“Hậu” thi vào lớp 10: Những bài học về đăng ký nguyện vọng

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi lớp 10 THPT tại Hà Nội đã dần khép lại, hầu hết học sinh (HS) đã có chọn lựa cho riêng mình về ngôi trường sẽ theo học trong 3 năm tới; nhưng niềm vui vỡ òa, nỗi buồn lắng đọng hay sự tiếc nuối dường như vẫn còn đọng lại đâu đây. Và băn khoăn hơn cả, không trọn vẹn hơn cả là những thí sinh chưa được may mắn mỉm cười, hay nói đúng hơn là có sự lựa chọn chưa đúng về nguyện vọng, để rồi phải chênh chao trong niềm nuối tiếc…

Khi điểm xét tuyển ở mức khá vẫn… bơ vơ
Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, cơ hội mở rộng hơn hẳn mọi năm khi trao cho mỗi thí sinh 3 nguyện vọng (NV)- các năm trước chỉ là 2 NV. Thêm 1 NV nghĩa là thêm cơ hội đỗ cho các thí sinh. Thế nhưng không ít thí sinh, vì chủ quan, vì ngại tìm hiểu mà chối từ NV3. Đây là câu chuyện của em Nguyễn Ngọc Anh, HS trường THCS Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Với sức học khá, Ngọc Anh chỉ đăng ký 2 NV, trong đó NV1 là THPT Yên Hòa và NV2 là THPT Cầu Giấy. “Lúc đọc 3 NV, em thấy nhiều quá nên chỉ ghi có 2 NV. Cứ đinh ninh rằng kiểu gì cũng đỗ ít nhất NV2; có ai ngờ, cả NV2 cũng trượt trong khi điểm của em vào hàng khá - 46,75 điểm. Giá em nghiên cứu và ghi NV3 vào THPT Quang Trung, Đống Đa chẳng hạn, thì em đã đỗ NV3 rồi”.
 Nhiều cảm xúc kéo dài sau mùa thi
Nguyễn Hoài An, HS trường THCS Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm kể lại câu chuyện của mình: “Em rất muốn học trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và em đã quyết tâm ôn để thi vào trường. Sau khi làm bài, em rất tự tin và luôn nghĩ chắc chắn mình sẽ đỗ. Nhưng lúc biết điểm thi - 48 điểm, em hơi chột dạ. Và lúc biết điểm chuẩn của trường, em gần như hoang mang, tai ù đi vì biết mình thiếu 1,0 điểm. Dù đã nộp hồ sơ NV2 vào trường khác nhưng em có cảm giác rất hụt hẫng”.
Đạt điểm gần 40 - điểm không phải thấp, trong khi các bạn đạt điểm thấp hơn đã yên vị ở các trường công lập top giữa, top dưới hoặc ít nhất trường tư thục nào đó thì Hoàng Minh Anh, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chưa biết mình sẽ học đâu.
“Cả 3 NV đều không đạt. Tôi gọi điện đến các trường ngoài công lập muốn đăng ký thì đều đã khóa sổ vì đủ HS, trường đăng ký NV thì không hạ điểm. Nếu muốn theo học trường công lập thì chỉ có cách nộp NV vào trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì. “Từ nhà lên đó gần 60 cây số, xa xôi như vậy nên gia đình rất suy nghĩ. Ân hận vô cùng vì không nghiên cứu kỹ, không sáng suốt khi chọn NV. Tất nhiên con vẫn còn nhiều lựa chọn khác với các loại hình trường ngoài công lập; tuy nhiên, cả nhà vẫn thấy tiếc vô cùng”- phụ huynh của Minh Anh giãi bày.
Khóc vì trúng tuyển bổ sung
Nếu ai từng rơi vào nỗi buồn khi trượt hết các NV và trường mình đăng ký NV3 hạ điểm - rồi đi nộp hồ sơ trực tiếp tại trường mới hiểu hết được tâm trạng khi rơi vào hoàn cảnh đó và mới thấy thật quý giá và trân trọng cơ hội mình có được.
“Cậu con trai tôi có học lực vừa phải; khi đăng kí 3 NV thì để NV1 Mỹ Đình, NV2 Trung Văn, NV3 Đại Mỗ. Với điểm 34,6 điểm, cậu trượt cả 3 NV. Khi bạn bè con điểm thấp hơn vẫn hân hoan đi nhập học còn con thì bơ vơ, tôi chỉ biết thở dài buồn bã. Giải pháp là nộp hồ sơ trường ngoài công lập rồi tiếp tục chờ điểm chuẩn hạ. Và ngày Sở GD&ĐT hạ điểm chuẩn cũng đến; trong danh sách 40 trường hạ điểm có THPT Đại Mỗ và lại hạ 2 điểm. Con tôi trúng NV3. Niềm hạnh phúc lan tỏa cả đại gia đình. Cả mẹ lẫn con đều khóc vì may mắn đã mỉm cười với mình. Kỷ niệm man mác này sẽ rất khó quên…”- chị Nguyễn Anh Thư, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội kể.
 Cha mẹ có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho con chọn NV đăng ký
Năm nay, trường THPT Minh Quang, Ba Vì lấy 18,05 điểm, sau hạ xuống 16 điểm và được Sở GD&ĐT cho phép tuyển sinh toàn TP đối với những học sinh không trúng tuyển vào các NV đã đăng ký và có điểm xét tuyển từ 18 điểm trở lên. “Em được 28,30 điểm, định nộp hồ sơ lên trường Minh Quang vì gia đình em không có điều kiện học ngoài công lập. Nhà em ở Chương Mỹ, quãng đường đi học quá xa nhưng không có giải pháp tốt hơn. Rất may trường THPT Chương Mỹ B- nơi em đăng ký NV3 hạ 1,95 điểm. Em trúng tuyển, cảm giác hạnh phúc và thấm thía vô cùng”.
Để không nuối tiếc
Ngoài việc không đăng ký NV3 dẫn đến mất đi 1 cơ hội thì trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay còn có một số tình huống đáng tiếc khác. Đó là vẫn có nhiều trường hợp HS để NV ngược, nghĩa là NV1, NV2 là phương án dự phòng, NV3 mới là NV chính thức. Từ đó đã xảy ra trình trạng, đạt điểm xét tuyển cao nhưng buộc phải học NV1- là trường đạt điểm thấp nhất (trong 3 trường đã đăng ký). Nguyên tắc rút ra ở đây là: Các NV cần được xếp theo trình tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Hoặc có trường hợp đăng ký NV theo sở thích: NV1 là trường thích nhất nhưng lại ít khả năng đỗ nhất; NV2 là trường thích thứ 2 và NV3 là trường không thích nhất nhưng hợp học lực của mình nhất. Đến khi báo điểm thì NV1, NV2 thiếu điểm. NV3- nếu xét điểm chuẩn của trường thì đỗ hoặc thừa 1 điểm nhưng vì để NV3 nên phải cộng thêm 2 điểm lại thành ra lại thiếu điểm- và rốt cuộc là trượt lớp 10 công lập. HS cần ghi nhớ: Đăng ký NV phù hợp với năng lực của mình.
 Việc đăng ký NV đúng sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho HS
Thêm một lưu ý nữa- phương án dự phòng là vấn đề luôn cần được các gia đình tính toán thì lại có nhà, sự tính toán dường như không xuất hiện. Khi con trượt cả 3 NV, họ chỉ biết ngồi chờ hạ điểm mà không hề tính phương án nộp trường ngoài công lập; đến khi trường đăng ký không hạ điểm, bố mẹ cuống cuồng hỏi thì trường ngoài công lập theo ý muốn cũng hết chỉ tiêu tuyển sinh.
Và mùa thi nào cũng vậy, sau niềm hân hoan của các HS đỗ, thậm chí đỗ cao thì vẫn có rất nhiều tiếng thở dài. Có những giọt nước mắt lau vội phía sau căn phòng khóa kín; có sự trăn trở của nuối tiếc và có những niềm vui không thật trọn vẹn. Vẫn biết rằng: “Khi cánh cổng này khép lại thì sẽ có cánh cổng khác mở ra” và còn rất nhiều cơ hội học tập khác ở nhiều loại hình trường khác cho HS (trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên- giáo dục nghề nghiệp, trường nghề…). Tuy thế, bài học về đăng ký NV sẽ không cũ để mỗi gia đình, mỗi HS, thậm chí là để các thầy cô giáo lưu ý, rút kinh nghiệm trong tư vấn, trong đăng ký NV để phương án chọn lựa của mỗi HS đảm bảo đúng đắn và tối ưu nhất.