Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hát xẩm - không cần danh hiệu vẫn nhiều người nghe

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 năm, hát xẩm không thể phục dựng hình thức hát rong như mong ước, chỉ có thể trải chiếu ngồi hát giữa sân đình hoặc trong từng góc phố.

Sáng 22/9 (tức 22/8 Âm lịch), những “cây đa cây đề” của nghệ thuật hát xẩm như: NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ty, NSƯT Thanh Ngoan… cùng các học trò rộn ràng phách, nhịp, sắm lễ dâng nén hương nhân ngày Giỗ Tổ nghề. Hơn 10 năm, hát xẩm không thể phục dựng hình thức hát rong như mong ước, chỉ có thể trải chiếu ngồi hát giữa sân đình hoặc trong từng góc phố.
 Những khúc xẩm “Vui nhất có chợ Đồng Xuân”, “Anh khóa”… lại vang lên trong ngày Giỗ Tổ nghề, cũng là dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Những khúc xẩm này đã được nghệ sĩ biểu diễn thường xuyên vào mỗi dịp cuối tuần trước cửa chợ Đồng Xuân, nhà Bát Giác (phố Lý Thái Tổ), hay trước tượng đài vua Lê (phố Lê Thái Tổ)…, nhưng khán giả nghe mãi không chán. Rõ ràng, loại hình nghệ thuật bình dân này vẫn là của số đông công chúng.
 NSND Xuân Hoạch gẩy đàn, ngân ca tiết mục hát xẩm trong ngày Giỗ Tổ nghề. Ảnh: Linh Anh  
“So với 10 năm trước, đến nay nhìn thấy nghệ thuật xẩm được phục dựng như thế này là tôi thấy mừng lắm rồi” – nhạc sĩ Thao Giang – Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ. Đó là sự mừng trong khiêm tốn của một người nghệ sĩ hết lòng vì xẩm. Bởi vì, đi từ chỗ không tiền, không trụ sở, đến nay cái nôi của phục dựng nghệ thuật xẩm là Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đã có thể nương nhờ trong khu vực nhà khách của đình Hào Nam; từ tần suất biểu diễn 1 buổi/tuần từ năm 2010, đến nay số lượng biểu diễn đã tăng lên 3 buổi/tuần tại khu phố cổ Hà Nội là thành quả không nhỏ của những người hết lòng với xẩm.Chưa kể, hiện nay nghệ thuật hát xẩm đã được đưa vào các trường học điện ảnh, sân khấu, câu lạc bộ quần chúng, sân khấu ca nhạc… Thế nhưng, việc nghiên cứu và phục dựng hát xẩm chỉ có thể đơn giản ở mức độ đó. Không gian chính của hát xẩm là ngoài đường phố, bến tàu, nhà ga… đã không thể thực hành trong xã hội hiện đại. Không ai đồng ý để những gánh hát rong, dù là nghệ sĩ được lang thang gẩy lên các làn điệu dù đạt quy chuẩn về âm nhạc, văn học, nhạc khí và môi trường diễn xướng, trên phố phường đô thị hiện đại. Và như vậy, thế hệ sinh năm 30 – 40 của thế kỷ trước chỉ có thể hồi tưởng xẩm tàu điện vào những dịp lễ hội của Thủ đô.
Ngày Giỗ Tổ nghề hát xẩm năm 2016 cũng chính dịp kỷ niệm 10 năm lễ giỗ này được khôi phục. Trong buổi lễ, bên cạnh tục hát thờ tấu trình Thánh sư Trần Quốc Đĩnh – ông tổ nghề hát xẩm, các nghệ sĩ còn thi nhau khoe những ngón đàn, nhịp phách, câu ca. Không khí rộn ràng của các giai điệu xẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ để chứng tỏ dù không cần đến một danh hiệu, di sản ấy vẫn mãi sống trong lòng người yêu hát.