Hậu nông thôn mới ở Đông La

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây gần 2 tháng, xã Đông La, huyện Hoài Đức đã được trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 – 2015.

Cùng với niềm vui trước thành quả đạt được, lãnh đạo và Nhân dân xã Đông La vẫn còn những trăn trở với nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Ngay khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được lãnh đạo xã Đông La xác định là khâu then chốt, quyết định thành công của chương trình. Với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, xã đã tổ chức trên 100 hội nghị, thu hút 5.000 lượt cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham dự. Bên cạnh đó, hệ thống loa truyền thanh xã cũng được sử dụng tối đa để tuyên truyền về chương trình quan trọng này.
Bộ mặt nông thôn mới xã Đông La, huyện Hoài Đức.
Bộ mặt nông thôn mới xã Đông La, huyện Hoài Đức.
Trong xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, rất phức tạp. Xác định người nông dân là đối tượng và cũng là chủ thể cần hướng tới, chính quyền xã đã tổ chức họp bàn trực tiếp với người dân, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Bên cạnh đó, xã giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động tới tất cả hội viên của mình. Nhờ đó đã có 98% người dân đồng tình ủng hộ và tham gia dồn điền đổi thửa. Để xây dựng NTM thực sự trở thành một phong trào rộng khắp, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể của xã đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều cuộc thi như: Hội thi trưởng thôn thân thiện, trưởng ban công tác mặt trận giỏi, phụ nữ chung tay xây dựng NTM, thanh niên với phong trào xây dựng NTM... Tất cả đã tạo nên một khí thế sôi nổi, nguồn động lực mạnh mẽ để cán bộ và Nhân dân thi đua ra sức xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Mừng – Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong quá trình xây dựng NTM, xã đã phát huy tối đa quyền dân chủ của Nhân dân, họp bàn trực tiếp với người dân để họ hiểu được lợi ích của mình khi xây dựng NTM. Vì vậy, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất thổ cư, đất canh tác, chặt cây và đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Theo thống kê, toàn xã Đông La đã có 1.672 hộ dân tham gia hiến đất canh tác với tổng diện tích 38.175m2 và 15 hộ dân hiến đất thổ cư với diện tích 320m2², tổng giá trị khoảng trên 40 tỷ đồng.

Để nông thôn mới thực sự bền vững

Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, đời sống của người dân trên địa bàn xã Đông La được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm, cả 4 thôn đều có nhà văn hóa, 100% người dân được sử dụng nước sạch. Điều này đã thực sự thay đổi diện mạo nông thôn hiện nay. Với những kết quả đạt được, Đông La đã được UBND TP Hà Nội ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM với số điểm 97/100. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bức tranh NTM của xã Đông La vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thiện, cần phải được khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy được lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, tiêu chí trường học cũng còn hạn chế nhất định, bởi hiện nay toàn xã mới chỉ có trường tiểu học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với khối trường mầm non, chính quyền địa phương đã có đề án xây dựng thêm điểm trường và giải quyết được mặt bằng xây dựng, tuy nhiên do chưa có nguồn kinh phí nên đề án vẫn chưa được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2017.

Ông Trịnh Đắc Chuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành và phát huy kết quả của xã chuẩn NTM, thời gian tới, xã vẫn tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt để chất lượng xây dựng NTM thực sự bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần