HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục phiên làm việc, cuối giờ chiều nay (3/12), HĐND tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề về văn hóa - xã hội, cụ thể là vấn đề nước sạch nông thôn; an toàn thực phẩm…

HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 1
Mở đầu chất vấn nội dung an toàn thực phẩm, văn hóa - xã hội, ĐB Nguyễn Thị Thùy (tổ Gia Lâm) chất vấn, đầu kỳ kế hoạch TP đặt ra có 50% dân số nông thôn dùng nước sạch và đến kết thúc có 38%, chúng tôi hiểu với tốc độ này tới năm 2030 mới phủ kín nước sạch nông thôn cho người dân. Kỳ chất vấn này, chúng tôi mong muốn được nêu và được làm rõ để HĐND khóa sau tiếp tục làm rõ nội dung này, xin hỏi Sở Y tế, nước sinh hoạt ở 60% khu vực nông thôn có đảm bảo an toàn không, có hướng dẫn nào để người dân xử lý, đề nghị các đồng chí trả lời bằng căn cứ khoa học chứ không phải bằng cảm quan?

Về cung cấp nước sạch theo hệ thống cấp nước sạch trạm nông thôn, năm 2015, không có hộ dân nông thôn nào được cấp thêm, mà chỉ có 0,23% người dân nông thôn được cấp nước sạch bằng hệ thống cấp nước đô thị, UBND TP xin cho biết giải pháp đẩy nhanh tiến độ?

Quy hoạch nước sạch đô thị đã quy hoạch đi qua nhiều khu vực nông thôn mà nguyện vọng của nhiều địa phương là muốn được cung cấp bằng hệ thống nước sạch tập trung đô thị. Nguyện vọng đấy có thực hiện được không? Giải pháp như thế nào?
ĐB Lê Văn Thành (tổ Thanh Xuân): Về biện pháp chế tài trong việc vi phạm VS ATTP. Tội giết người thường trung thân hoặc tử hình nhưng việc đưa chất độc vào thực phẩm, đây là tội giết người thầm lặng lại không có công bố. Bạn tôi có 6 người thì có 4 người ung thư mà nguyên nhân theo tôi từ môi trường và ăn uống. TP đưa ra rất nhiều chế tài nhưng việc vi phạm VC ATTP vẫn tràn lan và không kiểm soát được, chế tài chưa đủ răn đe. Năm 2016 chúng ta có chế tài nào mạnh hơn để giảm bớt tình trạng này?
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 2

ĐB Đỗ Trung Hai chất vấn nội dung an toàn thực phẩm.
ĐB Đỗ Trung Hai: Tôi chưa thấy các đồng chí báo cáo về chất lượng, lưu thông sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố, hiện nay có bao nhiêu đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi, có DN nào sử dụng chất cấm hay không? Theo báo cáo của các đồng chí có một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi ngoài quy định mà không kiểm soát được, đề nghị các đồng chí cho biết thực trạng của thức ăn chăn nuôi, năng lực kiểm soát thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, nằm trong danh mục cấm lưu thông? Một số đơn vị được làm quảng cáo như Đài TH Hà Nội… thì liên quan đến trách nhiệm của ba sở TTTT, Y tế, Công thương, tại sao vẫn tồn tại sản phẩm quảng cáo không đảm bảo như nôi dung quảng cáo?

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Yêu cầu của vấn đề quản lý ATTP rất cao, nhưng thực sự đến giờ phút này chúng tôi thấy rằng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Liên quan đến câu hỏi của ĐB Đỗ Trung Hai, theo quy định các cơ sở hành nghề kinh doanh thực phẩm đều thực hiện theo yêu cầu nhưng chưa đúng theo quy định các cấp có thẩm quyền đã cấp. Việc giám sát về trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với ngành Y tế, Công Thương và Nông nghiệp cần có sự giám sát, việc xử lý chưa quyết liệt
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 3

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.
Vấn đề nước sạch có đảm bảo an toàn hay không, ông Hiền cho biết, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội được giao trách nhiệm giám sát về nước sạch. Qua kiểm tra thực tế, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, Sở Y tế đã đình chỉ đối với những  cơ sở nước sạch không đủ điều kiện.

Đối với lĩnh vực VS ATTP, ông Hiền cho biết thêm, đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành địa phương và Trung ương trong đó chủ yếu là ba ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp. Chính phủ đã thực hiện chỉ đạo thành lập thanh tra chuyên ngành Y tế, lập đoàn thanh tra thí điểm trên 5 quận huyện địa bàn về ATTP. TP đã triển khai chương trình chung tay vì ATTP, quyết liệt các nội dung từ tuyên truyền đến thực hiện.

Cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật, kiểm tra xử lý và tuyên truyền, còn cơ sở kinh doanh phải cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, có chế tài xử lý đảm bảo tính răn đe các cơ sở kinh doanh thực phẩm, chúng ta cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn. Kiểm tra ở các cơ sở, chợ đầu mối nhất là Sở NN&PTNT đang tiến hành nhưng chúng tôi thấy là cần phải mở rộng kiểm tra hơn nữa...
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 4

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt.
Trả lời nội dung nước sạch nông thôn của đại biểu Nguyễn Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, dân số nông thôn của Hà Nội là 4 triệu người. Sử dụng nước vệ sinh là 4% còn sử dụng nước sạch là 27%. Như vậy đến năm 2010, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch là 35,5%.

