Sáng nay, một đại tá an ninh ngoài 80 đã gặp tôi đau đáu: “Có thể làm thế nào để tắt được clip quảng cáo trên truyền hình món Phở bò Hà Nội Cung Đình của Micoem do Hồng Nhung thực hiện được không?”
Nhớ lại những năm đầu thập niên 1990, khi những chiếc loa dọc những con phố Hà Nội vang lên ca khúc này khiến mọi lo âu, nguy hiểm của chiến tranh vụt tan biến, lòng người nao nao một cảm giác thư thái, bình yên. Đối với những chàng trai Hà Nội, xa TP cầm súng lên đường bài hát tự một câu chuyện về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Những lời ca tiếng hát không hô hào, không mang tính khẩu hiệu mà nhẹ nhàng thấm vào lòng người tựa như hơi thở… “dù có đi 4 phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.
Người nhạc sĩ tài ba ấy đã qua đời cách đây 6 năm nhưng mỗi khi nghe đến bài hát, người ta lại nhớ đến ông, càng nhớ về Hà Nội “nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…”.
Suốt hơn 3 thập kỷ qua, có nhiều ca sĩ từng thể hiện ca khúc này: Cẩm Vân, Ngọc Tân, Mỹ Tâm, Quang Dũng... Với các chất giọng khác nhau, cảm nhận về bài hát khác nhau, các ca sĩ đã chọn cho mình lối thể hiện riêng. Nhưng bản thu đầu tiên của Hồng Nhung trên loa phát thanh những sáng Hà Nội của ngày xưa được những người yêu Hà Nội thích nhất. Hồng Nhung là người có công trong việc đưa những giai điệu hào hùng, trữ tình đi khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắc hành tinh.
Giọng hát mộc mạc, da diết, vừa ngọt ngào vừa hùng tráng của cô Bống đã đi vào ký ức của nhiều người như một thói quen. Cho dù có nhiều ca sĩ khác, hát hay không thua kém, người ta vẫn thích Nhớ về Hà Nội của Hồng Nhung, đơn giản vì họ đã nghe như vậy từ bao năm rồi.
Thế rồi, không hiểu vì sao lần này Bống lại xuất hiện, trong clip quảng cáo tại Nhà hát Lớn nhún nhảy “dù có đi 4 phương trời lòng vẫn nhớ về… Phở Hà Nội”. Bao fan hâm mộ diva này thầm tiếc, không có Hồng Nhung thì bản thân Phở Hà Nội đã là một thương hiệu, để ngay cả Thống thống Mỹ Bill Clinton khi sang thăm Việt Nam, xong công việc quốc gia đại sự, việc đầu tiên là đi ăn phở.
Nhưng việc Hồng Nhung đưa phở vào nhạc phẩm nổi tiếng của Hoàng Hiệp, người nhạc sĩ lãng mạn của "một thời đạn bom, một thời hòa bình” đã xúc phạm đến người quá cố, đến tình yêu của hàng triệu người dành cho thủ đô yêu dấu.
Nếu Micoem, công ty đang trả tiền cho clip quảng cáo của Hồng Nhung không sớm nhận ra điều đó, rất dễ “lợi bất, cập hại”.