Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngồi nóc ô tô diễu hành, đốt pháo sáng cổ vũ tuyển Việt Nam:

Hãy là cổ động viên văn minh!

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễu hành trước các trận đấu là hình ảnh không lạ mỗi khi tuyển Việt Nam đá tại sân Mỹ Đình, nhưng việc ngồi trên nóc ô tô, bật loa với âm thanh lớn hay đốt pháo sáng… tiềm ẩn nhiều rủi ro và mất an toàn cũng hình ảnh của cổ động viên văn minh.

Sự cuồng nhiệt là quá mức…

Dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam giành được những danh hiệu lớn nhỏ để mang lại niềm vui cho người hâm mộ, cũng kể từ kỳ tích “tuyết trắng Thường Châu” năm 2018, cổ động viên Việt Nam có thêm khái niệm mới “đi bão” - hiện tượng mà các cổ động viên bóng đá Việt Nam ồ ạt ra đường ăn mừng chiến thắng thể hiện tình yêu thể thao, sự đoàn kết…

Cổ động viên Việt Nam diễu hành trước sân Mỹ Đình. Ảnh: Ngọc Tú.
Cổ động viên Việt Nam diễu hành trước sân Mỹ Đình. Ảnh: Ngọc Tú.

Bên cạnh đó, trước mỗi trận đấu tại sân nhà, cổ động viên Việt Nam đều tổ chức diễu hành trước thời gian thi đấu để tạo không khí sôi động. Hình ảnh cổ động viên ngồi trên nóc ô tô phất cờ, mở nhạc và đốt pháo sáng đang trở thành thói quen. Theo ghi nhận của phóng viên ở các trận đấu tuyển Việt Nam thi đấu tại Hà Nội, thời gian các cổ động viên diễu hành được thực hiện trước khoảng 4 đến 5 tiếng đồng trước giờ bóng lăn để tránh giờ cao điểm.

“Cỗ vũ cho tuyển Việt Nam là niềm vui của mỗi cổ động viên và tạo thêm động lực cho các cầu thủ. Đã là thông lệ, diễu hành được tổ chức mỗi trận đấu, cũng tuỳ tính chất của mỗi trận đấu sẽ tổ chức theo quy mô khác nhau” - một cổ động viên chia sẻ.

Việc cổ vũ là điều đáng hoan nghênh nhưng thể hiện sự văn minh và an toàn là điều cần phải xem xét lại. Hình ảnh dòng cổ động viên diễu hành qua các tuyến phố khi 3 đến 5 người ngồi nóc ô tô, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, thậm chí kéo cửa kính để ngồi ra bên ngoài là điều khó có thể chấp nhận về an toàn, trật tự khi tham gia giao thông. Thậm chí, một số bậc cha mẹ còn đưa cả trẻ nhỏ lên vị trí này để vẫy cờ, hò hét. Bên cạnh đó, cổ động viên còn có hành vi đốt pháo sáng và mở nhạc bằng loa công suất lớn làm ảnh hưởng không nhỏ tới người dân tham gia giao thông.

“Mỗi khi có lịch tuyển Việt Nam thi đấu, tôi thường phải sắp xếp lịch về muộn hẳn hoặc sớm hơn khi di chuyển trên cung đường về phía sân thi đấu do tắc đường vào giờ tan tầm cũng như người dân đi xem bóng đá. Bên cạnh đó, việc đốt pháo sáng có phần thái quá, di chuyển mất an toàn của nhiều cổ động viên cũng là điều lo ngại…” - một người dân phản ánh.

Nên cổ vũ theo cách văn minh

Chia sẻ với phóng viên về những hình ảnh của cổ động viên gây mất an toàn khi di chuyển ở các trận đấu tuyển Việt Nam khi qua địa bàn, Phó Công an phường Trung Hoà (Cầu Giấy) Chu Đình Cường cho biết, thực hiện kế hoạch từ phía Công an quận, phường luôn cử lực lượng phối hợp với Công an quận cũng như các đội giao thông tại các điểm giao thông để phân luồng và đảm bảo trật tự.

Hình ảnh đốt pháo sáng của cổ động viên trước trận đấu của tuyển Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tú.
Hình ảnh đốt pháo sáng của cổ động viên trước trận đấu của tuyển Việt Nam. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong khi đó, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) Trần Quang Chinh khẳng định, tại các tuyến đường thuộc địa bàn đội quản lý đều phân công lực lượng cũng như tại xung quanh sân Mỹ Đình hướng dẫn cổ động viên không tụ tập hò hét, lôi kéo tạo thành đám đông gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Việc các cổ động viên di chuyển ngồi trên nóc ô tô và đốt pháo sáng sẽ được lực lượng Công an quận cũng như Đội CSGT xử lý nhắc nhở riêng, có những trường hợp bị Công an quận xử lý trực tiếp để đảm bảo về an toàn giao thông, không gây ùn ứ dọc các tuyến đường quanh sân trước và sau trận đấu” – ông Trần Quang Chinh nhấn mạnh.

Tình yêu, sự cuồng nhiệt và đam mê bóng đá là một nét văn hóa của người Việt. Đặc biệt, những thành công của thế hệ các cầu thủ trẻ tài năng dưới thời HVL Park Hang-seo càng “thổi bùng” tình yêu bóng đá lên nhiều lần. Cũng phải nhìn nhận, nếu như trước đây, nhiều cổ động viên quá khích đốt pháo sáng, nude ra đường để ăn mừng chiến thắng thì gần đây, tình trạng này đã giảm nhiều. Tuy nhiên, những hình ảnh vừa qua đang báo động hồi chuông về hình ảnh không đẹp của cổ động viên.

Th.s Tâm lý học Bùi Văn Khánh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Anh Em (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam) khẳnh định, bóng đá luôn luôn cần cổ động viên, chính sự cổ vũ nhiệt tình từ các cổ động viên sẽ góp phần tạo nên một trận đấu đẹp, nhưng nhiệt tình không có nghĩa là thái quá, thiếu sự kiểm soát về thái độ và hành vi. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thành lập hội cổ động viên thống nhất về mục tiêu vì một nền bóng đá đẹp, mỗi cá nhân cần có hành động cổ vũ văn minh, không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội để hình ảnh cổ động viên đẹp được giữ mãi.

“Việc xây dựng nét văn hoá cổ vũ bóng đá đẹp, hạn chế những hành vi phản cảm, tiêu cực là điều hết sức cần thiết đối với người Việt. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức đối với người hâm mộ. Bản thân mỗi người cần lên án kịp thời những hành vi vi phạm, thiếu văn hóa trong cổ vũ, lực lượng chức năng cần vào cuộc xử lý kịp thời. Để cùng với việc xây dựng một tuyển Việt Nam giàu sức trẻ, đầy khát vọng và cống hiến là xây dựng một văn hoá cổ vũ đẹp, văn minh và để bạn bè khu vực và thế giới” – ông Bùi Văn Khánh nhấn mạnh.