HĐBA ra Tuyên bố của Chủ tịch về tình hình Syria

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tuyên bố nêu rõ HĐBA LHQ kêu gọi Chính phủ Syria và các lực lượng chống đối hợp tác với Đặc phái viên LHQ nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Syria, cũng như thực thi "đầy đủ và ngay lập tức" đề xuất ban đầu về giải pháp hòa bình của ông Annan.

Ngày 21/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố yêu cầu Syria lập tức thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung giữa LHQ và Liên đoàn Arập (AL), cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, đồng thời để ngỏ khả năng về một hành động của cộng đồng quốc tế nhằm vào nước này.

Động thái trên diễn ra sau khi Nga và Trung Quốc ký ủng hộ văn bản do phương Tây soạn, theo đó hối thúc Tổng thống Syria Bashar Al Assad chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực, tiến hành đàm phán chính trị và cải thiện vấn đề nhân đạo.

Tuyên bố nêu rõ HĐBA LHQ kêu gọi Chính phủ Syria và các lực lượng chống đối hợp tác với Đặc phái viên LHQ nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Syria, cũng như thực thi "đầy đủ và ngay lập tức" đề xuất ban đầu về giải pháp hòa bình của ông Annan.

Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đồng thời cho biết sẽ cân nhắc các biện pháp tiếp theo "một cách thỏa đáng".

Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA LHQ, vốn mang ít sức nặng hơn một nghị quyết chính thức, ủng hộ mạnh mẽ ông Annan và kế hoạch sáu điểm do phái viên này đề xuất trong các cuộc hội đàm ở Damacus hồi đầu tháng.

Văn kiện này còn nhấn mạnh HĐBA sẽ cân nhắc "các bước tiếp theo" nếu Tổng thống Assad không thực thi kế hoạch của Đặc phái viên Annan.

Kế hoạch hòa bình do ông Annan đề xuất bao gồm các nội dung chính: chấm dứt bạo lực tại Syria, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Trước đó, ngày 20/3, sau nhiều giờ thương lượng căng thẳng tại HĐBA, các cường quốc đã không nhất trí được nội dung dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch về Syria do Nga phản đối một phần nội dung dự thảo. Là ủy viên thường trực HĐBA LHQ, Nga và Trung Quốc đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết để phản đối một số nghị quyết về Syria vì cho rằng những nghị quyết này "không cân xứng" và chỉ nhằm mục đích lật đổ chế độ.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần