Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy về với khúc ruột miền Trung

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh ngành du lịch, người dân các tỉnh Bắc Trung bộ bị thiệt hại nặng nề do cá chết, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội và giới làm nghề kêu gọi du khách hãy về với khúc ruột miền Trung.

Du khách cũng bị thiệt

Theo các chuyên gia du lịch, du lịch là ngành kinh tế vô cùng nhạy cảm, dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố thiên tai, dịch bệnh, chính trị… Do vậy, không khó hiểu khi các hoạt động du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt.
Du khách khám phá hang Sơn Đoòng, Quảng Bình.
Du khách khám phá hang Sơn Đoòng, Quảng Bình.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Quảng Bình chỉ trong chưa đầy một tháng (từ 06/04/2016 đến ngày 03/05/2016) giảm 82.000 lượt khách (44%), thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng doanh thu du lịch. Tại Hà Tĩnh từ ngày 20/04/2016 đến ngày 7/05/2016  chỉ với báo cáo của 09 cơ sở lưu trú đã có 126 đoàn khách hủy tour với số lượng 1.887 khách, thiệt hại lên tới 5,58 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú tại Thiên Cầm cao nhất chỉ khoảng 10%, nhiều cơ sở lưu trú hoàn toàn không có khách. Doanh thu của các nhà hàng giảm trên 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động du lịch biển của Quảng Trị gần như tê liệt hoàn toàn. Tính đến ngày 4/5/2016, thiệt hại do sự cố cá chết trên toàn tỉnh Quảng Trị lên tới 134,91 tỷ đồng.

Hầu hết các chuyên gia du lịch đều nhận định, đến thời điểm này miền Trung gần như “mất trắng” mùa du lịch biển của năm 2016. Nếu không có giải pháp kịp thời, ảnh hưởng của sự cố cá chết đối với du lịch miền Trung không chỉ kéo dài đến hết mùa du lịch biển năm 2016 mà còn có thể lâu hơn nữa. Ông Phạm Quang Thanh – Tổng Giám đốc Hanoitourist cho biết: “Vừa rồi Hanoitourist đã có đoàn đi khảo sát miền Trung. Về cơ bản, các điểm du lịch đều không còn khách, năm nay coi như “mất mùa”. Sự cố cá chết không chỉ gây ảnh hưởng ngư dân mà tất cả những người làm du lịch, bao gồm cả những người lao động tại chỗ. Ngoài ra, chính du khách cũng bị ảnh hưởng vì không được đi du lịch biển. Nếu đi biển phải đi tour xa hơn thì chi phí tăng lên, hỏng hết kế hoạch ban đầu…”.

Khách có quyền quyết định

Theo Tổng giám đốc Hanoitourist Phạm Quang Thanh, thay vì chỉ đưa tin một chiều về tình trạng cá chết, truyền thông cần có sự phản ánh đa chiều, trung  thực, minh bạch về tình hình thực tế điểm đến, còn sự lựa chọn thuộc về du khách. Tuyệt đối không nên tô hồng, hay bôi đen về sự cố này. Đó là cách truyền thông có trách nhiệm với dư luận và có thể góp phần làm “giảm nhiệt” sự cố khủng hoảng du lịch do cá chết.
Vẻ đẹp lãng du của hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh.
Vẻ đẹp lãng du của hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Thanh cũng chia sẻ, Hanoitourist và các doanh nghiệp khác đều sẽ có những cách chuyển hướng để tránh tổn thất bằng cách đưa khách đi thăm những danh lam thắng cảnh khác ở những địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố cá chết. Ví dụ Quảng Bình đi thăm hang động, mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quảng Trị đưa khách đi thăm Thành cổ… Đồng thời có thể thay thế những món hải sản bằng những đặc sản khác của địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để kêu gọi doanh nghiệp kích cầu du lịch đến miền Trung bằng những hình thức giảm giá đồng loạt từ cơ sở lưu trú cho đến vận chuyển, lữ hành, nhà hàng…để vực dậy hoạt động du lịch miền Trung.

Nhiều người cho rằng, vụ cá chết vừa qua ảnh hưởng đến người dân vùng ven biển không khác gì thiên tai lũ lụt. Để chia sẻ khó khăn với “khúc ruột” miền Trung, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngay khi xảy ra tình trạng cá chết, Sở Du lịch đã họp bàn với các đơn vị liên quan, sau đó tổ chức đoàn công tác khảo sát các tỉnh Bắc Trung Bộ bị thiệt hại vì sự cố cá chết hàng loạt, đồng thời đã có văn bản kiến nghị Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch chỉ đạo phát động phong trào kích cầu du lịch miền Trung, đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại vùng biển miền Trung.

Sở này cũng cam kết phối hợp với các bên liên quan và các địa  phương để kịp thời thông tin những bãi tắm sạch, nhà hàng hải sản sạch, cam kết đảm bảo an toàn cho du khách khi đến địa chỉ do địa phương giới thiệu. Ông Hồng kêu gọi người dân, du khách hãy về với khúc ruột miền Trung. Bởi, đó là việc làm nhân văn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho tất cả các bên liên quan. Đồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững.