HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/7, HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, chủ yếu các nhóm trẻ và trường mầm non.

Video trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập

Nói về lý do chọn vấn đề chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong những năm qua, với xu thế phát triển của xã hội, TP Hà nội có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển. Hiện nay, số trường ngoài công lập tăng rất nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, trong điều kiện nhiều trường công lập đang quá tải.
Qua giám sát, khảo sát, cử tri quan tâm đến công tác cấp phép và quản lý các trường ngoài công lập đặc biệt là các trường mầm non, các nhóm trẻ còn nhiều bất cập dẫn đến hoạt động của cơ sở giáo dục còn nhiều tồn tại, chất lượng giáo dục chưa tương xứng với đóng góp của nhiều phụ huynh học sinh…Vì vậy việc chất vấn để tìm ra giải pháp tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phát huy hết thế mạnh của mình là cần thiết.
 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý báo cáo tình hình quản lý các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn TP Hà Nội.
Truớc đó, sáng 6/7, HĐND TP Hà Nội chất vấn các thành viên UBND TP về nhóm vấn đề quản lý nhà chung cư. Đây là lần đầu tiên HĐND TP dành cả 1 phiên chất vấn về vấn đề quản lý chung cư. Trong buổi sáng có 23 đại biểu tham gia chất vấn với 28 lượt chất vấn. Có 11 thành viên UBND TP tham gia trả lời, 6 đồng chí lãnh đạo TP trả lời. Qua số lượng đặt câu hỏi và trả lời HĐND TP chọn vấn đề này trúng và đúng, đáp ứng được yêu cầu của cử tri.
Trước khi vào phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý báo cáo tình hình quản lý các cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn TP Hà Nội.
 Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 6/7
Đại biểu nêu nhiều bất cập trong quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở GD&ĐT, đại biểu Vũ Mạnh Hải nêu: Gần đây thường xảy ra những vụ việc, một số nhóm trẻ tư thục được chuyển nhượng song không có sự khai báo với chính quyền, vậy biện pháp xử lý vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Tú Oanh đặt vấn đề, theo báo cáo, đội ngũ giáo viên tại một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội đạt chuẩn 100%, tuy nhiên thông qua quá trình giám sát của Ban văn hóa xã hội, trong một số trường đội ngũ giáo viên không ổn định, chất lượng chưa cao, có nơi sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo, tại hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, tỷ lệ tham gia bảo hiểm cho các giáo viên, nhân viên đạt thấp, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp để giải quyết những vấn đề trên?

Cũng dựa theo kết quả giám sát của Ban văn hóa xã hội, đại biểu Đỗ Thùy Dương chất vấn, hiện nay cán bộ quản lý các trung gian, cụ thể là phòng giáo dục quận, huyện, thị xã thiếu năng lực quản lý giáo dục, đặc biệt với việc thẩm tra và đánh giá giáo dục có yếu tố nước ngoài. Từ việc yếu kém về năng lực dẫn tới việc sử dụng sai mục đích. Năm 2018, Hà Nội tập trung nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị, thúc đẩy hóa giáo dục, vậy với tư cách là Sở chuyên ngành, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho TP trong vấn đề này như thế nào?

Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nêu thực trạng, gần đây địa bàn Thủ đô có nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ, cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài, phát triển nhiều loại hình đào tạo. Trong đó có một số cơ sở sử dụng nhiều giáo viên nước ngoài không có trình độ sư phạm, không có hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật, ảnh hưởng chất lượng giảng dạy. Đại biểu nêu câu hỏi: Vậy nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cho tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân đặt câu hỏi tới lãnh đạo Sở GD&ĐT, về việc kiểm định chất lượng 71 trường ngoài công lập được công khai và xử lý như thế nào?
  Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương

Đẩy mạnh công khai kiểm định chất lượng các trường ngoài công lập 

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết:

Về vấn đề, một số nhóm trẻ mầm non tư thục bị chuyển nhượng sang tên mà không có khai báo. Theo phân cấp quản l‎ý, UBND cấp quận huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng nêu trên. Sở cũng đề nghị các đơn vị theo phân cấp quản lý cần công khai tên các nhóm trẻ, công tác quản lý, chủ các nhóm trẻ và danh tính nhóm trưởng trên website, phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia giám sát. Đặc biệt, hiện đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, quyết liệt với những trường hợp sai phạm.

Về phần chất vấn của đại biểu Hoàng Tú Oanh, lãnh đạo Sở GD&ĐT nêu, hiện tại trên một số địa bàn, một số nhóm mầm non, nhóm trẻ, có xảy ra việc không đóng bảo hiểm xã hội - y tế và sử dụng đội ngũ giáo viên trẻ chưa ổn định. Hiện 100% các trường, nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép khi có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định. Về cơ bản, các trường mầm non có đội ngũ giáo viên ổn định, được đóng bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, tại một số khu đông dân cư, các trường công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của trẻ em. Các chủ đầu tư, các khu xây dựng cao tầng chưa xây dựng các trường như cam kết ban đầu. Do đó các nhóm lớp tư thục phát triển để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh với phần nhiều là con em công nhân, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì đội ngũ giáo viên.

Để khắc phục tình trạng trên, Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo tăng cường quản lý nhóm lớp tư thục, qua đó giúp các xã phường, chủ nhóm lớp trao đổi, khắc phục khó khăn. Tiếp đó, khi phê duyệt xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, nhà cao tầng cần đồng bộ với việc xây dựng khu nhà trẻ. Sở GĐ&ĐT tiếp tục tăng cường công tác quản lý, triển khai các văn bản do UBND TP Hà Nội và Bộ Giáo dục đưa ra, điều chỉnh hệ thống trường lớp, qua đó các nhà đầu tư có căn cứ tham gia đầu tư triển khai.

Về nội dung giảng dạy liên kết ngoại ngữ mà đại biểu Đỗ Thùy Dương nêu, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị đã có văn bản số 6083 về hướng dẫn qui trình thẩm định chương trình làm quen ngoại ngữ và dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông tại Hà Nội, qua đó Sở chịu trách nhiệm về thẩm định chương trình, căn cứ về tài liệu Bộ Giáo dục ban hành sách giáo khoa.

Bổ trợ ngoại ngữ là nâng cao năng lực nghe và nói cho học sinh với giáo viên là người nước ngoài. Sở GD&ĐT Hà Nội chịu trách nhiệm thẩm định, căn cứ vào đó, nhà trường lựa chọn bộ giáo trình và các đơn vị cung ứng dịch vụ, theo quy trình của văn bản 6083 mà Sở đã đưa ra.

Còn về việc công khai kiểm định chất lượng 71 trường ngoài công lập đang được triển khai. Hiện đã đánh giá ngoài đánh giá được 35 trường ở mức độ 1,2,3. Theo đó đã đạt được một số tiêu chí cứng. Sở GD&ĐT xin tiếp thu và triển khai tốt hơn công tác kiểm định và công khai nội dung này trên website của Sở.
 Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng

Nâng cao công tác phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã

Sau phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng, tất cả các đại biểu đều có phản hồi, đề nghị lãnh đạo Sở trả lời, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu.

Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Về các trường mầm non ngoài tư thục, Sở đã có những văn bản hết sức cụ thể đối với vai trò của các phòng giáo dục tại quận, huyện, thị xã. Đồng thời xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định, cấp phép hoạt động cho các trường tư thục, tuy nhiên do phân cấp tại các địa phương, đâu đó việc thẩm định vẫn còn sự coi nhẹ, nể nang. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra, nhưng không thể kiểm tra được hết, mà theo phân cấp, phòng giáo dục tại các quận, huyện, thị xã cũng có trách nhiệm kiểm tra trong vấn đề này. Đề nghị UBND quận, huyện giúp cho nội dung liên quan tới việc vi phạm tại các nhóm trẻ tư thục.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, công tác kiểm định khối trường tư thục mới được coi là bắt đầu, kết quả làm công phu, nhưng đối với công dân chưa quen việc sử dụng kết quả này. Về số lượng kiểm định các trường tư thục, từ 2012 đến nay, Sở đã kiểm định 217 trường, các trường ngoài công lập, phần lớn là trường quy mô, các trường đều đạt chất lượng, sắp tới tiếp tục làm tốt công tác này và sẽ công khai kết quả kiểm định để nhân dân có sự nắm bắt.

Về đội ngũ giáo viên nước ngoài, theo thống kê, khi thẩm định đều đầy đủ hồ sơ, tuy nhiên, trong quá trình diễn ra các khóa học, các thầy cô giáo hết thời gian được cấp phép mà chưa kịp bổ sung, do vậy đề nghị, trong thời gian tới, các trường tích cực theo dõi hồ sơ, thống kê để có báo cáo nhắc nhở.
 Các đại biểu trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng

Băn khoăn về "chuẩn" của các trường ngoài công lập

Tiếp theo chương trình, đại biểu Hoàng Huy Được đặt câu hỏi: Hiện trên địa bàn Thủ đô còn thiếu 314 trường công lập; trong bối cảnh đó trường tư thục trở thành một cứu cánh để cho học sinh. Tuy nhiên, TP có 477 trường tư thục thì 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, hoạt động chỉ được tạm thời, không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. 

