Hãy bảo vệ “búp trên cành” từ các điều luật

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án bé gái VA 8 tuổi bị người tình của bố đẻ hành hạ đến chết đang gây xôn xao dư luận.

Tính ra VA ít nhất được 15 tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi, các quy định được cụ thể hóa bởi Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân & Gia đình và Bộ Luật Hình sự. Tại sao “ác quỷ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang và ông bố đồng lõa Nguyễn Trung Kim Thái lại có thể hành hạ VA hơn 1 năm trời nhưng không một cá nhân, tổ chức nào can thiệp?
Điều 20 và điều 21 Luật Phòng chống Bạo lực gia đình về “các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bảo lực gia đình”, quy định các điều kiện “Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND xã (3 ngày) và Cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án (4 tháng)”. Quy định cần được “sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình” đã khiến các nạn nhân nhỏ tuổi khó thoát khỏi bạo lực gia định? 14 năm qua liệu có UBND cấp phường, xã hay tòa án nào ban hành các quyết định nhằm tách người bị bạo hành khỏi môi trường sống bị đánh đập chưa?
Luật quy định “người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với tổ chức có liên quan ở cơ sở để phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc” liệu có khả thi không? Với các đô thị cổng kín, cao tường hoặc các chung cư như nhà bé VA các ông, bà tổ trưởng dân phố giám sát “dì ghẻ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang đối xử với con chồng như thế nào?
Ở nước ngoài, chỉ cần thấy vết bầm tím trên khuôn mặt hay thân thể trẻ em, học sinh là thầy, cô giáo, láng giềng, thậm chí người đi đường đã dừng lại hỏi han lý do. Bất cứ hành vi xâm phạm đến thân thể trẻ em đều bị tố giác và phạt nặng chứ không phải để các em phải làm đơn từ. Khi xây dựng luật, người ta đều hướng sự chủ động của cộng đồng nhằm bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người già.
Rõ ràng ông bố “hèn với bồ, ác với con” Nguyễn Trung Kim Thái đã không hoàn thành trách nhiệm nuôi con sau khi được tòa án trao quyền. Để bảo vệ trẻ em Luật Hôn nhân và Gia đình cần thiết kế thêm điều kiện quyền được nuôi con bên cạnh yếu tố kinh tế. Với bậc cha mẹ độc ác, nghiện ngập, tù tội thì cần phải truất quyền nuôi con (bằng một quyết định khác của tòa án), có thế mới hạn chế được những ông bố như Nguyễn Trung Kim Thái.
Việc giao con trẻ cho “ác quỷ” mà mẹ đẻ VA không được quyền thăm nom, chia sẻ thông tin của con gái. Luật phải được bổ sung các điều về "quyền được liên lạc, thăm hỏi, chăm sóc con (tòa ấn định thời khóa biểu, chỗ thăm nom) của người không được nuôi con. Người được nuôi con không được cấm người kia đến thăm con. Khi người được nuôi con đem con đi xa khỏi chỗ ở cũ bao nhiêu cây số thì phải báo cho người kia biết trước bao nhiêu ngày.
Hiện nay, trong Bộ Luật Hình sự dành hẳn điều 185 “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”. Nhưng với mức án “phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” không đủ răn đe những kẻ máu lạnh. Các nhà làm luật cần chi tiết và chính xác hơn, đồng thời bổ sung những điều mới tương ứng với các hành vi khác bị cấm trong Luật Phòng chống Bạo lực gia đình và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đã đến lúc, các đơn vị, tổ chức đoàn thể có chức năng bảo vệ trẻ em phải có những tiếng nói với các cơ quan làm luật rà soát lại các hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần