Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hắt hơi cũng phải học

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hắt hơi là phản xạ tự nhiên đẩy không khí ra khỏi phổi, chủ yếu qua khoang mũi để làm sạch đường hô hấp.

Những chất gây dị ứng như phấn hoa hay hạt bụi xâm nhập vào khoang mũi, cảm lạnh và cúm, những kích thích như cảm xúc quá mức, nắng và gió; đều có thể gây nên hắt hơi.
Ngăn chặn hắt hơi rất nguy hiểm
Hắt hơi được coi là cái chổi của tự nhiên dùng để quét sạch đường hô hấp. Thực tế, khi cảm thấy muốn hắt hơi, có thể ngăn chặn hắt hơi bằng cách ở giai đoạn mũi, há rộng mồm rồi thở bằng miệng, tập trung suy nghĩ vào hơi thở đó. Nhưng hắt hơi là phản xạ tự bảo vệ, nên việc ngăn chặn như vậy sẽ không tốt, bởi các tác nhân bệnh tật không đẩy ra được.
 Ảnh minh họa.
Một số người xấu hổ khi hắt hơi quá to, đã cố gắng ghìm cho tiếng hắt hơi nhỏ xuống, thậm chí lấy tay bịt mũi và ngậm miệng, điều này cực kì nguy hiểm, có thể gây nên những chấn thương rất nghiêm trọng. Hãy thử tưởng tượng khi hắt hơi, luồng không khí từ phổi đi ra lỗ mũi với tốc độ phản lực 1045km/h tương đương với 85% vận tốc của âm thanh, nếu bịt mũi và ngậm mồm lại thì điều gì sẽ xảy ra.
Câu trả lời đầu tiên là trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Leicester NHS Trust ở Vương quốc Anh, vào ngày 16/1/2018. Một người đàn ông giấu tên 34 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, khi hắt hơi anh ngậm miệng và lấy tay bịt mũi.
Ngay sau đó, người đàn ông nghe thấy tiếng nổ lớn ở cổ họng, rồi cảm giác đau và khó nuốt, cổ sưng to dần. Tại Bệnh viện Leicester NHS Trust, TS Wanding Yang cùng với đồng nghiệp là Raguwinder S.Sahota và Sudip Das đã chẩn đoán người đàn ông này bị vỡ cổ họng, tại chỗ tiếp nối giữa khí quản và hầu, nguyên nhân được cho là cú hắt hơi không đúng cách.
Hành động bịt mũi ngậm miệng và kìm nén cơn hắt hơi có có thể gây tổn thương tai, bởi tai có vòi Eustache thông với mũi, trường hợp áp lực không khí quá lớn có thể gây rách màng nhĩ.
Một ca bệnh điển hình vừa xảy ra cuối năm 2018, với người đàn ông Ấn Độ giấu tên 57 tuổi, khi hắt hơi lấy hai ngón tay bịt mũi. Hậu quả, người đàn ông cảm thấy tai trái ù đặc, có chất lỏng tràn đầy, đưa ngón tay út vào kiểm tra thấy nhiều máu đỏ tươi. Tại Bệnh viện Đa khoa Sanjeevani, các bác sĩ chẩn đoán tai bên trái của người đàn ông bị rách màng nhĩ, máu đông lấp đầy ống tai trong, thính lực giảm đáng kể.
Việc ngăn chặn hắt hơi cũng có thể gây vỡ các mạch máu, đặc biệt là động mạch cảnh, vỡ động mạch não cực kì nguy hiểm. Trường hợp điển hình là xảy ra ở Nhật Bản vào năm 2013, với một bệnh nhân nữ 57 tuổi, sau một cú hắt hơi bị chảy máu tai, do vỡ phình động mạch cảnh đoạn trong xương đá.
Bên cạnh đó, ngăn chặn hắn hơi còn có nguy cơ vỡ các kén khí, vỡ phế quản phế nang gây tràn khí khoang màng phổi, tràn khí trung thất.
Còn nhiều những tổn thương khác do hắt hơi hoặc hắt hơi không đúng cách, như nhồi máu hay vỡ động mạch mắt ảnh hưởng đến thị lực, viêm xoang, tổn thương đường hô hấp dưới dẫn đến viêm.
Phải hắt hơi đúng cách
Hắt hơi như chiếc bình xịt khổng lồ. Bình xịt này tạo ra 40 nghìn giọt nước bọt siêu nhỏ đường kính từ 0.5 - 5µm bay ra khỏi mũi trong phạm vi 2m. Những giọt nước bọt lớn khích thước trên dưới 100µm sẽ nhanh chóng rơi xuống đất do lực hút trọng trường. Nhưng với giọt nước bọt siêu nhỏ sẽ bay lơ lửng trong không khí, như những hạt bụi siêu mịn mang mầm bệnh, đặc biệt là virus cúm.
Một người ngửa cổ lên trời hắt hơi, thì khoảng xung quanh người đó với vòng tròn đường kính 4m sẽ được coi là vùng nguy hiểm, dễ lây bệnh cho người khác.
Bởi vậy, cần phải hắt hơi đúng nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Ở các nước phát triển, bố mẹ và nhà trường dạy trẻ em rất cẩn thận cách hắt hơi, ở lớp còn tổ chức hẳn các cuộc thi hắt hơi xem ai thực hành tốt nhất. Rất tiếc hầu hết người Việt đang hắt hơi theo cách ngửa cổ lên trời, xịt 40.000 giọt nước bọt nhiễm bệnh tự do bay trong không khí.
Hắt hơi như trên phim ảnh, dùng tay che miệng để tạo dáng, đó cũng là cách hắt hơi nguy hiểm không kém so với ngửa mặt lên trời. Vì bàn tay không thể ngăn cản hết các giọt nước bọt bắn tự do vào không khí.
Chưa kể bàn tay là nguyên nhân hàng đầu của truyền bệnh, khi bàn tay ấy nhiễm virus, vi khuẩn, sẽ truyền sang người khác qua cái bắt tay, truyền vào các vật dụng xung quanh, nắm đấm cửa cũng là nơi chứa nhiều mầm bệnh nhất là vì thế.
Hắt hơi chống nhiễm khuẩn lý tưởng nhất là sử dụng khăn giấy dùng 1 lần. Khi hắt hơi, khăn giấy được đặt vào lòng 2 bàn tay, phủ lên mũi và miệng đảm bảo các hạt nước bọt không bị thoát ra, hắt hơi xong vo khăn giấy cho vào sọt rác an toàn. Bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng hay chất sát khuẩn ngay sau khi hắt hơi.
Tuy nhiên, không phải khi nào cũng có khăn giấy dùng 1 lần. Vậy cách hắt hơi phổ biến nhất, đó là vắt tay qua vai đối diện, để phần áo mặt trong khủy tay che kín mũi và miệng, ngoài việc ngăn chặn phát tán 40.000 giọt nước bọt vào không khí, thì tay áo mặt trong khủy cũng là vùng không sờ đến nên không gây truyền bệnh cho người khác.