Hãy dành thêm thời gian cho trẻ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 6 này, học trò các cấp học đang trong những ngày nghỉ hè. Tháng 6 cũng là Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 (từ ngày 1 - 30/6), với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Một trong những thông điệp được đưa ra trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022: “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”. Theo cách hiểu truyền thống, trẻ em được an toàn trong ngôi nhà của mình tức là không để xảy ra những tai nạn như ngã từ trên cao, điện giật, bỏng… thậm chí là đuối nước.

Để trẻ an toàn cũng cần bảo vệ trẻ khỏi những hành vi bạo lực gia đình, kể cả tinh thần lẫn thể chất… Những năm gần đây, cùng với đà phát triển của intenet và các mạng xã hội, trẻ còn nguy cơ đứng trước sự xâm hại trên không gian mạng. Như vậy, ngôi nhà, nơi thường được coi là tổ ấm, cái nôi bảo vệ trẻ cũng tồn tại không ít những nguy cơ rình rập, đe dọa sự an toàn của trẻ nếu chúng ta không có sự quan tâm cùng các biện pháp bảo vệ trẻ.

Và những nguy cơ đó dường như càng lớn hơn trong những ngày hè, khi trẻ có nhiều thêm thời gian rảnh rỗi, tự do vui chơi, giải trí, cũng có nghĩa là trẻ cũng sẽ bớt an toàn hơn khi thiếu đi sự quản lý, trông nom của nhà trường, thày cô giáo và gia đình.

Những năm gần đây, một nguy cơ thường được nhắc tới đó là sự đe dọa an toàn của trẻ trên không gian mạng. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế, tại Việt Nam, hơn 66% số trẻ em có thể tiếp cận kết nối internet và 43% trẻ em tiếp cận mạng internet từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày.

Theo thống kê, hiện mỗi ngày Youtube, Facebook đăng tải hơn 500 giờ clip, video lên mạng xã hội và đó là một lượng thông tin khổng lồ đang tác động tới trẻ em. Từ thực tế trên, có thể nói chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay.

Trở lại thông điệp “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”. Đã có nhiều biện pháp, khuyến cáo được đưa ra để hạn chế những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ trong môi trường, xã hội, cộng đồng và gia đình những ngày hè.

Ví dụ, để trẻ được an toàn trên môi trường mạng, các chuyên gia đưa ra lời khuyên những bậc làm cha, làm mẹ phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo, là bộ lọc lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi với con em mình.

Cha mẹ cũng nên hướng dẫn con dùng mạng internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online, hãy trò chuyện với con mình nhiều hơn, kết bạn với con trên mạng xã hội, dành thời gian online với con... Ngoài ra, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà.

Đó là những khuyên có ích, song xem ra thực hiện chúng không phải đơn giản. Có rất nhiều lý do để các bậc làm cha mẹ dù biết đó là những việc làm cần thiết mà vẫn không thể thực hiện, mà lý do đầu tiên, dễ thấy nhất là quá bận công việc, không có thời gian. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nếu mỗi ngày chúng ta dành cho trẻ một thời gian hợp lý sẽ tránh được nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Vẫn biết cuộc sống còn bộn bề với bao áp lực, trách nhiệm. Nhưng để đem lại sự an toàn cho trẻ, mỗi người, nhất là các bậc làm cha mẹ hãy dành thêm thời gian cho trẻ mỗi ngày. Đừng để khi chuyện đáng tiếc xảy ra mới ân hận là đã không dành cho con em mình sự quan tâm cần thiết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần