HASMEA - chỗ dựa vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm trên một địa bàn có tới 95% doanh nghiệp (DN) là vừa và nhỏ, Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội (HASMEA) sau hai thập kỷ thành lập ngày càng thể hiện là người bạn đồng hành tin cậy luôn sát cánh cùng cộng đồng DN Thủ đô.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị          triển khai chương trình hành động năm 2015
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai chương trình hành động năm 2015
Chính chỗ dựa vững chắc này đã góp phần đưa các DN hội viên vượt bao khó khăn của nền kinh tế để duy trì sản xuất, kinh doanh (SXKD), đóng góp vào ổn định tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

“Bà đỡ” mát tay
Một trong những mục tiêu hoạt động của HASMEA giai đoạn 2015 - 2020 là thành lập 5 chi hội trực thuộc và kết nạp thêm 300 - 500 hội viên. Đồng thời, các DN phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá thực tế) từ 8 - 10%, thu nhập tăng 5 - 7%, nộp ngân sách và BHXH đúng quy định.

Công cuộc “đổi mới” từ năm 1986 tạo vận hội mới cho các thành phần kinh tế và cũng tạo ra nhu cầu phát triển các DN vừa và nhỏ (DNVVN) phục vụ phát triển đất nước. Trước đòi hỏi của thực tế và nhờ sự vận động kiên trì của nhiều cán bộ tâm huyết, ngày 21/12/1995, Câu lạc bộ các DNVVN ra đời theo Quyết định số 4518 của UBND TP Hà Nội, đến ngày 15/5/2000 chính thức đổi tên thành Hiệp hội các DNVVN TP Hà Nội. Kể từ đó, qua 4 lần tổ chức đại hội, HASMEA hôm nay đã trở thành một trong những tổ chức DN lớn mạnh hàng đầu Việt Nam, quy tụ hơn 1.500 DN với rất nhiều hoạt động sôi nổi và chất lượng. Điều này được thể hiện ở con số hơn 100 hội viên mới kết nạp mỗi năm, thành lập thêm 9 chi hội tại các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông, các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, các CLB Tennis, Gofl, Nữ doanh nhân, CEO+.

Không ngoa khi nói rằng, hiệu quả hoạt động của HASMEA chỉ thực sự được đa số DN ghi nhận từ gần 10 năm trở lại đây, khi ông Đỗ Quang Hiển chính thức giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội năm 2006. Theo đánh giá của nhiều hội viên, từ khi được ông Hiển chèo lái, “con thuyền HASMEA” như được tiếp sức. Thực tế ông Đỗ Quang Hiển đã “kinh qua” chức vụ giám đốc của hàng chục DN từ sản xuất đến thương mại, nghiên cứu khoa học, giờ lại là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)… Với bề dày kinh nghiệm thương trường, ông Hiển đã triển khai khá nhiều chương trình hỗ trợ về vốn cho DN và là chỗ dựa cho DN liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện, SHB có hơn 400 phòng giao dịch trên toàn quốc, nên khi có vướng mắc về vốn ở các tỉnh, thành, nhiều DN đều thông qua SHB được hỗ trợ. DNVVN  chỉ cần có phương án kinh doanh khả thi đều được SHB tạo điều kiện cho vay vốn.

Đáng ghi nhận 5 năm qua kinh tế khó khăn, HASMEA phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo và tổ công tác tháo gỡ khó khăn thúc đẩy SXKD của TP đã khảo sát hơn 500 DN để nắm bắt những vướng mắc, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền (được báo cáo tại 18 hội nghị tiếp xúc DN do TP tổ chức). Mới đây, Hiệp hội cũng chủ trì đối thoại với DN về bất cập trong thực hiện Thông tư 44/Liên bộ Công Thương - KH&CN về nhập khẩu thép để đề xuất giảm bớt thủ tục với mặt hàng thép không rỉ; hướng dẫn DN làm thủ tục giảm tiền thuế đất… 

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến bài toán vốn nan giải với DN, HASMEA đã cùng Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh Hà Nội triển khai chương trình kết nối NH - DN, với sự vào cuộc từ TP đến quận, huyện, sở, ngành và mạng lưới NH. Tổng cộng 25 hội nghị gặp gỡ DN đã được tổ chức, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp gỡ khó cho DN trong quan hệ vay vốn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, lãi suất hợp lý… Hiệp hội cũng tổ chức Hội nghị tái cấu trúc và các giải pháp tài chính cho DNVVN, thu hút gần 200 DN và sau đó, Quỹ Đầu tư phát triển TP, NH TMCP và nhiều tổ chức tín dụng đã giải ngân cho DN vay gần 2.000 tỷ đồng.

Nhằm phát huy hiệu quả vai trò “bà đỡ” với DNVVN, HASMEA vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược và có nhiều chương trình cụ thể với Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội, SHB, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội… Hiệp hội vẫn duy trì hợp tác với 4 hiệp hội DN Thủ đô, các cơ quan thương vụ, đại sứ quán..., đón doanh nhân các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, bước đầu chắp nối đưa một số đoàn xúc tiến thương mại (XTTM) tới các nước. Nhờ tham gia của HASMEA vào các chương trình của TP, hơn 200 lượt DN đã được tham gia XTTM trong và ngoài nước, tạo thị trường xuất khẩu mới. Hiệp hội còn tổ chức 39 diễn đàn XTTM nội khối, giúp tạo cơ hội kinh doanh năm 2014 giá trị 10.000 tỷ đồng.

Chung sức vượt khó

Về những thách thức với DNVVN trên địa bàn, lãnh đạo HASMEA chia sẻ: Sức mua của thị trường cả trong và ngoài nước đang suy giảm, thị trường truyền thống thu hẹp, hàng tồn kho cao, chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, DN gặp khó trong tiếp cận vốn và các chương trình ưu đãi, một số chính sách mang tính vĩ mô của T.Ư và TP còn bất cập, đa số DNVVN chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Do đó, Hiệp hội mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, TP Hà Nội hỗ trợ hiệu quả để cộng đồng DN tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Để làm tốt cải cách hành chính, TP cần tập trung một đầu mối xử lý hồ sơ cho Hiệp hội thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN. Riêng về vay vốn, NH yêu cầu DN phải có tài sản bảo đảm thì mới cho vay, nên HASMEA kiến nghị các quỹ, tổ chức tín dụng TP chấp thuận phương án kinh doanh khả thi của DN để tháo gỡ khó khăn về vốn, có cơ chế chính sách cho vay trung và dài hạn để DN đầu tư phát triển sản xuất, tái cơ cấu nguồn vốn. Hiện, các dự án Chính phủ, dự án ODA đều ưu tiên cho DN lớn, do đó đề nghị tới đây cần thông tin rộng rãi để có sự tham gia của DNVVN, giúp họ khai thác hiệu quả những nguồn vốn này.

Ngược lại, Ban lãnh đạo Hiệp hội đề nghị các DNVVN thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Nhà nước, tích cực hoạt động từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội. Trước các khó khăn hiện nay, bản thân DN cần xây dựng chiến lược phù hợp thâm nhập thị trường, sản xuất sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường, thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, nên cơ cấu lại DN, đầu tư máy móc và đổi mới công nghệ, quản trị nhân lực nâng cao chất lượng lao động cũng như cải tiến tăng năng suất… Mọi hoạt động sản xuất cần hướng đến vì một cộng đồng phát triển.
Công tác hiệp hội cần gỡ nhiều “nút thắt”

Có thể nói từ trước đến nay, nguồn lực hỗ trợ cho công tác hiệp hội (HH) rất hạn chế. Để đảm bảo tài chính, nhìn chung các HH phải tự trang trải bằng cách kêu gọi phí hội viên, chương trình tài trợ... Khó khăn đáng kể nữa là HH ra đời hầu như hoạt động mang tính phong trào, không có tính chiến lược. Cán bộ, nhân viên làm công tác hội không được đào tạo bài bản.

Ở các nước tiên tiến thường có lớp đào tạo chuyên cho người làm công tác hội thì ở Việt Nam, mới có lớp đào tạo người làm công tác xã hội, chưa có đào tạo chuyên về công tác hội hướng đến đối tượng là chủ DN (như đào tạo tổng thư ký, chánh văn phòng HH…). Trong khi đó, nhiều tổ chức hội, HH được thành lập tràn lan, nhưng đối tượng, mục tiêu và phương thức hoạt động không khác nhau - nghĩa là một chủ DN có thể tham gia 5 - 7 hội, quá nhiều hội cùng “chăm sóc” một đối tượng DN. Xảy ra tình trạng này cũng một phần do bản thân cơ quan Nhà nước khi cấp phép thành lập HH ngành nghề chưa có chọn lọc để có những hội mang tính chất đặc thù, hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không chỉ mang tính hình thức. Ngoài ra, một khó khăn nữa ảnh hưởng đến hoạt động của các HH DN là hiện nay, hầu hết sở, ban, ngành đều thành lập ra trung tâm làm dịch vụ công, mà bản thân các trung tâm đó cũng có mối liên hệ với DN. Thực tế những việc đó nên xã hội hóa cho các HH làm để họ tăng nguồn thu, vì bản thân các sở, ngành đều có các trung tâm cung cấp dịch vụ cho đối tượng là DN, như Trung tâm XTTM (Sở Công Thương), Trung tâm dịch vụ đối ngoại (Sở Ngoại vụ)...

Trước những khó khăn vướng mắc này, để tạo cơ chế thuận lợi cho các HH DN, thứ nhất, TP nên dành nguồn quỹ riêng cho hoạt động của HH, khi họ đã trình được phương án hàng năm về những vấn đề liên quan tài chính. Hai là, trong nước rất cần có lớp đào tạo dành cho người làm công tác hội hướng đến đối tượng phục vụ là DN. Thứ ba, các dịch vụ công dành cho DN thì nên chuyển cho HH, vừa để HH nâng cao vai trò đối với DN vừa để có thêm nguồn thu. Thứ tư, đối với các dự án lớn của TP như ODA, FDI…, các HH cần được thông tin một cách chính thống và đầy đủ để từ đó cung cấp cho các hội viên. Như thế, các DNVVN mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng trong các dự án đó, thay vì hiện nay, “sân chơi” này chủ yếu dành cho DN lớn, DN nhà nước.

Đặc biệt, đối với cơ chế chính sách, chương trình hỗ trợ cho DN thì trước khi xây dựng, ban soạn thảo nên mời các tổ chức HH và một số DNVVN đang có khó khăn đến tham gia cùng đóng góp. Hà Nội hiện có 17 vạn DN, nhưng thực tế từ trước đến nay khi 1 quyết định mới được ban hành thì thường chỉ khoảng 20 DN được thụ hưởng, mà nếu quyết định đó được hỏi ý kiến DN trước khi ban hành thì số DN được thụ hưởng sẽ lớn hơn. Số DN được thụ hưởng chính sách là quá khiêm tốn và mới tập trung vào DN lớn, còn DNVVN - đối tượng đáng được hỗ trợ nhất thì ít khi thỏa mãn được các tiêu chí của chính sách. Từ thực trạng này, bản thân HASMEA sẽ cố gắng sát cánh cùng DNVVN để có những phản ánh sát thực hơn, giúp nhiều DN được hưởng chính sách.
Mạc Quốc Anh  - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HASMEA

Valid: True