Hậu Giang: 2.700 tấn nông sản gặp khó trong tiêu thụ

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, tại Hậu Giang, nhiều mặt hàng nông sản đang gặp khó trong tiêu thụ, nhất là các loại thủy sản.

Theo các địa phương trong tỉnh Hậu Giang, bà con vẫn cố gắng duy trì phát triển sản xuất, nhờ vậy, nguồn cung các mặt hàng nông sản của tỉnh vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
 Cá tra là một trong nhiều loại thủy sản còn tồn đọng nhiều ở Hậu Giang. Ảnh: H.Phước 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội, giao thương bị hạn chế nên hiện có nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng trong dân với số lượng khá lớn.
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp, sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh thì chỉ có lúa, thịt, trứng, rau màu là tiêu thụ tương đối thuận lợi, còn nhiều mặt hàng nông sản khác thì gặp bế tắc.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 tấn nông sản còn tồn đọng trong dân. Trong đó, nhiều nhất là các loại thủy sản (cá tra, cá rô đồng, cá thát lát, cá trê vàng...) với số lượng hơn 2.000 tấn, các mặt hàng trái cây khoảng 470 tấn, rau màu các loại khoảng 75 tấn...
Thực tế có không ít hộ đang sinh sống ở địa phương này nhưng lại có đất sản xuất ở địa phương khác nên gặp khó trong việc đi lại khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Việc thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản cũng gặp khó do vướng các quy định về mặt thủ tục trong phòng, chống dịch Covid-19. Mặt khác, một số địa phương đang thiếu máy thu hoạch lúa, trong khi nhiều cánh đồng đã đến ngày thu hoạch…
Tỉnh Hậu Giang chỉ đạo điều phối các máy cắt để khẩn trương thu hoạch lúa cho dân. Ảnh: G.Lam
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên đề nghị ngành công thương và nông nghiệp tỉnh quan tâm hỗ trợ các địa phương trong việc thành lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân để thuận tiện trong việc liên kết tiêu thụ tại các tỉnh, thành có nhu cầu.
Các địa phương trong tỉnh ưu tiên bố trí điểm thu mua nông sản tại các tuyến đường thuộc “luồng xanh” theo chỉ đạo của trung ương và tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển.
Mỗi địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn có báo cáo hàng ngày về tình hình thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ nông sản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để có hướng liên kết tiêu thụ kịp thời.
Sở NN&PTNT có trách nhiệm điều phối các máy cắt từ địa phương này sang địa phương khác có nhu cầu để khẩn trương thu hoạch lúa cho người dân, hạn chế thất thoát, cố gắng chỉ đạo thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu trong tháng 8.
Về khó khăn trong việc đi lại của người dân từ địa phương này sang địa phương khác, Thường trực UBND tỉnh sẽ có báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để có sự chỉ đạo chung trên phạm vi toàn tỉnh…