển chọn kỹ càng luôn đồng hành cùng học sinh trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu. Chính các thầy cô đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, nâng cao tinh thần hợp tác cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực – kỹ năng sát với tinh thần của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.