KTĐT - Các ngân hàng vừa tăng vốn điều lệ sẽ đối mặt với áp lực lợi nhuận, bởi chủ trương của Chính phủ trong năm 2011 là hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Trên thực tế, không chỉ với ngân hàng quy mô nhỏ, mà cả những ngân hàng lớn cũng tỏ ra thận trọng hơn khi đặt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận cho năm 2011.
Quyết tâm để tăng lợi nhuận
Tính đến nay, cả thị trường chỉ còn vài ngân hàng có mức vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng, nhưng các ngân hàng này đã có lộ trình sớm đáp ứng việc tăng vốn theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP. Vốn điều lệ tăng một mặt giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, có điều kiện mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày một gay gắt hơn, nhưng mặt khác nó cũng đồng nghĩa với áp lực lợi nhuận và tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông tăng theo. Chính điều này đã khiến không ít ngân hàng lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường năm nay được các chuyên gia đưa ra đánh giá sẽ còn nhiều khó khăn. Biến động tỷ giá, lãi suất cao, chính sách thắt chặt tiền tệ… từ năm 2010 kéo dài sang năm nay sẽ gây áp lực không nhỏ lên giá vốn và nhu cầu vốn của các ngân hàng. Hoạt động cho vay của ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT ngân hàng OceanBank cho biết, năm 2011, OceanBank sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng và đặt kế hoạch thu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn so với mức thực hiện của cả năm 2010 là gần 700 tỷ đồng. Đồng thời, tỷ lệ cổ tức OceanBank dự kiến chi trả trong năm nay chỉ ở mức 16 - 17%, so với mức 18 - 19% của năm trước. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 1.000 tỷ đồng trong năm 2011, OceanBank sẽ phải cơ cấu lợi nhuận theo hướng tăng tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ nhiều hơn trước.
Các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có vốn điều lệ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010, như DaiA Bank, VietBank, Mekong Bank… cũng khó tránh được áp lực nói trên. Tại DaiA Bank, trong năm qua, với chỉ tiêu lợi nhuận 106 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ vừa tăng lên 3.100 tỷ đồng, DaiA Bank cũng đang phải tính toán kỹ khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận.
Và sự thận trọngtrong năm 2011
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, năm 2011, nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn, nhưng chưa hẳn đã thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, bởi hậu khủng hoảng, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp chưa thể khởi sắc ngay.
Đặc biệt, kể từ thời điểm 1/1/2011, các ngân hàng nội - ngoại được đối xử như nhau; Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực nên sức ép cạnh tranh sẽ lớn hơn. Mặt khác, mục tiêu của Chính phủ đưa ra ngay từ đầu năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát xuống mức phù hợp. Vì thế, theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khó có thể tránh được việc thắt chặt tiền tệ, ít nhất là trong 2 quý đầu năm. Và thực tế, thông điệp NHNN đưa ra từ đầu năm nay về mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 23%, thấp hơn 2% so với năm trước, cũng đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, thách thức sẽ luôn song hành cùng cơ hội, do đó bản thân các ngân hàng cũng có nhiều tham vọng cho hoạt động của năm 2011. Bà Cao Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc ngân hàng MB cho biết, định hướng chung trong năm nay là đặt tốc độ tăng trưởng cho các chỉ tiêu từ 30 - 40%. Đồng thời, MB dự kiến sẽ tăng vốn lên 10.300 tỷ đồng để đảm bảo năng lực tài chính trong quá trình phát triển.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2011 trình đại hội cổ đông, ngân hàng Sacombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến là 2.800 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác tăng 20 - 30% so với năm 2010.
Trong khi đó hầu hết các ngân hàng kỳ vọng, đến đầu quý II/2011, lãi suất huy động vốn sẽ giảm dần khi lạm phát được kiểm soát. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ dần được cải thiện kể từ cuối quý 2 khi áp lực lãi suất giảm. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng gia tăng nguồn thu từ hoạt động cho vay và từ các hoạt động kinh doanh khác.