Hậu hủy mời thầu quốc tế cao tốc Bắc – Nam: Khó khăn về vốn vẫn hiện hữu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 10 ngày kể từ khi Bộ GTVT phát đi thông báo việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam được triển khai ra sao vẫn là chủ đề nóng được dư luận quan tâm.

 Cao tốc La Sơn -Túy Loan thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hồng Quý

Sẽ kéo nhiều nhà đầu tư trong nước trở lại
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã có những động thái tích cực nhằm đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, việc hủy mời thầu quốc tế này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ dự án bởi mất thêm thời gian để sơ tuyển. "Chúng tôi chỉ đạo các ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu trong nước; thông báo cho các DN về việc hủy đấu thầu quốc tế. Công tác phát hành hồ sơ mời thầu sẽ được thực hiện trong tháng 10/2019” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Thực tế cho thấy, nhiều công trình giao thông do DN nước ngoài làm nhưng chất lượng quá kém, giá thành quá cao, lại bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Do đó, việc thay phương án lựa chọn hình thức đấu thầu mới sẽ tránh được những rủi ro giống như nhiều dự án làm đường giao thông khác. Đặc biệt, các nguyên tắc của việc hợp tác phải được thiết kế sao cho bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên.

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Về tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, khi chuyển sang hình thức mời thầu rộng rãi trong nước có nghĩa là tính cạnh tranh rộng rãi trong nước. Tuy nhiên, để xác định được sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư tham gia đấu thầu vào thời điểm này là rất khó. Câu trả lời sẽ chỉ có được sau khi Bộ GTVT tiến hành sơ tuyển và nhận hồ sơ. Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, việc thay đổi sang hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước sẽ tạo ra sức hút, kéo nhiều nhà đầu tư nội quay trở lại với dự án.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, việc hủy mời thầu quốc tế là điều tương đối phổ biến ở các nước trên thế giới. Ủng hộ quan điểm của Bộ GTVT hủy đấu thầu quốc tế chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước đối với 8 dự án PPP của cao tốc Bắc – Nam, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng điều này sẽ giúp DN trong nước có cơ hội tham gia sân chơi mà lâu nay vẫn bị đánh giá là quá sức và vượt tầm.
Bên cạnh đó, việc hủy mời thầu quốc tế này cũng chứng tỏ rằng, chất lượng và tính cạnh tranh của các nhà đầu tư quốc tế là không cao như chúng ta nhầm tưởng. Trước đó, có thời điểm nhìn vào danh sách nhà đầu tư quốc tế tham gia đấu thầu ở dự án cao tốc Bắc – Nam, không ít ý kiến cho rằng sẽ chẳng có cơ hội nào cho DN nội.
Phối cảnh cao tốc Bắc - Nam.
Giải bài toán thiếu vốn như thế nào?
Khi đặt toàn bộ niềm tin vào nhà đầu tư trong nước, vấn đề tín dụng được dự báo sẽ có những khó khăn không nhỏ đang chờ phía trước. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực thực tế của các nhà đầu tư và các nguồn vốn tín dụng dành cho dự án. Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận, tín dụng khó khăn là tình hình chung của nhiều dự án giao thông hiện nay. Không chỉ đối với cao tốc Bắc – Nam mà nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai cũng đang gặp khó trong việc vay vốn ngân hàng. “Trước đây, các gói vay tín dụng cũng chỉ vài trăm đến 1.000 tỷ đồng. Các dự án làm đường cao tốc, thông thường vốn vay tương đối lớn, 7.000 - 8.000 tỷ đồng trở lên. Do đó việc huy động tín dụng sẽ khó khăn” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước về con số có thể huy động để các ngân hàng nghiên cứu và đưa ra những kiến nghị về giải pháp để tạo ra nguồn vốn tín dụng có thể cung cấp được. Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn tín dụng còn phải phụ thuộc vào các quy định của pháp luật về vay vốn tín dụng và cả tính khả thi của từng dự án.
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư nhận định, việc trao cơ hội cho nhà đầu tư trong nước tham gia dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực trong tương lai. Nhất là việc giúp DN nội vốn rụt rè, thiếu kinh nghiệm trong các dự án lớn trước đây trở nên mạnh dạn và tự tin hơn. Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ quan ngại về nguồn vốn cho dự án khi chỉ huy động trong nước. Đặc biệt là kịch bản huy động vốn trong nước không đủ sẽ phải đi vay vốn nước ngoài, từ đó dẫn đến việc phụ thuộc của dự án.
Để tránh kịch bản trên xảy ra, TS Lê Đăng Doanh hiến kế, dự án cao tốc Bắc – Nam có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nghĩ tới nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ. “Trong trường hợp cần huy động vốn thêm, có thể huy động trái phiếu DN hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng đường cao tốc” – TS Lê Đăng Doanh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần