HARACO - Phát triển thương hiệu vận tải hành khách mới

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

 Kinhtedothi- “Lựa chọn sản phẩm hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, lo lắng về hệ thống đường sắt biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, dự án cụ thể, mang lại hiệu quả cụ thể” Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành đường sắt.

Năm 2024, theo các chuyên gia giao thông, tăng trưởng vận tải hành khách bằng đường sắt khoảng 5-6%, vận tải hàng hóa khoảng 2%, trong bối cảnh giá nhiên liệu và lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2024. Để kinh doanh có lãi ngay từ đầu năm, HARACO đã mạnh dạn tung ra nhiều sản phẩm mới.

Đổi mới tư duy

Trong lần đến thăm và làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải chiến lược, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Lựa chọn nào hiệu quả thì làm, ai làm hiệu quả thì giao việc, khi nào hiệu quả thì bắt đầu. Những băn khoăn, trăn trở, lo lắng về hệ thống đường sắt phải biến thành hành động, sản phẩm, chương trình, đề án, dự án cụ thể, mang lại thay đổi, hiệu quả cụ thể.

Những thay đổi của đường sắt gần đây đáng được ghi nhận, trong đó thành tích lớn nhất không phải là các con số mà chính là sự chuyển biến về tư duy kinh doanh, tư duy quản lý điều hành. Mới đây, 100 phụ nữ đường sắt khu vực Hà Nội đã tham gia đoàn tàu “Kết nối hành trình 8/3” để PA cho mô hình Charter train. HARACO đang quảng bá cho mô hình cho thuê nguyên đoàn để tổ chức các hoạt động trên tàu như triển lãm, trưng bày, hội thảo, hội nghị, quảng bá sản phẩm, thương hiệu,  cưới hỏi, sinh nhật sau khi thành công khai thác tàu khách tuyến Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội-Đà Nẵng.

HARACO, đơn vị tặng cờ có nhiều giải pháp kinh doanh tốt năm 2023, mới đây nghị quyết của HĐQT công ty: tổng doanh thu vận tải: 2.256,7 tỷ đồng, bằng 104 % so với cùng kỳ năm 2023, phấn đấu năm 2024 kinh doanh có lãi. Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải (chênh lệch thu chi) tăng trưởng từ 15% trở lên so với năm 2023. Chủ tịch HĐQT HARACO Đỗ Văn Hoan cho biết: kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đã thành 1 mục tiêu trong nghị quyết, năm ngoái công ty đã vận chuyển trọn gói từ kho đến kho cho Công ty Sam sung Việt Nam 434 container với doanh thu 8,046 tỷ đồng. Lâu nay, chúng tôi chỉ đảm nhận được các dịch vụ giao nhận, kiểm đếm, gia cố, áp tải hàng hóa…trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm nhiều mác tàu mới.

“Theo lộ trình, cuối năm nay 2 công ty CP vận tải đường sắt sẽ tiến hành hợp nhất, nhưng mô hình nào thì khi năng lực cầu đường, năng lực vận tải có giới hạn đường sắt đều phải bắt tay hợp tác sâu với các công ty du lịch. Ngoài việc phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt phải tính đến sản phẩm du lịch trải nghiệm mới thu được hiệu quả kinh tế cao” TS Nguyễn Việt Yên, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế-vận tải trường Đại học GTVT khẳng định.

Đoàn tàu “Kết nối hành trình” 8/3. Ảnh TT
Đoàn tàu “Kết nối hành trình” 8/3. Ảnh TT

Charter train, xu hướng mới

Thực ra, kể từ khi Luật Đường sắt ra đời hơn 20 năm nay đường sắt đã bắt tay hợp tác với các công ty du lịch, khai thác các tuyến Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội- Vinh, Sài Gòn-Nha Trang, Diêu Trì-Đà Nẵng…nhưng mới dừng lại ở việc charter toa. Nói chính xác hơn mô hình charter traine chưa thành công, các đối tác đều “bỏ của, chạy lấy người” sau thời gian ngắn chạy tàu. Năm 2009, Công ty Dongrim (Hàn Quốc) đã từng đầu tư toa xe để chạy tuyến Hà Nội – Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng chỉ vài chuyến "Boeing đường sắt" đã ngừng hoạt động do thua lỗ. Trước đó, một đối tác tại TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp toa xe, thành lập đoàn tàu du lịch Five Star chạy khu đoạn Sài Gòn- Nha Trang cũng không thành công. 

