Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hãy để con được chăm sóc mẹ

Kinhtedothi - Nhớ mẹ ngày xưa dù khó khăn đến mấy cũng cố cho con có tiền tiêu vặt để bằng bạn bằng bè. Nên khi xa mẹ và thiếu thốn, thua kém những bạn giàu có, con mới bắt đầu thấy vắng mẹ thật buồn.
Sáng sáng chạy chợ, chiều chiều làm hàng, lúc nào mẹ cũng bận rộn. Mẹ có ho, có sổ mũi hắt hơi, có mệt nhoài như thế nào đi nữa, thì vẫn luôn gượng dậy với gánh hàng của mình. Bởi mẹ nghỉ một bữa chợ, là nhà mình bớt đi một bữa cơm.

Con chỉ biết miệt mài bên trang sách, mà vô tâm không đỡ đần mẹ, không lau nổi cho mẹ một giọt mồ hôi. Mỗi bữa ăn đạm bạc, không vừa miệng, con lại phụng phịu ăn qua loa vài miếng cơm rồi thôi. Cần gì, con chỉ gọi mẹ. Bởi con nghĩ đơn giản mẹ là mẹ, và việc của một người mẹ là phải làm tất cả mọi thứ. Con đã suy nghĩ ngốc nghếch như thế từ thưở còn thơ cho đến khi thành cô gái 18 tuổi, rời vòng tay mẹ để đi học xa nhà.

 
Con bắt đầu thấy nhớ mẹ. Nhưng chỉ biết nhớ việc mẹ ngày ba bữa cơm chuẩn bị sẵn, là lượt áo quần, chăm chút cho con từng giấc ngủ say. Nhớ mẹ ngày xưa dù khó khăn đến mấy cũng cố cho con có tiền tiêu vặt để bằng bạn bằng bè. Nên khi xa mẹ và thiếu thốn, thua kém những bạn giàu có, con mới bắt đầu thấy vắng mẹ thật buồn.

Con gọi điện cho mẹ một tháng vài lần, khi trong túi chỉ còn lại ít tiền đủ sống trong hai ngày. Con ước chừng đến hẹn mẹ gửi tiền là gọi về nhắc, sợ mẹ quên. Nhưng mẹ chẳng tháng nào quên cả, cứ đều đặn gửi “lương” ra cho con. Con tiêu xài thoải mái vô cùng, nghĩ mẹ thừa sức để nuôi một đứa sinh viên đại học, bởi con chưa bao giờ thấy mẹ than phiền hết tiền, cũng không ngăn cấm khi con muốn mua bất cứ món đồ nào mới để phục vụ việc học hay việc chơi.

Nhưng con đã nhầm. Số tiền nợ sau bốn năm học của nhà mình khiến con hoảng hốt. Con nhìn mẹ thấy đầy hối hận. Nhưng mẹ chỉ cười hiền nhìn con, “không sao đâu con, mẹ sẽ cày cuốc trả nợ dần.” Con đã hứa với lòng mình, hứa với mẹ, rằng con sẽ chăm chỉ đi làm để thay mẹ trả nợ. Quyết tâm làm một đứa con có hiếu của con khi đó cao lắm, vời vợi lắm. Nhưng con vô tâm, lại nhanh chóng quên mất, khi rời vòng tay mẹ ra thành phố làm việc.

Con nướng sạch những đồng lương của mình cho chi phí sinh hoạt, tiệc tùng, bạn bè và những chuyến đi chơi xa. Không biết là cố tình hay vô tình, mà con bỗng quên đi khoản nợ mình để lại cho bố mẹ. Và khi con vừa kịp nhớ đến nó, thì con lại đi lấy chồng. Mẹ vẫn cười dịu dàng như thế, tất tả ngược xuôi lo lắng cho ngày trọng đại của con được trọn vẹn. Chưa một lần, mẹ hỏi liệu con có tiền cho mẹ không?

Mẹ, con có tiền mẹ ạ. Chắc là con giàu hơn mẹ nghĩ nhiều lắm. Khi một khẩu phần trong bữa tiệc con tham dự bằng tiền thức ăn cả tháng của nhà mình, khi một chiếc váy con mặc, có giá bằng cả tạ thóc mẹ làm nên bằng trăm lần nắng sương phơi mình trên đồng ruộng…

Con đã sống như thể mẹ của con cũng giàu có lắm vậy, đủ đầy lắm thay. Làm sao thế được mẹ nhỉ, làm sao mà một đứa con sinh ra từ miền quê đất cằn lên sỏi đá như con mà lại có thể quên được những nhọc nhằn mẹ phải gánh? Lại chẳng mấy khi nghĩ đến việc gom góp gửi tiền về cho mẹ?

Con cứ mải lo cho gia đình nhỏ của mình, lo cho hai đứa con của con từng li từng tí. Còn lo chúng nó ăn thức ăn thành phố nhiều hóa chất, nên định kỳ mỗi tháng hai lần lại nhờ mẹ gom góp thịt thà, cá mú, rau sạch quê mình gửi ra. Mà con không để ý thấy mẹ đang ngày một già đi, tóc đã pha hai màu, vẫn miệt mài vất vả lo toan cho đứa con gái lớn đầu còn ngốc là con.

Con đã không muốn nghĩ rằng mẹ rồi cũng sẽ già đi, cứ nghĩ mẹ vẫn mãi là mẹ của hai mươi bảy năm trước, khi sinh con ra trên cuộc đời này. Nhưng mẹ, mẹ già thật rồi. Nên hôm nay mẹ mệt đến mức không gượng dậy để nghe điện thoại của con được nữa. Chẳng phải những lần trước, ốm đến mấy mẹ cũng đủ sức để vừa cười vừa nói với con rằng “Mẹ có sao đâu, tự dưng muốn lười nhác một ngày thôi.”

Giấc ngủ đêm qua của con, lần đầu tiên chập chờn vì hình ảnh mái nhà mình mưa dột nát. Con thấy mẹ cứ chạy từ phòng này qua phòng kia mà không có chỗ trú cho khỏi ướt, nước cứ rơi đều trên mái nhà xuống làm mẹ của con ướt sũng. Con đã khóc. Con choàng tỉnh giữa đêm, thở phào vì chỉ là mộng mị. Nhưng giấc mơ ấy đủ để con có một quyết định dứt khoát, rõ ràng, ngay khi trời sáng sẽ cùng hai đứa bắt chuyến xe sớm về thăm mẹ.

Mẹ ạ, con lớn rồi. Nên từ nay mẹ đừng lo lắng gì cho con nữa, hãy để con được chăm sóc mẹ./.
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

Lào Cai gỡ vướng trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 500kV

04 Jul, 08:56 PM

Kinhtedothi- Mặc dù các phương án bồi thường và tái định cư đã được phê duyệt, nhưng đến đầu tháng 7/2025, nhiều địa phương vẫn chưa hoàn tất việc chi trả và thu hồi đất cho Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

Sẽ vinh danh 20 gương thanh niên sống đẹp tiêu biểu năm 2025

04 Jul, 02:25 PM

Kinhtedothi - Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2025 sẽ tuyên dương 20 gương thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực. Các cá nhân được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” là những người có những hành động đẹp, tạo sự lan tỏa, truyền năng lượng tích cực cho xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ.

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

Thủ tướng nêu thời hạn với “3 nhiệm vụ lớn”

03 Jul, 09:44 PM

Kinhtedothi - Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo cụ thể về tiến độ đối với các công tác: xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