Hãy trả môn Văn về đúng vị thế của nó

Bảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Cái gọi là học văn, xưa nay và ngày nay vẫn cần được hiểu là học lịch sử văn học và tác phẩm văn học – môn học thuần túy về một nghệ thuật (gợi cảm thẩm mỹ) nay trở thành một mớ hỗ lốn, gây rất nhiều khó khăn, trắc tréo, chán ngán cho giáo viên và học sinh. Chính vì vậy cần trả môn Văn về đúng vị thế của nó” – đó là ý kiến trao đổi của TS Nguyễn Ái Học - giảng viên trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

 TS Nguyễn Ái Học - giảng viên trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh

Lâu nay trên các trang truyền thông diễn ra nhiều tranh luận về môn Văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam, nhiều ý kiến không mấy lạc quan về môn học này. Là một thầy giáo trải qua dạy học môn Văn ở nhiều cấp học từ phổ thông đến đại học, xin ông cho biết ý kiến của mình?

- Vâng. Về chuyện này, tôi đã có một số báo cáo khoa học công phu trình bày trong một số Hội thảo khoa học, đăng tải trên các tạp chí chuyên môn. Đúng là môn Văn có nhiều vấn đề cần bàn. Học sinh các cấp đều chán học văn. Điều này có nhiều nguyên nhân. Nói ra thì dài lắm. Anh biết đấy, nhà trường không phải là ốc đảo, nhà trường luôn tồn tại trong  mối quan hệ với gia đình và xã hội. Mà xã hội thì quá nhiều vấn đề.

Xin ông nêu một số nguyên nhân cụ thể?

-Trước hết là sự tác động của đời sống kinh tế thị trường. Nghề văn nghèo, khó kiếm tiền. Học văn ra khó xin việc, xin được việc thì khó sống, khó nuôi nổi mình, huống chi nuôi gia đình.

Có nguyên nhân từ chính bộ môn Văn trong nhà trường Việt Nam hiện nay không, thưa ông?

- Có chứ, có nhiều! Ví dụ, các nhà làm chương trình THPT đã gom các môn Tiếng Việt, làm văn, học văn bản văn chương, học văn bản hành chính, học văn bản nhật dụng... vào trong một bộ môn có tên là môn Ngữ văn theo tư tưởng dạy học tích hợp. Môn Văn đã chịu “oan” và mất vị thế. Cái gọi là học văn, xưa nay và ngày nay vẫn cần được hiểu là  học lịch sử văn học và tác phẩm văn học – môn học thuần túy về một nghệ thuật (gợi cảm thẩm mỹ) nay trở thành một mớ hỗ lốn, gây rất nhiều khó khăn, trắc tréo, chán ngán cho giáo viên và học sinh. Tích hợp là tư tưởng dạy học khoa học, tích cực. Nhưng  gán ghép một cách cơ học các bộ môn thuộc các phạm trù khoa học khác nhau rồi bảo đó là dạy học tích hợp là làm rối loạn, làm mờ đặc trưng bộ môn văn. Tôi chưa có dịp hiểu rõ khái niệm Ngữ văn được dùng trong nhà trường ở các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, việc sáp nhập các môn thành môn Ngữ văn theo tinh thần dạy học tích hợp như ta thấy là chưa có sự chuẩn bị hợp lý, dẫn đến thất bại, gây hậu quả nghiêm trọng. Nói cho đầy đủ: Người đưa tư tưởng tích hợp vào dạy học văn trong nhà trường Việt Nam là người có ý thức cấp tiến, am hiểu về giáo dục hiện đại. Nhưng việc thực thi là thất bại.

Việc sáp nhập các môn thành môn Ngữ văn theo tinh thần dạy học tích hợp là chưa hợp lý (ảnh internet)

Xin ông làm rõ ý: Các bộ môn thuộc phạm trù khoa học khác nhau ?

-Nhân loại đã hình thành bộ ba khoa học nhận thức. Đó là khoa học logic; Đạo đức học; Khoa học nhận thức cảm tính; Ngôn ngữ học và một số môn thuộc về khoa học logic. Văn học thuộc về khoa học nhận thức cảm tính, thuộc phạm trù của mỹ học. Nhà mỹ học Kant đưa ra ví dụ thật tuyệt vời: Sự phân biệt giữa “hoa hồng là đẹp” với “hoa hồng này đẹp”. Sự khác nhau giữa chữ và chữ này đã cho thấy sự khác nhau giữa hai lĩnh vực khoa học rất lớn. Điều này thú vị lắm thay! Nhưng xin hẹn anh một hôm khác – một buổi trà dư tửu hậu, có hoa và người đẹp bên cạnh chẳng hạn. Chắc anh đồng ý một cách phấn chấn?

Theo ông, có nên tách môn văn ra khỏi môn Ngữ văn?

-Rất nên. Môn Văn cần được trả về vị thế của nó. Đó là môn học về một ngành nghệ thuật, tương tự  môn nhạc, môn họa... Văn học, trước hết là khoa học văn chương, khoa học thẩm mỹ, khoa học nhận thức cảm tính. Học văn là phát huy chủ thể thẩm mỹ trong tiếp nhận nghệ thuật ngôn từ, chỉ chừng đó thôi.

Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học, tôi tin số lượng giáo viên đồng ý tách môn Văn ra như một môn học nghệ thuật, thuần túy thẩm mỹ sẽ chiếm nhiều phần trăm.

Hiện nay nhà trường phổ thông Việt Nam đang thực hiện phương pháp đọc hiểu trong dạy học văn. Ông có tán thành phương pháp này?

-Xin nói rõ: “Đọc hiểu” không phải là phương pháp. “Đọc hiểu” là hoạt động. Hoạt động  đọc hiểu văn bản được sử dụng rộng rãi trong thế giới học tập, sáng tạo ngày nay trên nhiều lĩnh vực. Tìm hiểu giá trị văn chương bằng việc đọc hiểu văn bản là hoàn toàn đúng đắn. Tiếc thay, tư tưởng tiến bộ, mởi mẻ, tâm huyết này của các nhà nghiên cứu, nhà biên soạn sách giáo khoa đã không được giải thích cặn kẽ, minh họa thuyết phục bằng sự  kết hợp với  hiểu biết đầy đủ, thấu đáo về một giờ dạy học văn trên lớp. Nhìn chung việc thực nghiệm giáo dục và dạy học ở Việt Nam là yếu kém. Điều này đã gây ra nhiều ngộ nhận, nhiều ý kiến phản đối.

Ông có quan tâm đến những ồn ào của dư luận về sách giáo khoa Ngữ văn?

-Chuyện sách giáo khoa thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là lẽ đương nhiên. Gia đình nào cũng có con hoặc cháu đi học. Việc biên soạn sách giáo khoa là một công việc rất khó khăn, nặng nhọc, đòi hỏi sự phối hợp nhiều loại tri thức, sự am hiểu đối tượng dùng sách, kỹ năng biên soạn tinh nhuệ...Tôi nghĩ các tác giả sách giáo khoa đã cố gắng làm việc hết mình, rất cần được chia sẻ, cảm thông.

Từ góc nhìn cá nhân về sách giáo khoa, ông thấy có điều gì cần bàn?

-Cần bàn thì nhiều. Tôi cho rằng, lỗi của những người làm sách giáo khoa gắn với lỗi hệ thống của nền giáo dục nước ta. Đó là sự mù mờ. Đầu tiên là một nền giáo dục với triết lí mù mờ. Nói thẳng ra là không có triết lí. Tư duy mù mờ đó thể hiện rõ trong biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn. Tuyển thơ vào sách giáo khoa Ngữ văn mà  không  cho học sinh tìm hiểu khái niệm thơ. Thơ là gì? Không có tiêu chí gì. Hậu quả mang vào một văn bản gây tranh cãi tùm lum, không đâu vào đâu. Hoặc việc lấy một đoạn văn của người khác “băm nát” ra, đem vào làm dữ liệu trong sách giáo khoa, không biết như vậy có phạm luật bản quyền không? Có đúng trong phương pháp không? Không ai trả lời rõ ràng. Cũng như việc tích hợp trong dạy học văn, tôi đã nói ở trên..Tư duy mù mờ thì làm sao có sản phẩm sáng sủa được.

Theo ông, có cách nào để lấy lại sự hấp dẫn cho môn văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay?

-Chuyện này thật khó. Môn Văn muốn trở nên có ý nghĩa hơn, hấp dẫn hơn trước hết phải ở trong một xã hội bình thường. Một xã hội bình thường là một xã hội quân bình được văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, trong đó con người luôn ý thức, khát vọng việc nhân văn hóa mọi hoạt động của mình. Trong khi chờ đợi một xã hội như thế nhà trường hãy làm một việc bình thường nhất là trả môn văn về đúng vị thế của nó. Đó là môn học về một ngành nghệ thuật. Một chương trình nhẹ nhàng với những văn bản tác phẩm thuần túy tinh hoa về văn chương dân tộc và nhân loại, những giờ học nhẹ nhàng, linh động, dẫn dắt học sinh đi vào thế giới thẩm mỹ, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ - môn Văn sẽ trở nên hấp dẫn như bản chất của chính nó.

Văn chương chứa đựng sâu sắc sự bí ẩn của cái đẹp, của khát vọng, của những giấc mơ về chân, thiện, mỹ. Văn chương không bao giờ chết trong tâm hồn học sinh. Môn Văn chỉ hết hấp dẫn, nói nôm na chỉ chết khi chính nhà trường giết nó bằng chương trình, bằng sgk, bằng phương pháp dạy học... sai lệch với bản chất của nó. Thô bạo với văn chương, với môn Văn chính là thô bạo với tâm hồn học sinh. Hệ quả chẳng khác gì việc “chộp bắt tia nắng mặt trời” như  văn hào L. Tolstoy đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta.

Xin cảm ơn ông!