Đừng làm việc thừa…
Ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân mắc Covid-19 tại Hà Nội, nhiều bà nội trợ đã đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ để tránh ra khỏi nhà trong những ngày tới. Đa số đều cho rằng, tránh đi đến chốn đông người là cách tốt nhất.
Tuy nhiên, họ đâu có thể lường trước được rằng, hành động của mình đã vô tình gây lên tình trạng bất ổn thị trường, tạo cơ hội cho các tiểu thương “thừa nước đục thả câu”. Mặt khác, việc xếp hàng, tụ tập nơi đông người còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ truyền nhiễm dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác.
Bày tỏ quan điểm về tình trạng người dân đổ xô mua hàng, Facebook có tên Lê Hồng Kỹ viết: “Đổ xô đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng giống như tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ… sẽ xảy ra kẹt xe cả phố! Nếu ai cũng tuân thủ đúng luật giao thông thì lưu thông bình thường”.
Bên cạnh bộ phận mua hàng tích trữ, vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng bình tĩnh, tỉnh táo lựa chọn mức tiêu dùng phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nhiều người bày tỏ, việc tích trữ thực phẩm trong giai đoạn hiện nay thực tế là một việc thừa. Vì hàng hóa vẫn lưu thông hàng ngày, các nhà sản xuất vẫn hoạt động bình thường. Do đó, việc khan hàng sẽ chỉ xảy ra trong thời gian cục bộ.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (ở Văn Quán, Hà Đông) tin tưởng: “Việt Nam là nước nông nghiệp, hàng năm chúng ta xuất khẩu một lượng lớn lương thực, thực phẩm ra thế giới. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn cung thực phẩm”.
Cũng chung quan điểm này, chị Trần Thị Bình ở Ngọc Lâm, Long Biên cho biết: “Hôm nay, trên đường đi làm về tôi rẽ qua chợ thấy hàng hóa vẫn rất phong phú, các cửa hàng, siêu thị nhỏ cũng đã bổ sung thêm hàng. Vì thế tôi tin tưởng, nếu cần, Hà Nội vẫn có thể đáp ứng đủ và nhanh chóng hàng hóa”.
Siêu thị đảm bảo nguồn cung, cam kết không tăng giá
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đại diện các siêu thị khuyến cáo, người dân không cần phải lo lắng, mua đồ dự trữ với khối lượng lớn và chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình vì nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Một số DN đã có những hành động cụ thể góp phần vào ổn định thị trường.
Chủ tịch Hội đồng Quản Trị Công ty CP thực phẩm Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết: Sau khi có thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17, lượng hàng khách đặt của công ty đã tăng gấp 9 - 10 lần so với ngày thường. Hiện trung bình mỗi ngày công ty cung cấp ra khoảng 1 tấn thịt lợn, nhưng nay đa tăng lên thành 10 tấn.
Tuy lượng hàng đặt tăng lên, nhưng năng lực sản xuất của công ty vẫn đáp ứng đủ. Hiện công ty đang liên kết với các chuỗi chăn nuôi lợn, gia cầm, với năng lực sản xuất của các chuỗi là 2 vạn trứng/ngày; 50 vạn gà thịt, duy trì đàn lợn thương phẩm thường xuyên 500 - 800 con lợn…
Để góp phần vào bình ổn thị trường, ngoài việc không tăng giá sản phẩm (giá thịt lợn dao động từ 170.000 - 210.000 đồng/kg), hiện công ty đang triển khai chương trình giảm giá gà thịt còn 160.000 đồng/kg (trước đó công ty bán với giá 260.000 đồng/kg); trứng gà áp dụng chương trình mua 20 quả, tặng 10 quả.
Ngoài ra, công ty cũng áp dụng chính sách miễn phí giao hàng tận nhà cho khách với đơn hàng trên 1 triệu đồng. “Với 100 điểm bán hàng trên địa bàn TP, chúng tôi cam kết sẽ cung cấp đủ lượng hàng cho người tiêu dùng trong thời gian tới, với mức giá không đổi” - ông Chữ khẳng định.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Hoàng Long (Thanh Oai) cho biết: HTX Hoàng Long đang chăn hơn 4.000 con lợn, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoang 3 tấn thịt lợn, với giá dao động 135.000 - 140.000 đồng/kg. Mặc dù thị trường tăng giá, tuy nhiên HTX cam kết vẫn giữ ổn định giá thị trường. Bên cạnh đó, cũng thực hiện chương trình giao hàng tận nhà và miễn phí cho đơn hàng trên 1 triệu đồng.
Ngoài ra, các siêu thị lớn cũng cam kết đồng hành, đảm bảo nguồn cung, bình ổn và không tăng giá hàng hóa trên toàn TP Hà Nội và toàn quốc. Bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc Vincommecre, hệ thống VinMart và VinMart+. VinMart, VinMart+ cùng các nhà cung cấp sẽ bổ sung liên tục trong ngày; đặc biệt tăng cường các hàng hóa thiết yếu thịt sạch MEATDeli và rau củ quả VinEco, mỳ gói, gạo, gia vị, nước rửa tay, khẩu trang... trên toàn bộ các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
“Khách hàng không cần phải lo lắng, ồ ạt đi mua đồ dự trữ, hay di chuyển khỏi nơi cư trú. Những điều này hoàn toàn không cần thiết và chỉ khiến công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn” - bà Tâm cho hay.
Trước đó, ngay từ những thời gian đầu khi nhận được thông tin về diễn biến dịch bệnh, hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa để đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa và ưu tiên các hàng hóa thiết yếu; phục vụ nhu cầu người dân.
Ngoài ra, DN này cũng đã kết hợp đưa ra hàng loạt các giải pháp đảm bảo bình ổn giá với nguồn cung hàng hóa ổn định, bằng việc chủ động đặt hàng, ưu tiên chuyển hàng về các siêu thị có nhu cầu mua sắm lớn từ các nhà cung cấp lớn và uy tín; 100% cơ sở kinh doanh của VinMart, VinMart+ cam kết không có hiện tượng găm hàng đẩy giá.