Công khai, minh bạch
Chiều 27/9, Ban Pháp chế HĐND TP tiếp tục giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2016 và thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại Sở NN&PTNT.
Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng số biên chế Sở được giao là 638 công chức, 2.006 viên chức, 132 hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Hiện nay, Sở đang có 607 công chức, 890 viên chức và 106 hợp đồng theo Nghị định 68, đều thiếu so với chỉ tiêu. Trong việc thực hiện Đề án tinh giản biên chế, năm 2016, Sở dự kiến giảm 3 trường hợp, năm 2017 giảm 1 trường hợp. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, đây là nhiệm vụ khá khó khăn, phức tạp, nên phải tiến hành hết sức thận trọng. Sở cũng đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức kỹ thuật nông nghiệp làm việc tại các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện đến nay vẫn còn tồn tại bất cập ở 3 đơn vị: Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão. Hàng năm đều được giao chỉ tiêu biên chế theo 2 nguồn: biên chế sự nghiệp và biên chế hành chính kể từ khi hợp nhất, nên ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với người làm việc, thực thi công vụ ở ngay trong cùng một đơn vị. Theo lãnh đạo Sở, vấn đề này Sở đã báo cáo TP nhưng chưa được xem xét giải quyết.
Đoàn giám sát đề nghị Sở rà soát toàn bộ tình hình sử dụng biên chế và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo đúng tinh thần chỉ đạo của T.Ư và TP. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đề nghị: Sở cần sớm hoàn thiện phương án tổ chức bộ máy theo quyết định của TP, cùng với Sở Nội vụ hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, trên cơ sở gọn đầu mối, rõ người, rõ việc. Xây dựng phương án đánh giá cán bộ phù hợp nhất với cơ sở để bình xét chính xác hiệu quả công việc, nâng hiệu quả hoạt động cho bộ máy.
Siết cam kết đảm bảo ATTP
Cùng ngày, Đoàn giám sát của HĐND TP đã giám sát công tác chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại huyện Hoài Đức và Quốc Oai.
Tại buổi giám sát chiều 27/9, UBND huyện Hoài Đức thông tin, thời gian qua, công tác quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành và cơ sở sản xuất được nâng lên đáng kể. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh nguy hiểm truyền qua thực phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện vẫn còn có các cơ sở chưa đảm bảo ATTP, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình, sản xuất mùa vụ, thức ăn đường phố. Vi phạm chủ yếu là vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, công nhân chưa được khám sức khỏe định kỳ và cấp giấy xác nhận đảm bảo ATTP… Trong vòng 5 năm qua (2011 – 2016), huyện Hoài Đức đã xử phạt 297 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Tại huyện Quốc Oai, toàn huyện hiện có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố. Hàng năm toàn huyện tổ chức kiểm tra, giám sát trên 3.000 lượt cơ sở, trong đó cơ sở đạt vệ sinh ATTP trung bình từ 82% trở lên. Tuy nhiên, theo ông Sỹ Danh Hạnh – Trưởng phòng Y tế huyện Quốc Oai, công tác quản lý ATTP trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế như tổ chức bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành chưa hoàn thiện, lực lượng cán bộ quản lý rất mỏng, lại phân tán nên việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến mang tính chất nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh và hoạt động thời vụ nên rất khó quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm…
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương đánh giá cao kết quả huyện Hoài Đức và Quốc Oai đã đạt được. Tiếp thu các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các huyện, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP cho biết sẽ báo cáo Thường trực HĐND TP để sớm có hướng tháo gỡ cho địa phương. Đồng thời đề nghị các Sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tham mưu TP tháo gỡ khó khăn cho các huyện, nhất là công tác lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP đề nghị 2 huyện tiếp tục nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý ATTP. Đặc biệt, triển khai tốt việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Trước đó, Đoàn đã kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Việt Thái, xã La Phù, Hoài Đức và một số cơ sở sản xuất miến dong, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Quốc Oai.