Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi Tọa đàm “Vai trò của Hanoisme đối với sự phát triển của DN” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 4/5.
|
Ông Nguyễn Việt Xô - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. |
Chung nhận định, Bí thư Đảng ủy Khối DN TP Hà Nội Nguyễn Viết Xô nhìn nhận, những năm qua Hanoisme đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ sát sườn cho DN nhỏ và vừa Thủ đô. Cụ thể, Hanoisme đã phối hợp sở, ban, ngành để gặp mặt và tháo gỡ kiến nghị, khó khăn trong quá trình hoạt động. Các sự kiện tiêu biểu thường niên có thể kể đến là: “Đêm doanh nghiệp” để tôn vinh các DN của Hiệp hội nói riêng và TP nói chung, chương trình Cafe doanh nhân và gần đây là buổi gặp mặt trao đổi kiến nghị đề xuất giữa cộng đồng DN nhỏ và vừa với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung…
"Để có 400.000 DN trong thời gian tới, Hà Nội cần tập trung 2 vấn đề: Thứ nhất là mỗi một hợp tác xã có thể thành lập DN riêng. Thứ hai là vận động các hộ sản xuất tại làng nghề chuyển đổi lên DN một cách hợp lý (hiện số lượng làng nghề tại Hà Nội chiếm 1/3 toàn quốc)." - Ông Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội |
Thông tin sâu hơn về các hoạt động của Hiệp hội trong thời gian qua, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme cho biết: Kể từ khi thành lập (15/5/1995) đến nay, Hiệp hội đã đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ vốn, tài chính cho DN nhỏ và vừa TP Hà Nội. Trong Hiệp hội đã có nhiều DN được vay gói ưu đãi của Ngân hàng SHB và các tổ chức tín dụng trong Hiệp hội như: Tân Á Đại Thành, cà phê Minh Tiến... Nhiều DN hội viên đã lên sàn chứng khoán, trở thành DN chủ lực Thủ đô (Tân Á Đại Thành, Công ty CP 22)…
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thị trường... thúc đẩy DN nội khối liên kết sử dụng sản phẩm, dịch vụ hàng hóa của nhau. “Hội viên trong Hiệp hội chia thành 3 nhóm DN: 6 DN nhóm A là những DN lớn có nhiều dự án đầu tư khắp cả nước, 20 DN nhóm B chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm A, còn lại hàng nghìn DN nhóm C phục vụ và cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho nhóm B và nhóm A. Tiếng nói của Hiệp hội ngày càng được coi trọng, hiện lãnh đạo TP Hà Nội đã đồng ý mở đối thoại định kỳ 3 tháng/lần nhằm lắng nghe các DN của Hiệp hội báo cáo trực tiếp về những khó khăn của mình trên địa bàn” – ông Mạc Quốc Anh nói.
Tạo cơ hội để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệpCũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã thẳng thắn chỉ ra thực tế hiện nay có nhiều hộ kinh doanh quy mô 30 - 40 lao động, hoạt động ngày đêm tạo ra doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng nhưng đóng rất ít thuế (thuế khoán), điều này gây thất thoát nguồn thuế Nhà nước. Lý giải về tình trạng này, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, thứ nhất, các chủ hộ kinh doanh không muốn lớn là vì khi còn nhỏ họ có thể che giấu doanh số, doanh thu, bớt đóng các loại thuế. Thứ hai là khi trở thành công ty TNHH, công ty CP thì thương hiệu vốn có của họ có thể phải thay đổi vì khi đăng ký thành lập DN sẽ phải đối chiếu với DN ở 63 tỉnh, thành, nếu thương hiệu của hộ kinh doanh đó bị trùng với công ty thành lập trước đó thì không được sử dụng. “Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh nhỏ có phân khúc thị trường cụ thể thấy không cần thiết mở rộng quy mô. Họ nghĩ với khả năng của mình thì phát triển ở quy mô nhỏ hộ gia đình là phù hợp” – ông Mạc Quốc Anh phân tích.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quân – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, có nhiều lý do khiến các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên DN, phần lớn là vì ngại thay đổi và không nhìn thấy ngay lợi ích từ việc chuyển đổi. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng e ngại mất thêm chi phí cho kế toán, thuế, thủ tục, sợ bị thanh tra, kiểm tra… Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Sở KH&ĐT Hà Nội đã tham mưu TP xây dựng 2 đề án về khởi nghiệp, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DN.
Thông tin được nhiều DN quan tâm đó là tháng 7/2018, TP sẽ xin ý kiến của HĐND về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp. Đề án này sẽ giúp cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi lên DN. Trung tâm sẽ là nơi tiếp nhận yêu cầu chuyển lên DN từ hộ kinh doanh, đi cùng với đó là tư vấn về mặt pháp lý, tài chính… Hiện tại trên địa bàn TP có 270.000 hộ kinh doanh, nếu đề án được triển khai thì sắp tới sẽ có một số lượng lớn DN ra đời.
Bên cạnh đó, đề án cũng hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN vay tín chấp với lãi suất thấp. Đây là quyết định đột phá của TP và T.Ư nhằm giúp Hà Nội đạt được mục tiêu 400.000 DN trên địa bàn vào năm 2020.
Đề xuất xây dựng bộ chỉ số đánh giá quận, huyện, sở, ngànhĐây là kiến nghị của bà Đào Thị Hương Lan- Chủ tịch Chi hội DN quận Long Biên nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội, kiến nghị này cũng nhằm cải thiện chất lượng cải cách thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Theo bà Lan, TP có thể giao cho Hanoisme tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các sở, ngành, quận, huyện… việc này nhằm đánh giá được năng lực điều hành, mức độ tín nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và DN của cán bộ, công chức các cấp.
Chia sẻ đề xuất của bà Lan, ông Mạc Quốc Anh cho biết, tại kỳ Đại hội của Hanoisme lần thứ 5 diễn ra từ ngày 11 - 12/5 sắp tới, Hiệp hội sẽ đưa ra kiến nghị TP cho phép Hiệp hội phối hợp các tổ chức liên quan để xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành, mức độ tín nhiệm của các cán bộ, công chức các quận, huyện, sở, ngành trên địa bàn Hà Nội.
“Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ DN giai đoạn hậu thành lập hiện còn đang bỏ ngỏ. DN sau khi đăng ký thành lập gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là bơ vơ. Do đó, tôi đề nghị giao cho tổ chức hiệp hội hỗ trợ các DN trong giai đoạn hậu thành lập, kinh phí trích từ quỹ hỗ trợ DN. Chúng tôi có thể hỗ trợ DN sau thành lập đi vào nền nếp, sát cánh cùng họ trong giai đoạn khởi sự” – bà Lan nêu ý kiến.