“Trong 386 trường đi thuê mượn địa điểm, Sở đã kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo được bao nhiêu trường? Hiện tại các trường này có không ít giáo viên không đạt chuẩn giáo dục, quan điểm của Sở như thế nào về vấn đề này?”, đại biểu phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thế Vinh cùng chung quan điểm khi nêu lên những băn khoăn: “Chỉ 34/477 trường tư thục đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường còn lại chưa đảm bảo chất lượng giáo dục; chủ đầu tư không có tiềm lực tài chính, không được cấp phép vẫn hoạt động... Vậy, Sở GD&ĐT sẽ phát huy vai trò quản lý mình như thế nào, có các giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?”.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thu Hằng lại bày tỏ sự quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục mầm non, đặc biệt là khu vực nông thôn, ngoại thành. Đại biểu đặt vấn đề: “Theo phân cấp quản lý nhà nước, Chính quyền cấp xã được giao quản lý các trường mầm non công lập trên địa bàn, nhưng cán bộ xã không được đào tạo, trang bị chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục mầm non, khiến cho chất lượng phối hợp, quản lý nhà nước chưa hiệu quả. Sở GD&ĐT sẽ có giải pháp gì cho vấn đề này?”.

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa nêu thông tin, hiện trên địa bàn TP còn 15 trường tư thục chưa đủ điều kiện hoạt động, không được giao chỉ tiêu đào tạo. Đề nghị Sở GD&ĐT công khai các trường này cho người dân được biết, và khi nào sẽ đóng cửa, giải thể các trường này?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Huơng chất vấn về việc một số truờng tư thục đưa mức học phí quá cao mà chưa đuợc kiểm định?

Đại biểu Nguyễn Đình Đoàn chất vấn về việc, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nuớc đầu tư trong lĩnh vưc giáo dục, tuy nhiên Sở có định huớng chọn các nhà đầu tư trong nuớc đầu tư vào lĩnh vực hay không? Nếu có ý định kêu gọi các nhà đầu tư ngoài nước thì cụ thể là nuớc nào? TP có có mục tiêu nào để trở thành trung tâm đào tạo chất luợng cao trong nước và khu vực hay không?
 Đại biểu Nguyễn Thế Vinh

Trường có giáo viên chưa qua đào tạo, không đạt trình độ chỉ là cá biệt

Trả lời chất vấn các vị đại biểu, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, trong các năm học, Sở luôn coi trọng việc quản lý và giám sát chất lượng đội ngũ giáo viên các trường trên địa bàn TP. Từ mầm non tới các trường phổ thông theo đúng biên chế, giáo viên hợp đồng, tư thục đảm bảo công khai đều đạt chuẩn. Cá biệt, rất ít các trường hợp có đội ngũ giáo viên chưa qua đào tạo, không đạt trình độ xuất hiện tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục.

Về nguyên nhân, ông Chử Xuân Dũng đánh giá, đó là do nhu cầu của người dân trong việc gửi trẻ. Vụ việc xảy ra đều tại các nhóm trẻ mang tính chất gia đình, chưa có ý thức xây dựng thành trường.

Về kiến nghị việc trước và sau kiểm tra, thẩm định trường, có tình trạng hợp thức hóa hồ sơ, thay đổi cấp phép. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, các đơn vị qua kiểm tra đều đúng quy định, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định.

Theo phân cấp quản lý, các trường THPT do Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý chỉ đạo, còn các cấp THCS đến các mầm non trực thuộc thẩm quyền UBND quận huyện, thị xã. Thời gian tới Sở sẽ tăng cường phối hợp về báo cáo, thống nhất về công tác chỉ đạo.

Về 15 trường THPT không được giao chỉ tiêu mà đại biểu nêu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Theo văn bản 2056, Sở khi kiểm tra 15 trường này vào hồi tháng 3 thì còn một số vấn đề tồn tại. Trong đó, 7 trường đang thuê cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp công, 1 trường do thời gian hợp đồng đã hết, cần gia hạn hợp đồng, 7 trường còn lại có vấn đề liên quan việc hoàn thiện hồ sơ bộ máy, giáo viên cơ hữu.

Cho tới đầu tháng 4, các trường này vẫn chưa được giao chỉ tiêu. Tuy nhiên sau đó, cả 15 trường tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu và cho đến nay đều được cấp chỉ tiêu tuyển sinh THPT.

Về câu hỏi chất vấn liên quan việc kêu gọi đầu tư cho cơ sở giáo dục trên địa bàn TP, nhất là từ nước ngoài. Giám đốc Sở khẳng định việc thu hút các nhà đầu tư uy tín, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục là nỗ lực của và mong muốn của lãnh đạo TP.
 Đại biểu Đỗ Thùy Dương

Về quy trình tuyển sinh song bằng tú tài trên địa bàn TP, ông Chử Xuân Dũng cho biết, đây là chương trình được triển khai sang năm thứ 2, tại 2 trường THPT là Amsterdam và Chu Văn An. Để tham gia chương trình này, các học sinh phải qua vòng sơ tuyển, với điểm trung bình 8.0 các môn toán lý hóa, 8.5 môn tiếng Anh trở lên. Các em phải tham dự vòng thi lớp 10, sau đó là thi năng lực tiếng Anh với 4 môn trên và phỏng vấn.

Trả lời những ý kiến của đại biểu liên quan tới việc cấp giấy phép lao động cho các giáo viên người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, Sở đang triển khai cấp phép lao động cho người nước ngoài và việc này được triển khai thuận lợi. Theo đó, việc cấp giấy phép được phân theo quy định như sau, cấp mới sẽ được thực hiện trong 5 ngày, cấp lại là 3 ngày.

Trong thời gian vừa qua, Sở đã cấp 500 giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tuy nhiên, việc cấp phép còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc cấp phép lao động cho người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục ngoại ngữ hay mầm non còn nhiều khó khăn, bởi, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cấp giấy phép cho người nước ngoại tại những cơ sở này. Đối với lao động người nước ngoài, theo luật họ phải đảm bảo có bằng cao đẳng hoặc tương đương trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực gáo dục trong vòng 3 năm.

Liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành, Trả lời những vấn đề liên quan tới thuế tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Cục trưởng Cục Thuế cho biết, ngành thuế đã thực hiện hướng dẫn vấn đề kế toán cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền mạnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong thời gian vừa qua, Cục thuế đã tổ chức nhiều cuộc thanh kiểm tra tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, đoàn giám sát đã thực hiện 35 cuộc thanh kiểm tra các cơ sở giáo dục và phát hiện, truy thu 8,168 tỷ thuế thu nhập.

Rà soát các cơ sở giáo dục, kiên quyết xử lý các đơn vị không đủ điều kiện

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, chủ yếu các nhóm trẻ và trường mầm non. chiều 6/7, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Có 23 lượt đại biểu phát biểu, phần trả lời có 3 lãnh đạo Sở. Qua các ý kiến đều đánh giá, TP Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Trong năm qua, giáo dục Thủ đô luôn đứng đầu cả nước về chất lượng. Thành ủy có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và Chương trình hành động về lĩnh vực này, UBND TP cũng phê duyệt nhiều kế hoạch về phát triển giáo dục…

Trong 10 năm, TP đã thay thế 5223 phòng học tạm, 2296 phòng học bộ môn, trung bình xây mới hơn 1000 phòng học… số học sinh trong toàn hệ thống học công lập đạt 86%. Theo báo cáo giám sát của HĐND, trình độ chuyên môn giáo viên hệ thống ngoài công lập được nâng cao về chất lượng, trang thiết bị ngày một hoàn thiện.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại qua quá trình quản lý cần phải khắc phục để tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ; cơ sở vật chất một số trường ngoài công lập chưa đạt tiêu chuẩn; còn nhiều trường hoạt động không phép; giám sát quản lý thu chi còn nhiều khó khăn; số trường ngoài công lập được đạt chuẩn còn thấp; kiểm định chất lượng chưa được thực hiện thường xuyên; một số hội đồng quản trị nhà trường chưa sát sao, chưa tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật...

Về nhiệm vụ giải pháp, TP xác định, đóng góp của cơ sở giáo dục ngoài công lập là trách nhiệm của chính quyền các cấp và sở giáo dục TP. Qua đó Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các quận huyện, thị xã và Sở giáo dục tăng cường thực hiện đúng chỉ đạo, rà soát các cơ sở giáo dục đảm bảo hoạt động theo đúng quy định, kiên quyết xử lý các đơn vị không đủ điều kiện.

Trên cơ sở đó, có lộ trình thực hiện khắc phục từng nội dung để đảm bảo tiêu chí ta đã phê duyệt khi cấp phép. Có công bố kiểm định chất lượng giáo dục để có cơ sở thu học phí. Tăng cường kiểm tra hậu cấp phép, đây là trách nhiệm của cấp xã, phường. Đề nghị UBND các cấp và ngành giáo dục đưa ra những giải pháp xử lý nghiêm những vụ bạo hành trẻ em…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần