HĐND TP giám sát xã hội hóa giáo dục: Tháo gỡ cơ chế để thu hút nguồn lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là yêu cầu của Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng Đoàn giám sát HĐND TP đối với các sở, ngành khi làm việc với Sở GD&ĐT mới đây, về triển khai Nghị quyết 06/2009/NQ-HĐND, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2009 - 2015.

Theo Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, mặc dù ngân sách dành cho giáo dục không nhỏ, nhưng Hà Nội vẫn rất cần làm tốt XHH để huy động thêm nguồn lực cho phát triển giáo dục. Chủ tịch yêu cầu Sở GD&ĐT đánh giá một cách sâu sắc hơn khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Trong đó, sớm tham mưu có tiêu chuẩn đánh giá mô hình trường trình độ, dịch vụ, chất lượng cao để thành phố phê duyệt trong quý II; quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, giám sát nội dung, chương trình, chất lượng và công khai đánh giá đó; quan tâm đến các nhóm giải pháp Nghị quyết 06 đã đưa ra; hướng dẫn và tạo điều kiện để các nhà đầu tư, cơ sở XHH tiếp cận và hưởng chính sách ưu đãi về XHH, để họ biết quyền và nghĩa vụ của mình; tăng cường công các quản lý đối với các cơ sở ngoài công lập (NCL) để đảm bảo chất lượng. Sở phối hợp với các sở liên quan rà soát các chính sách liên quan đến XHH, chủ động đề xuất các mô hình tạo quỹ đất, xây dựng trường cho thuê, cơ chế chính sách thu hút đầu tư để cùng các ngành tháo gỡ.

Theo Sở GD&ĐT, hệ thống trường NCL tại Hà Nội hiện có 371 trường, so với năm 2009 tăng 81 trường, tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mới chiếm tỷ lệ 10,1%. Về mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao cũng đã triển khai tại 12 trường… Sở đang xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá trường học theo mô hình chất lượng cao, sẽ trình thành phố trong tháng 5/2012, triển khai thí điểm từ năm học 2012 -2013. Trong huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, hiện có 78 dự án XHH với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.600 tỷ đồng, sử dụng hơn 1 triệu mét vuông đất, trong đó 17 dự án đã hoàn thành, 41 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại cho biết, cái khó trong XHH hiện nay là nội thành có nhu cầu phát triển trường NCL, nhưng khó khăn về quỹ đất, còn ngoại thành lại không có nhà đầu tư. Sở đề nghị thành phố hỗ trợ 30% kinh phí GPMB đối với các cơ sở đầu tư tại nội thành. Riêng khu vực ngoại thành, có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường NCL thuê hoặc bàn giao quỹ đất sạch.

Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 06 (đến năm 2015, mô hình NCL thu hút 40% học sinh), lãnh đạo Sở cũng đề nghị thành phố nên có cơ chế hỗ trợ học sinh tiểu học và THCS các trường NCL một phần học phí tương đương mức hỗ trợ học sinh công lập, đặc biệt với các huyện. Điều này góp phần thu hút và tạo sự bình đẳng giữa hai loại hình trường.