Bức tượng đài ấy chính là Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến tọa lạc ở Thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La) được thiết kế theo nội dung tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt trang trọng trong không gian Nhà truyền thống trưng bày kỷ vật Trung đoàn 52 Tây Tiến. |
Buổi sáng cuối tuần tháng 6 trời trong xanh, Đoàn cán bộ TP Hà Nội đến thăm điểm di tích này với hành trình bắt đầu từ Nhà truyền thống. Một ngôi nhà sàn đặc trưng của dân tộc Thái Tây Bắc với không gian trưng bày được thiết kế làm 4 phần. Phần thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Trung đoàn 52 Tây Tiến. Nơi đây - chính giữa căn nhà đặt tượng chân dung Bác Giáp -người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1947, khi Đại tướng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia đã đỡ đầu và đặt tên cho Trung đoàn Tây Tiến. Kế bên phải tượng chân dung có trích thư của Đại tướng gửi tới chiến sĩ bộ đội Tây Tiến trong những ngày đầu thành lập.
Truyền thống Tây Tiến xưa và nay là không gian thứ hai trưng bày những tấm hình và kỷ vật quý giá của đoàn quân Tây Tiến. Đoàn du khách dừng bước rất lâu bên chiếc tủ trưng bày cái áo trấn thủ; chứng minh thư sĩ quan dự bị của nhà thơ Quang Dũng – người đại đội trưởng của đoàn quân Tây Tiến năm ấy... Những bức ảnh chụp đoàn quân Tây Tiến 70 năm trước – họ là những chàng trai ở đất Kinh Kỳ tạm biệt cuộc sống phồn hoa đô hội tiến về miền Tây Bắc của Tổ quốc để làm nhiệm vụ. Đó là những hình ảnh ghi lại ngày dài hành quân “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây sung ngửi trời” hay các câu chuyện xúc động về tình quân dân nơi dọc đường biên giới.Trong chiến tranh đầy gian khổ và hiểm nguy nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến vẫn mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ được thể hiện qua phần không gian thứ ba với tên gọi Tài hoa Tây Tiến. Có lẽ, bức tranh Nuôi giấu thương binh của họa sĩ Quang Thọ gây ấn tượng mạnh đối với các thành viên trong đoàn chúng tôi. Chính trị viên Trung đoàn 52 Tây Tiến Quang Thọ lấy cảm hứng từ thực tế những ngày khó khăn gian khổ nhất của đoàn quân, thiếu thốn đủ thứ từ thuốc men, súng đạn và đặc biệt là lương thực. Và, trên bước đường hành quân, hình ảnh người chiến sĩ bị thương đã được đồng bào dân tộc vắt những giọt sữa của mình để cứu sống ngay trong phút giây nguy kịch.
Hai bên lối dẫn lên khu văn bia ta bắt gặp biểu tượng văn hoá, đoàn kết của Nhân dân Lào và khóm lau có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Đài tưởng niệm, văn bia được thiết kế theo hình cụm lưỡi lê, biểu tượng hình ảnh ''Heo hút cồn mây súng ngửi trời''. |
Trong không gian trưng bày của Nhà truyền thống có một nơi nhắc chúng tôi nhớ về người đại đội trưởng, chính là tượng chân dung nhà thơ Quang Dũng, phía bên trên trưng bày bài thơ Tây Tiến được ông sáng tác năm 1948. Bài thơ được coi là linh hồn cùng đồng hành với những người chiến sĩ trên bước đường hành quân đầy khó khăn gian khổ nhưng không ít niềm lạc quan, yêu đời. Tây Tiến một thời và mãi mãi - không gian cuối cùng trong Nhà truyền thống níu bước chúng tôi. Những chân dung của thế hệ chỉ huy Trung đoàn 52 Tây Tiến qua từng thời kỳ, với các tên tuổi đã đi vào lịch sử như Lê Trọng Tấn, Trần Văn Thường và nhiều đồng chí khác nữa… Gương mặt họ trẻ trung, ánh nhìn nghiêm nghị, nụ cười nuôi dưỡng niềm tin đã viết lên lịch sử của đoàn quân Tây Tiến.
Chúng tôi tiếp tục bước trên những bậc thang được thiết kế theo đường ziczac dẫn đến khu di tích có hệ thống phù điêu bao quanh ghi lại hình tượng các chàng trai tạm biệt Hà Nội gác lại những ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ lên đường đi chiến đấu. Chúng tôi bắt gặp Thạt Luông – biểu tượng tinh thần văn hóa, đoàn kết của dân các bộ tộc Lào gửi tặng chiến sĩ Tây Tiến; khóm lau quen thuộc của núi rừng Tây Bắc hoang sơ nhưng có sức sống bền bỉ và mãnh liệt. Đâu đó mỗi chúng tôi lắng đọng lòng mình những ký ức thiêng liêng của người chiến sĩ Tây Tiến năm xưa vọng về từ quá khứ.
Nhà bia ghi danh được thiết kế kiến trúc ''Khải hoàn môn'', mặt trước trích thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đoàn quân Tây Tiến, mặt sau ghi lại chiến công của Trung đoàn 52 Tây Tiến. |
Đài tưởng niệm đặt văn bia ở chính giữa của khu di tích được mô hình hóa thành 4 lưỡi lê chụm đầu vào nhau, vững chãi vút lên trời xanh thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, cùng chung ý chí chiến đấu của người lính. Chúng tôi thành kính mỗi người thắp một nén hướng thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho mảnh đất miền Tây Bắc của Tổ quốc…
Đi trên cây cầu biểu tượng bắc qua dòng sông Mã trong khu di tích gợi lại cho những người đã từng chiến đấu nỗi nhớ cồn cào, da diết về “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” sẽ đến nhà bia ghi danh được thiết kế theo lối kiến trúc “Khải hoàn môn”. Khải hoàn môn chính là biểu tượng cho chiến công và ước vọng ngày về chiến thắng của đoàn quân Tây Tiến.
Đài vọng tưởng, từ đây ta nhìn thấy không gian xanh ngút tầm mắt, vẻ đẹp đầy chất thơ trong tâm hồn người lính Tây Tiến. |
Một con đường bằng đá cẩm thạch dẫn chúng tôi lên đài vọng tưởng được bao bọc bởi kính trong suốt hai bên – tượng trưng cho sương khói hư ảo miền Tây Bắc, với “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…” Đây cũng là khu hoài niệm nhắc nhớ thế hệ trẻ ngày nay và mai sau biết trân trọng quá khứ, giây phút lịch sử, những cuộc đời đã hóa núi sông. Từ nơi này, nhìn qua ống nhòm sẽ thấy mảng không gian xanh ngút tầm mắt, ta cảm nhận được vẻ đẹp đầy chất thơ trong tâm hồn người lính Tây Tiến giữa thiên nhiên, con người và cuộc sống miền Tây Bắc để rồi “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.