Dấu son của tuổi trẻ
Như nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích, thanh vận - một bộ phận trong công tác dân vận, là vận động tất cả thanh niên, không để sót một thanh niên nào, góp thành lực lượng của toàn thanh niên, để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà sự nghiệp cách mạng và đất nước đang cần. Từ hiện tại nhìn về lịch sử, trong những ngày tháng Tư lịch sử, những người sống lâu năm ở Hà Nội lại nhớ lại một thời tuổi trẻ hào hùng, nhớ lại không khí của năm 1964 – năm phong trào “Ba sẵn sàng” được bắt đầu từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Đêm 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Đêm 9/8/1964, khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng.” Thành đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi và được thanh niên đáp lại “sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng” vang động cả góc trời. Ngày 9/8/1964 đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son của tuổi trẻ.
Chỉ sau một tuần phát động, đã có 240.000 thanh niên ghi tên nguyện “Ba sẵn sàng” trong đó có 80.000 thanh niên xung phong ra trận. Nhiều khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố: “Đâu có giặc là ta cứ đi,” “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”... Cả Hà Nội như rực lửa. Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô và trên mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” trở thành động lực để mỗi người có cơ hội bộc lộ lòng yêu nước bằng hành động thực tiễn.
Khơi dậy tinh thần xung kích
Phát huy truyền thống “Ba sẵn sàng” năm xưa, những năm qua, Thành đoàn Hà Nội đã phát động các phong trào “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tôi yêu Hà Nội”… xác định một hướng đi mới có hiệu quả trong việc thu hút tập hợp thanh niên, học sinh, sinh viên.
Đúng như tinh thần xung kích, các đội hình tập hợp, thu hút, vận động, đoàn kết thanh niên với phương châm “Chăm lo thanh niên đến đâu gắn liền với việc bồi dưỡng và đoàn kết, tập hợp thanh niên đến đó” đã mang lại hiệu quả thực tiễn như Đội phản ứng nhanh về giao thông; Đội hình 3+; Ngày thứ Bảy tình nguyện; Ngày Chủ nhật xanh…
Thời gian qua, những đội thanh niên, đội phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 cũng được hình thành; hàng trăm y bác sĩ trẻ lao mình vào tâm dịch... Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách cho thanh niên và công tác thanh niên đã ra đời, cổ vũ thanh niên quyết tâm vươn lên trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp như vay vốn học tập, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, phát triển các khu vui chơi, giải trí…
Tuy nhiên, để công tác thanh vận, tinh thần xung kích hiệu quả hơn, như lãnh đạo TP Hà Nội đã nhấn mạnh, các hoạt động của Đoàn cần chú trọng hơn tới những lĩnh vực mới, chương trình trọng điểm, phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xung kích trong quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và những mô hình kinh tế mới.
Thanh niên phải đóng góp nhiều hơn trí tuệ và phải góp phần làm tăng hàm lượng chất xám trong phát triển kinh tế Hà Nội. Tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc như cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, văn minh đô thị, an toàn giao thông… Và những bài học sâu sắc về sự nhạy bén, về lựa chọn nội dung phong trào, về phương pháp vận động thanh niên được rút ra từ phong trào “Ba sẵn sàng” chính là hành trang cho công tác thanh vận hôm nay.