Nếu như chỉ đầu tư trang thiết bị (chủ yếu là nội thất) sang trọng hơn toa xe của đường sắt để nâng cao giá vé thì các đối tác du lịch sẽ rất khó thành công. Kinh nghiệm các nước khác trên thế giới, các hãng du lịch phải tốn tiền tỷ làm công tác truyền thống, quảng bá để tạo hệ sinh thái khách hàng riêng chứ không đơn thuần “giẫm chân” vào tập khách hàng đi tàu của đường sắt đang khai thác.

Tuy nhiên, điều này không ngăn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đều việc phối hợp đầu tư với đường sắt để hình thành các tour du lịch trải nghiệm. Nhất là khi tạp chí du lịch Lonely Planet bình chọn, tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM của Việt Nam là một trong những tuyến đường sắt được yêu thích nhất khu vực Đông Nam Á và thế giới. Belmond, một công ty của Pháp kinh doanh khách sạn, tàu hỏa du lịch, tàu biển du lịch đang tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam để tái hiện lại đoàn tàu Orient Express nguyên bản huyền thoại có từ những năm 1920. Tại khu vực Đông Nam Á, Công ty này đã triển khai tàu du lịch hạng sang Eastern & Oriental Express chạy giữa Bangkok (Thái Lan) - Singapore vào năm 1993.

Toa xe “đệ nhất” tàu du lịch theo tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh TA
Toa xe “đệ nhất” tàu du lịch theo tiêu chuẩn châu Âu. Ảnh TA

Sắp tới, nhân Ngày giải phóng Thừa-Thiên Huế 26/3, đường sắt phối hợp với 2 địa phương khai trương đoàn tàu du lịch Huế- Đà Nẵng mác tàu HĐ1/2 và HĐ3/4, mỗi ngày 2 chuyến kết kết nối 3 miền di sản độc đáo Huế - Đà Nẵng - Hội An. Hiện đã các công ty du lịch tại Huế đăng ký mua trọn gói 5 toa khách (cùng 1 toa sinh hoạt cộng đồng) của tour hấp dẫn này. Theo Tổng giám đốc HARACO Nguyễn Viết Hiệp, hiện nay có khá nhiều đối tác mong muốn hợp tác với Công ty để khai thác khách du lịch. Thành công của mác tàu chất lượng cao SE19/20 đã khiến cho nhiều đối tác tìm đến HARACO, nhóm nghệ sĩ Xuân Bắc đã chuẩn bị cho ra đời đoàn tàu sự kiện, chạy phía bắc sông Hồng.

Tàu du lịch SE19/20 của HARACO đang đạt hiệu quả kinh doanh cao. Ảnh TA
Tàu du lịch SE19/20 của HARACO đang đạt hiệu quả kinh doanh cao. Ảnh TA

 Các công ty du lịch PYS, Vietravel và mới đây là đối tác Trung Quốc đang quan tâm đến việc đầu tư những đoàn tàu đẳng cấp quốc tế tuyến Thống Nhất để phát triển thị trường đầy tiềm năng này. Tổng giám đốc Công ty du lịch PYS Trần Sỹ Sơn cho biết: Charter train là mô hình du lịch không mới, các hãng du lịch thuê toàn bộ một toa hoặc một phần của đoàn tàu để du khách khám phá các điểm địa danh. Nhưng muốn thành công tại Việt Nam, các đối tác phải có vốn đầu tư lớn, kinh nghiệm làm du lịch, xây dựng được tour độc đáo và kiên trì theo đuổi mô hình kinh doanh mới này, chấp nhận bù lỗ thời gian đầu. Công ty PYS đã và đang triển khai với đường sắt mô hình này bằng chiến lược kinh doanh, truyền thông có chiều sâu.