Hậu Giang chi gần 140 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra ngày 24/6, Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, từ năm 2016 đến nay tỉnh đã chi gần 140 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, giai đoạn 2016 đến nay, hàng năm tỉnh cử hơn 17.600 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tham gia các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng an ninh, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn, nghiệp vụ…
Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ đào tạo sau đại học, thu hút nhân lực, giải quyết kinh phí thu hút nhân lực, kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học cho 396 trường hợp (trong đó, thu hút được 1 trường hợp của ngành giáo dục và đào tạo). Tổng kinh phí thực hiện hơn 25,7 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: C.Oanh 
Năm 2020, toàn tỉnh Hậu Giang có 1.221 CBCCVC có trình độ sau đại học, chiếm tỷ lệ 6,78%; trình độ đại học là 12.557 trường hợp, chiếm tỷ lệ 70,7%, trình độ cao đẳng trở xuống là 3.979 trường hợp, chiếm tỷ lệ 22,4%...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ CBCCVC của tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. CBCCVC sau khi đào tạo, được bố trí, sắp xếp công việc tương đối phù hợp, phát huy được năng lực chuyên môn, sở trường công tác và vận dụng kiến thức đã được đào tạo.
Dù ngân sách còn khó khăn, nhưng tỉnh Hậu Giang vẫn ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hậu Giang đã chi cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh là gần 140 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa gắn chặt giữa quy hoạch đào tạo, sử dụng, bố trí sau đào tạo, bồi dưỡng; một bộ phận được bố trí không phù hợp với vị trí việc làm; vẫn còn tình trạng CBCCVC đã được bổ nhiệm nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn quy định.
Trình độ, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tinh thần, thái độ tác phong làm việc của một bộ phận nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Đặc biệt, một số nguồn nhân lực trong khu vực nhà nước đang còn tư duy “công vụ suốt đời” nên chậm đổi mới, ý thức tự nâng cao trình độ, phương pháp làm việc, chưa thể hiện được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển chung của tỉnh...
Mục tiêu đến năm 2025, Hậu Giang phấn đấu 100% CBCCVC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, các chức danh lãnh đạo, quản lý (kể cả các đối tượng trong quy hoạch). Có ít nhất 80% CBCCVC được cập nhật kiến thức pháp luật, được cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, phù hợp với vị trí việc làm...
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… để bổ sung hoàn chỉnh nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh; nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030.
Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, lâu dài phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, 100% CBCCVC đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, các chức danh lãnh đạo, quản lý.
“Trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh cần xây dựng quỹ tài năng trẻ từ nguồn xã hội hóa để lựa chọn, tài trợ học bổng cho những học sinh, sinh viên, CBCCVC giỏi, để có nhiều cống hiến, sáng tạo hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh nhà…” - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang lưu ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần