Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy khám mắt định kỳ

Hồng Thương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu “Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2020”, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế đã chọn ngày thứ Năm của tuần thứ 2 tháng 10 hàng năm là Ngày thị giác thế giới. Năm 2018 là ngày 11/10 với chủ đề: “Eye Care Everywhere - Chăm sóc mắt cho mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu”.

 Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa. Qua điều tra chung cho thấy, tật khúc xạ là nguyên nhân chính gây giảm thị lực; bệnh đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu, chiếm tỷ lệ 66,1%. Tiếp theo là các bệnh gây mù: Bán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột 1,7%... Đáng quan tâm hiện nay là tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 10 - 15% ở học sinh nông thôn, 30 - 35% ở TP. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 bị cận thị.
Nhân Ngày thị giác thế giới năm 2018, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành tổ chức tuyên truyền về công tác phòng chống mù lòa, đồng thời tổ chức các đoàn khám và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân mắc các bệnh về mắt để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho người dân.

Cùng với sự chăm sóc của ngành y tế, PGS Hà Huy Tài - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo, người dân cần chăm sóc mắt nhiều hơn bằng những biện pháp đơn giản như dinh dưỡng hợp lý; tạo điều kiện cho mắt nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc; bảo vệ mắt khi đi ra ngoài… Bởi theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng hợp lý luôn là một trong những yếu tố được ưu tiên hàng đầu, vì mắt luôn cần được bổ sung dưỡng chất từ bên trong. Do đó, mọi người nên ăn uống đủ chất và tăng cường những thực phẩm có lợi cho mắt như rau củ, trái cây có màu cam, vàng, đỏ, hoặc ngũ cốc, cá biển…

Không một đôi mắt nào có thể hoạt động liên tục mà vẫn sáng khỏe, chính vì vậy, PGS Hà Huy Tài khuyên, hãy cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút làm việc trước màn hình điện tử bằng cách nhắm mắt 20 giây và nhìn ra xa 6m. Ngoài ra, hãy ngủ đủ giấc và tránh thức khuya để đôi mắt luôn tràn đầy sức sống. Khi đi ra ngoài, nên trang bị cho mắt loại kính râm có khả năng chống tia UVA, UVB và giảm độ sáng chói tốt. Vì nếu chiếu trực tiếp vào mắt, các tia UVA, UVB có thể gây bỏng mắt, nóng rát mi mắt, khiến mắt cộm, ngứa, khô rát. Tình trạng này kéo dài có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Ngoài ra môi trường ánh sáng quá mạnh sẽ khiến mắt phải nheo và điều tiết liên tục, từ đó dễ gây mỏi mắt. Bên cạnh đó, ông cũng khuyên mọi người tránh xa khói thuốc lá bởi nó là tác nhân dẫn đến tình trạng khô mắt và suy giảm thị lực.

Song song với việc tự chăm sóc, theo PGS Hà Huy Tài, người dân nên đi kiểm tra mắt định kỳ, người bình thường 1 lần/năm; khám sàng lọc các bệnh tật khúc xạ từ 3 - 6 tháng/lần; những bệnh nhân bị bệnh glôcôm nên đo nhãn áp định kỳ; trong trường hợp khi có bất thường về mắt cần phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.