"Chúng tôi đã có cơ sở lập và triển khai dự án nước sạch, hướng dẫn cho nông dân thực hiện hệ thống nước sạch gia đình. Đối với kiểm định thì trung tâm nước sạch nông thôn đã tiến hành kiểm định và thông báo cho địa phương biết cách xử lý đối với các khu vực này", ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, TP đã tập trung chỉ đạo nâng cao công suất sử dụng nước sạch nông thôn của 78 trạm, cung cấp nước sạch cho 38.000 người. Có 9 nhà đầu tư được UBND TP chấp thuận bàn giao đầu tư trạm nước sạch, cung cấp 10.000 thiết bị cho các hộ gia đình.

Các công ty nước sạch đã đấu nối cho 100.000 người được sử dụng nước sạch từ hệ thống nước sạch đô thị. Về chỉ đạo thực hiện, Hà Nội là 1 trong 8 tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn vay của WB và được cấp 97 triệu. Đến nay, có 3 dự án đã cơ bản được hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong tháng 12 và cấp nước sạch cho 10 ngàn hộ. Chúng tôi cũng nhận thấy một số khó khăn là: Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên cần dựa vào nguồn vốn xã hội hóa là chính nhưng chúng ta chưa đạt được, chỉ được khoảng 35,5%.

Chính phủ có Quyết định 131 hỗ trợ đầu tư nước sạch nông thôn nhưng DN vào đầu tư ít, 6 dự án TP kêu gọi thì chỉ có 2 DN xin đầu tư. Các trạm nước sạch đang gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản. WB chỉ cấp 25% nên khi nào đấu nối đến đâu họ mới cấp tiền tới đó nên thực tế là chúng ta vẫn đang nợ các nhà thầu. "Đây là vấn đề bức xúc của dân sinh nhưng nhiều khó khăn còn đặt ra nên chúng tôi mong Nhân dân và HĐND chia sẻ. Chính vì thế chúng tôi tập trung giải quyết nước sạch hợp vệ sinh", ông Việt trình bày.
Chủ trương của TP Hà Nội là hoàn toàn ủng hộ cho các hộ nông thôn đấu nối với hệ thống nước sạch đô thị và tạo điều kiện cho DN phát triển thêm các hộ nông thôn có đường ống hệ thống nước sạch đi qua.
Đối với câu hỏi về cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi của ĐB Đỗ Trung Hai, hiện nay, chúng ta đang có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Xuân Mai, ngoài ra còn có 400 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt khẳng định: Vấn đề thức ăn chăn nuôi được đặc biệt quan tâm, hàng năm, chúng tôi đều tổ chức các đợt kiểm tra nên mỗi năm lấy trung bình hơn 1.000 mẫu thức ăn chăn nuôi. Qua kết quả 1.000 mẫu thức ăn chăn nuôi được kiểm tra đều âm tính, chưa phát hiện dương tính đối với các chất cấm. Vừa qua dư luận rộ lên chất tạo nạc lại không phải do các cơ sở nhập vào mà lại do con đường nhập lậu và người chăn nuôi mách bảo nhau mua để cho vào thức ăn chăn nuôi.
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 5

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng bổ sung ý kiến của Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt đã nêu về nước sạch, TP tập trung xây dựng nhà máy nước sạch sông Hồng để chia sẻ cho nội thành và cấp cho ba xã, thực hiện tại huyện Đan Phương thì đương nhiên huyện Đan Phượng sẽ được hưởng nước sạch từ nhà máy này.

Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển ngành nước mà Thủ tướng phê duyệt thì cuối năm 2014 TP đã chỉ đạo khởi công nhà máy nước ngọt Bắc Thanh Trì, cấp một phần cho nội thành, một phần cấp cho huyện Đông Anh và KCN Đông Anh, chia sẻ cho Mê Linh. Đối với khu vực Sơn Tây đã nâng cấp nhà máy nước Sơn Tây lên 10.000, khu phía Nam phát triển nhà máy nước Hà Đông. Và dần dần chúng ta có lộ trình cấp nước sạch nông thôn bằng hệ thống cấp nước sạch tập trung.

Kết luận nội dung chất vấn vấn đề nước sạch nông thôn; an toàn thực phẩm, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP tiếp tục thực hiện theo đúng kết luận của kỳ họp thứ 13 về vấn đề nước sạch.

Đối với vấn đề ATTP, HĐND đã chất vấn ở kỳ họp 10 và 13, Thành phố đã có giải pháp mạnh mẽ để cung cấp nguồn thực phẩm sạch như liên kết các vùng, các tỉnh, đài báo tuyên truyền mạnh về vấn đề này. Hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn đảm bảo tốt. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế như kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn còn chưa hiệu quả, danh tính cơ sở vi phạm cần được đưa ra tuyên truyền mạnh hơn để người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi, quản lý thức ăn đầu vào sạch cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học đã kiểm tra và đã làm. Đến nay, thành phố chưa có vụ ngộ độc tập thể lớn nhưng cũng cần làm chặt chẽ hơn.
HĐND TP Hà Nội chất vấn nhóm vấn đề văn hóa - xã hội - Ảnh 6

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận phiên chất vấn.
"Chúng tôi đề nghị UBND TP tiếp tục rà soát và bổ sung những vùng sản xuất thực phẩm sạch, rau sạch mà chúng ta đang có cơ chế hỗ trợ. Đối với Sở Y tế là cơ quan thường trực cần làm đầu mối liên kết với các ngành chức năng, đoàn thể Nhân dân, đề xuất với UBND, HĐND những cơ chế, giải pháp mạnh hơn, kiểm soát đầu vào của thực phẩm tốt hơn, xử lý mạnh hơn các cơ sở vi phạm, có cơ chế cho các đơn vị lưu thông sản phẩm sạch cho chúng ta" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần