Tiết kiệm ngân sách nhờ thực hiện phân cấp, ủy quyền
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, UBND huyện xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ. Từ đó, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đồng bộ và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính từng bước được nâng cao, nhận thức trong chỉ đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính đã được cải thiện thông qua việc thực hiện chấm chỉ số cải cách hành chính đối với các đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị được đổi mới, tiến hành thường xuyên, từ đó, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến, đặc biệt là việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính...
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện thường xuyên, liên tục được rà soát, cập nhật đã hệ thống hóa được toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn ngay sau khi có các Quyết định công bố của cấp trên và công khai theo quy định.
Tổ chức bộ máy, biên chế các phòng, ban, đơn vị đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hành, cơ bản khắc phục được tình trạng chồng chéo; có sự phân định rõ giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính được nâng lên.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị phục vụ công tác được quan tâm đầu tư, nhất là bộ phận "một cửa". Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong hoạt động quản lý điều hành và giải quyết thủ tục hành chính; hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng, cổng thông tin điện tử của huyện được quan tâm đầu tư nâng cấp, hoạt động hiệu quả.
Đáng lưu ý, huyện đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho 14 đơn vị, 22 xã thị trấn, 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp… tiết kiệm do thực hiện khoán chi, giao quyền tự chủ đạt hơn 124 tỷ đồng; thực hiện tốt phân cấp, ủy quyền tại địa phương, đã bàn giao đưa vào sử dụng 283 dự án theo hình thức này, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở huyện.
Rà soát toàn bộ công tác cải cách hành chính khi từ huyện lên quận
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện UBND huyện Gia Lâm cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như hiện có 81 thủ tục hành chính được uỷ quyền thực hiện tại cấp huyện, 10 thủ tục hành chính được uỷ quyền thực hiện tại cấp xã. Tuy nhiên, hầu hết các thủ tục hành chính được uỷ quyền chưa có Quyết định ban hành quy trình nội bộ thực hiện thủ tục hành chính của UBND Thành phố để cấp huyện và cấp xã áp dụng thực hiện, gây khó khăn, lúng túng cho huyện và cơ sở trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được uỷ quyền.
Nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã chưa được cập nhật trên hệ thống mới, cán bộ không thể nhập hồ sơ khi công dân đến thực hiện thủ tục hành chính, phải tiếp nhận trên hệ thống cũ hoặc tiếp nhận hồ sơ giấy. Về định mức kinh tế - kỹ thuật và giả dịch vụ công, đến nay một số lĩnh vực chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước...
Phát biểu kết luận buổi giám sát tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc quan trọng, luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, thể chế bằng các văn bản. Huyện Gia Lâm là đơn vị triển khai tốt công tác này, có hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, đưa ra mô hình hay, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở.
Để nâng cao chất lượng lĩnh vực này, Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo huyện Gia Lâm tiếp tục phân cấp uỷ quyền; khai thác đầy đủ, cập nhật nội dung mới, chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, người dân trong cải cách hành chính. Thực hiện đề án từ huyện lên quận, huyện Gia Lâm cần rà soát toàn bộ công tác cải cách hành chính từ quận đến các xã, thị trấn, đánh giá kỹ, thực chất công việc; nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đạo đức công vụ.
Bên cạnh biểu dương khen thưởng đơn vị làm tốt thì huyện Gia Lâm cũng cần nhắc nhở, phê bình đơn vị còn lơ là, chưa chuẩn chỉ, nhằm thúc đẩy công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.
Đối với Đoàn giám sát, Chủ tịch HĐND Thành phố cũng chỉ đạo các thành viên Đoàn nghiên cứu kỹ nội dung, sau khi giám sát trực tiếp, có những kiến nghị, đề xuất sát thực tiễn, để công tác cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số của Thành phố chuyển biến tích cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp Thủ đô.