Hậu giãn cách, doanh nghiệp mở thêm những ''cánh cửa mới''

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định sống chung với Covid-19, các DN Việt không chỉ chuẩn bị sẵn sàng kịch bản để sản xuất an toàn mà còn triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm thêm những ''cánh cửa mới'' bên cạnh mảng thế mạnh truyền thống.

“Chốt” xong nhiều thương vụ lớn
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, trong bối cảnh dần chuyển mình sang giai đoạn “bình thường mới”, các DN đã bắt tay tăng tốc đầu tư.
 VPBank thỏa thuận thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD kỳ hạn 2 năm với SMBC

Từ quý IV/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát, đầu tư lớn, bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Song song triển khai nhanh chóng các nhà máy mới, Hòa Phát ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển những sản phẩm điện lạnh, hàng gia dụng thiết kế hiện đại, chất lượng và giá thành cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu.
Việc triển khai đầu tư hệ thống nhà máy của Hòa Phát nhằm mục tiêu đón đầu làn sóng tiêu dùng trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”, và hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành thương hiệu điện lạnh, hàng gia dụng số 1 Việt Nam, đồng thời hướng ra xuất khẩu.
Ngoài mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu hậu giãn cách cũng được nhiều DN thực hiện. Những cái bắt tay với các “ông lớn” quốc tế đã được nhiều ngân hàng “chốt” ngay sau giai đoạn nới giãn cách, đóng vai trò quan trọng để DN mở thêm ''những cánh cửa'' tiếp cận thị trường lớn với những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới.
Chiều 27/10/2021, lễ ký kết thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD kỳ hạn 2 năm giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, VPBank và SMBC đã đạt được thỏa thuận ký kết khoản vay hợp vốn cùng sự tham gia của 4 ngân hàng quốc tế là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank với tư cách là các bên đồng cho vay. Toàn bộ gói hỗ trợ tài chính quốc tế này sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho VPBank nhằm tăng cường nội lực, mở rộng kinh doanh và tiếp tục cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn gián đoạn dòng tiền bởi đại dịch Covid-19.
Như vậy, trong vòng 1 tuần, VPBank nhận liên tiếp 2 khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD. Thành công của khoản vay lần này là minh chứng tích cực cho uy tín của VPBank trên trường quốc tế, cũng như thể hiện sự tin tưởng của đối tác (SMBC) dành cho ngân hàng. 
“Mặc dù bối cảnh kinh tế không thuận lợi do đại dịch Covid-19 và gây nhiều hệ lụy đối với hệ thống tài chính trong nước, VPBank vẫn chủ động hỗ trợ giảm, giãn nợ và giảm lãi suất cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để các khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với những hỗ trợ tài chính và cả phi tài chính của ngân hàng”- lãnh đạo VPBank cho hay.
Với việc nhận khoản tín dụng này, VPBank sẽ có thêm một trong những nguồn lực quan trọng để tiếp tục củng cố nền tảng vốn, tăng trưởng bền vững và tiếp tục cung ứng các giải pháp hỗ trợ cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trong ít nhất 2 năm tới. Đại diện lãnh đạo VPBank cũng nhấn mạnh sự kiện này là bước phát triển mới, tiếp tục mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện giữa VPBank và SMBC trong thời gian tới.
“May áo” thời sống chung với Covid-19
Thực tế, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam xoay trục chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng sống chung an toàn với Covid-19. Khi các lệnh giãn cách xã hội dần được nới lỏng một cách thận trọng, cộng đồng DN đang bắt đầu làm quen với những đặc điểm mới của thị trường hình thành trong quá trình thích nghi với đại dịch.
Theo báo cáo mới nhất về triển vòng ngành thực phẩm - đồ uống của VietnamReaport, trong đó có một số đặc điểm được cho là sẽ hỗ trợ tốt nhất cho DN trong dài hạn giống như cơ chế miễn dịch được kích thích khi tiêm vaccine. Đó là làm việc linh hoạt; đầu tư nhiều hơn vào công nghệ; khả năng phục hồi và nhanh nhẹn tốt hơn; những phương thức mới để phục vụ khách hàng; bộ máy vận hành tinh gọn hơn; sự tham gia của cộng đồng và xã hội.
 Sau thời gian giãn cách, nhiều sản phẩm mới đã được ABBANK thiết kế phù hợp với bối cảnh mới
Để phù hợp với tình hình mới, các DN đã thiết kế những “tấm áo” phù hợp. Ông Nguyễn Khánh Phúc – Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân ABBANK cho biết: “Sau một thời gian dài hạn chế đi lại và các dịch vụ trong nước bị đóng băng do giãn cách vì Covid-19, nhu cầu chuyển tiền quốc tế tăng mạnh có thể đẩy chi phí của mảng dịch vụ này tăng trong ngắn hạn. Vì thế, ABBANK thiết kế các sản phẩm phù hợp để phần nào giúp khách hàng có một địa chỉ tin cậy và ổn định cho nhu cầu cấp thiết hiện nay của gia đình.”
Từ nay đến ngày 31/12/2021, ngân hàng này triển khai chương trình “Miễn phí chuyển tiền – Gắn liền yêu thương” nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển tiền quốc tế cho du học sinh và trợ cấp thân nhân. Trong khuôn khổ chương trình, các giao dịch chuyển tiền quốc tế tại ABBANK sẽ được hoàn toàn miễn phí chiều đi (không áp dụng cho phí thu hộ từ ngân hàng nước ngoài và điện phí), đồng thời được áp dụng hạn mức giao dịch trong 1 năm theo tỷ giá quy đổi tốt nhất. Theo đó, hạn mức tối đa 60.000 USD/người nhận cho du học sinh và 250.000 USD/người nhận cho nhu cầu trợ cấp thân nhân.
Với việc một số nước bắt đầu áp dụng "Hộ chiếu vaccine" khi xuất nhập cảnh thì đây cũng là thời điểm thích hợp để khách hàng thực hiện dịch vụ chuyển tiền quốc tế hỗ trợ con em tiếp tục mục tiêu du học, cũng như hỗ trợ tài chính cho người thân đang sinh sống tại nước
Ông Lê Hải – Tổng Giám đốc ABBANK nhận định: “Kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay khó khăn hơn nhiều so với điều kiện bình thường, khi phải vừa cân đối giữa hiệu quả kinh doanh cũng như sự phát triển của tổ chức với trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng, chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng. ABBANK đã có nhiều sự điều chỉnh chính sách trong ngắn hạn sao cho hợp lý nhất trong từng thời điểm biến động của thị trường.”