Hấp dẫn tour làng nghề kết nối di sản Gia Lâm

Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Gia Lâm (Hà Nội) được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng nhưng du lịch chưa phát triển tương xứng. Chính về thế, Sở Du lịch Hà Nội và các DN lữ hành đang cùng địa phương gắn kết những tiềm năng ấy để hình thành nên các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn phục vụ du khách.

 Đoàn khảo sát của sở Du lịch Hà Nội và các DN lữ hành làm việc tại đền Phù Đổng, Gia Lâm. Ảnh: Hồng Hạnh.

Những trải nghiệm khó quên

Giữa tháng 4, Sở Du lịch Hà Nội đã mời các DN lữ hành tới khảo sát 5 điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm gồm: Đền Phù Đổng (đền Gióng); chùa Kiến Sơ; cụm di tích đền, chùa Bà Tấm; Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan; làng gốm Bát Tràng. Đây cũng hứa hẹn là hành trình tour du lịch làng nghề kết nối di sản mang đến nhiều trải nghiệm khó quên cho du khách.

 Độc đáo kiến trúc đền Bà Tấm, Gia Lâm. Ảnh: Hồng Hạnh.

Qua cầu Chương Dương, xuôi theo triền đê, quần thể đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ hiện ra với những công trình kiến trúc thách thức thời gian khiến ngay cả các chuyên gia du lịch dù đã tới đây nhiều lần vẫn không khỏi háo hức. Nếu như đền Gióng đưa du khách ngược dòng thời gian, ôn lại truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nơi Thánh Gióng sinh ra; thì chùa Kiến Sơ lại là không gian cho các “thượng đế” hiểu thêm về trung tâm của Thiền phái Vô Ngôn Thông những năm 820. Bề thế và cổ kính với nhiều hiện vật quý giá trong không gian xanh mát quanh năm, hai di tích này là điểm dừng chân đầu tiên lý tưởng.

Tiếp tục hành trình, các “thượng đế” sẽ được hòa mình vào không gian yên bình, thanh tịnh tại cụm di tích đền, chùa Bà Tấm. Nếu như đền thu hút mọi ánh nhìn với kiến trúc theo lối cung đình thời Lý đẹp cầu kỳ với 72 cửa, và là một trong những ngôi đền thuộc loại cổ nhất nước ta; thì chùa lại gây sự chú ý với đôi tượng sư tử điêu khắc bằng đá cao 1,2m, rộng 1,36m trong tư thế nằm phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại, vừa uyển chuyển, vừa oai hùng mạnh mẽ. Đây cũng chính là một trong những hiện vật cổ quý và hiếm ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

 Cổng Tam quan bề thế của đền Phù Đổng, Gia Lâm. Ảnh: Hồng Hạnh.

Rời “ngôi nhà” của Nguyên Phi Ỷ Lan, cả đoàn di chuyển tới làng Bát Tràng để thưởng thức món canh măng mực “độc nhất vô nhị”, được chế biến công phu, cầu kỳ, ai ăn cũng phải nhớ, phải thèm. Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Bát Tràng xưa và nay. Sau bữa cơm, du khách sẽ được thưởng thức “Chè hột hoa sói" - một phương thức ướp trà và thưởng thức trà độc đáo chỉ có nơi này. Buổi chiều, các “thượng đế” có thể thong thả tản bộ trên con đường đá cũ, tìm hiểu sự hình thành và phát triển của gốm sứ Việt; thử làm thợ gốm với chỉ với từ 10.000 đồng/người; hay chọn mua những sản phẩm gốm sứ về dùng hoặc làm quà. Trong lúc chờ đợi sản phẩm do chính mình nhào nặn, tô vẽ được nung, du khách đừng quên khám phá Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan. Bởi, hàng trăm hiện vật gốm và các dụng cụ làm gốm được trưng bày ở đây là minh chứng cho quá khứ huy hoàng của một làng nghề hưng thịnh từ thế kỷ thứ IX; và gần như đại diện cho lịch sử gốm sứ Việt Nam, với đủ các loại hình gốm đất nung cho đến gốm tráng men.

 Vẻ đẹp chùa Kiến Sơ, Gia Lâm. Ảnh: Hồng Hạnh.

Chú trọng đào tạo người dân làm du lịch

Điều khiến du khách thích thú nhất là được tham quan, chụp ảnh, mua những món đồ tinh tế, chất lượng do chính người dân bản địa làm ra. Và đặc biệt là được nghe những lời giới thiệu của họ về sự phát triển làng nghề gốm sứ cũng như việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị các di tích. Chính vì thế, để những điểm đến trên thành 1 tour hoàn chỉnh cũng như vào chuỗi tour, tuyến của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đề nghị huyện Gia Lâm cần chú trọng cho công tác đào tạo thuyết minh viên tại chỗ cũng như người dân bản địa làm du lịch. Đồng thời, làm sạch môi trường cảnh quan, từng bước hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ.

 Đoàn khảo sát của sở Du lịch Hà Nội và các DN lữ hành chụp hình lưu niệm tại Cụm di tích đền, chùa Bà Tấm, Gia Lâm. Ảnh: Hồng Hạnh.

“Dưới góc độ quản lý, Sở Du Lịch sẽ hỗ trợ huyện đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, nhân viên điểm đến, các hộ làm du lịch…; hỗ trợ huyện làm bảng, biển chỉ, bài thuyết minh chuẩn tại các điểm đến... Đặc biệt, Sở đã tổ chức các đoàn lữ hành đến Gia Lâm để khảo sát xây dựng tour, tuyến và đưa khách đến địa phương. Đây là cơ hội để địa phương nắm bắt nhu cầu của từng thị trường khách thông qua các công ty lữ hành – những người sát sườn với du khách nhất”, ông Hồng cho hay.

Cùng tham gia đoàn khảo sát, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Lưu Đức Kế khẳng định: “Gia Lâm là vùng đất màu mỡ của ngành công nghiệp không khói. Nếu phát triển đúng hướng, người dân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ du lịch. Trước mắt, huyện cần đầu tư cho các điểm đến để hình thành tour trong ngày kết hợp tham quan làng nghề với di tích để không bị đơn điệu, nhàm chán. Về lâu dài, có thể phát triển loại hình du lịch homestay cho những đoàn khách muốn ở dài ngày khám phá nghề gốm sứ”. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho rằng, nếu muốn phát triển và làm du lịch bền vững, con đường duy nhất của Bát Tràng là giữ gìn bản sắc, các hộ kinh doanh chỉ bán những sản phẩm truyền thống, chất lượng do chính người dân địa phương làm ra. Nếu bán hàng ngoại lai, kém chất lượng thì không chỉ du khách mà chính các DN lữ hành cũng sẽ quy lưng với điểm đến. Bên cạnh đó, việc trùng tu, tôn tạo để bảo vệ di tích là cần thiết, nhưng phải có sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn, tránh làm bừa, xâm hại đến những kiến trúc cổ.

 Hiện vật tỏng Bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan. Ảnh: Hồng Hạnh.

Phó Chủ tịch huyện Gia Lâm cho biết, năm 2016, làng Bát Tràng và làng Vạn Phúc đã được chọn quy hoạch đồng bộ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kết hợp du lịch. Ngày 22/11/2016, UBND huyện Gia Lâm đã có Quyết định số 10285/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sửn hóa gắn với phát triển du lịch trên ịa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020”. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ xây dựng tuyến, điểm du lịch gắn với di sản văn hóa; xây dựng quảng bá về sản phẩm đặc trưng vốn có và sản phẩm du lịch của làng nghề, ẩm thực truyền thống. Đồng thời, phối hợp với các bên liên quan xây dựng, hình thành 5 tour, tuyến du lịch. Huyện mong muốn Sở Du lịch Hà Nội cùng cộng đồng DN lữ hành giúp địa phương kết nối các tour để du khách đến Bát Tràng cùng nhiều điểm đến khác trên địa bàn như: Làng chạm khảm Kiêu Kỵ, Đền Nguyên Phi Ỷ Lan, Đền Phù Đổng, Ninh Hiệp, chùa Đào Xuyên; đền, chùa Bà Tấm; đình, đền, chùa Phú Thị…

Tin rằng, với sự quan tâm của TP Hà Nội, cùng sự sát cánh của Sở Du lịch và các DN lữ hành, những tour kết nối làng nghề và di sản huyện Gia Lâm sẽ ngày càng hấp dẫn, trở thành sản phẩm đặc sắc của du lịch Thủ đô cũng như cả nước.

Năm 2016, làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc là những đại diện tiêu biểu cho vốn di sản đặc trưng về làng nghề truyền thống phong phú của Thủ đô, đã được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quy hoạch đồng bộ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kết hợp du lịch. UBND TP Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi và chọn ra những phương án tốt nhất cho ý tưởng Quy hoạch dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại 2 làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng. Tương lai không xa, Bát Tràng sẽ được đầu tư, xây dựng các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như: Khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn di sản văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề), khu thương mại giới thiệu, bán sản phẩm địa phương… Đây là cơ hội thuận lợi để du lịch huyện Gia Lâm bứt phá.