Sau hơn 2 năm, thế giới giờ đang trong trận chiến "kép": Tiếp cận mới trong ứng phó với dịch đồng thời phục hồi kinh tế.
Thay đổi hướng tiếp cận với dịch bệnh
Biến thể Omicron vẫn đang khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đã chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này, giảm tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Tỷ lệ tiêm vaccine cao được coi là chìa khóa để các nước vẫn đứng vững trước làn sóng lây lan của Omicron.
Việc thay đổi chính sách nhập cảnh của thế giới là minh chứng đầu tiên cho những biến chuyển hậu đại dịch. Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ lệnh cấm du lịch, cho phép du khách đến từ các quốc gia ngoài khối nhập cảnh với điều kiện đã tiêm hai mũi vaccine. Từ 1/3/2022, du khách đã tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19 được vào châu Âu du lịch, mũi thứ hai cách ngày nhập cảnh ít nhất hai tuần, và không quá 270 ngày.
Những người đã tiêm quá 9 tháng phải tiêm mũi tăng cường. Người khỏi Covid-19 và phục hồi trong vòng 180 ngày cũng được chấp thuận. Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch Covid-19 từ ngày 18/4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời.
Mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 có chiều hướng giảm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/4 khẳng định Covid-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước vẫn cần sẵn sàng phản ứng nhanh và trên quy mô lớn đối với đại dịch này.
Trên thực tế, do số lượng bệnh nhân Covid-19 trở nặng đã giảm ở nhiều quốc gia, nhiều nước đã cắt giảm và loại bỏ dần các chương trình giám sát và xét nghiệm Covid-19. Điều này khiến WHO lo ngại khả năng giám sát dịch bệnh trong thời gian tới sẽ suy yếu và việc ứng phó với dịch có thể gặp nhiều hạn chế khi dịch bệnh tái bùng phát.
Do đó, WHO nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường theo khuyến cáo của giới chức y tế. Cùng với đó, người dân khi ra ngoài nên đeo khẩu trang tại những địa điểm đông đúc và không gian kín. Tuy mỗi nước đều có những quy định riêng trong công tác phòng chống dịch, nhưng về cơ bản, các nước đều đã và đang đẩy mạnh các hoạt động du lịch trong và ngoài nước nhằm "thích ứng" và "sống chung" với dịch bệnh.
Tăng trưởng toàn cầu trước thách thức
Sự suy yếu của nền kinh tế thế giới được nêu bật thêm vào ngày 19/4 khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông tin trong Triển vọng Kinh tế Thế giới rằng sản lượng toàn cầu dự kiến giảm từ 6,1% năm 2021 xuống còn 3,6% trong năm nay. Dự báo hồi tháng Giêng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho nền kinh tế toàn cầu năm nay là 4,4%. IMF và Ngân hàng Thế giới cùng đánh giá, cuộc xung đột Nga - Ukraine trở thành mối đe dọa mới. Cùng với hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19, viễn cảnh kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn.
143 quốc gia trên thế giới đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng theo hướng giảm. WB lưu ý về các khoản nợ khổng lồ và lạm phát là hai vấn đề lớn thách thức tăng trưởng toàn cầu. Các nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng, phân bón, thực phẩm tăng đột biến.
Một quỹ viện trợ trị giá 170 tỷ USD được WB đề xuất triển khai nhằm hỗ trợ các nước nghèo. Tổ chức này cũng kêu gọi cơ cấu lại nợ cho các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ yếu là do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng diễn ra khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.
Các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với việc duy trì sức ép với Nga đồng thời vẫn giữ đà phục hồi kinh tế đi đúng hướng, bảo vệ người nghèo trên thế giới khỏi giá cả tăng cao. Trong khi một số quốc gia xuất khẩu hàng hóa được hưởng lợi từ thời kỳ giá nhiên liệu và lương thực cao hơn, với hầu hết các nền kinh tế, sự gián đoạn này đang tạo ra sức ép.
Theo IMF, tổng vay nợ của các chính phủ, DN và hộ gia đình trên thế giới đã tăng lên 256% GDP, mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX. Nhiều nước đang phát triển đã tích lũy núi nợ trong suốt thập niên qua, đặc biệt là trong hai năm vừa rồi khi họ cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí của đại dịch Covid-19.
Để hỗ trợ các nước đối phó với lạm phát gia tăng cũng như căng thẳng tài chính nghiêm trọng do nợ tăng cao, Ngân hàng Thế giới sẽ xây dựng một quỹ viện trợ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD trong 15 tháng tới để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất đang chịu hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng. Đây là cam kết hỗ trợ tài chính lớn nhất từ trước tới nay của Ngân hàng Thế giới.
Vai trò châu Á trong phục hồi kinh tế hậu đại dịch
Diễn đàn hàng năm châu Á Bác Ngao diễn ra từ ngày 20 - 22/4 tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với chủ đề "Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung". Một trong những nội dung được thảo luận nhiều là vai trò của châu Á trong phục hồi nền kinh tế khu vực và thế giới. Châu Á đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu… được kỳ vọng sẽ là động lực cho phục hồi nền kinh tế toàn cầu trong tình hình thế giới biến động khôn lường.
Trung Quốc vừa duyệt danh sách 666 DN là các tập toàn đa quốc gia, DN nội địa trọng yếu để sản xuất trở lại ngay cả khi Thượng Hải vẫn còn phong tỏa. Số này bao gồm các công ty hàng đầu Trung Quốc về sản xuất chip SMIC, Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC Motor), các tập đoàn đa quốc gia Tesla, Volkswagen…
Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp cho quá trình sản xuất bình thường ở Trung Quốc cũng như tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc - công xưởng thế giới có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Marcos Troyjo - Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) nhận định, vai trò của toàn cầu hóa ngày càng quan trọng. Theo đó, trong 3 - 4 thập kỷ qua, châu Á thực sự đã trở thành kinh tuyến địa kinh tế toàn cầu. Đó không chỉ là do thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc mà 35 năm qua Trung Quốc với vai trò ngày càng quan trọng là công xưởng sản xuất của thế giới. Giờ đây, với sự phát triển hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nước ngày càng chạy đua trong nâng cao sức mạnh trên toàn cầu.
Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn bất ổn lớn do một đại dịch bất thường và hậu quả của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina hợp lại dẫn tới lạm phát nhanh và đè nặng lên phục hồi toàn cầu vốn rất mong manh, theo New York Times nhận định.