Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy bởi yêu thương thái quá

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bố mẹ nào mà không yêu thương, chiều chuộng con cái, điều ấy không có gì đáng nói, nhưng sự cung phụng quá mức của người lớn đôi khi lại là con dao hai lưỡi, làm hại trẻ.

Thực tế cho thấy, không ít những cậu ấm, cô chiêu bước vào đời không toàn vẹn về nhân cách hoặc như những con “gà công nghiệp” cũng bởi sự yêu thương ấy.
Mầm mống của thói hư

Với nhiều gia đình hiện nay, sự cưng chiều đã thể hiện thái quá ngay khi đứa trẻ mới ra đời. Một người phụ nữ chia sẻ, khi con trai chị ra đời, với cả hai bên nội ngoại, bé giống “cục vàng”, “cục cưng” của ông bà, bố mẹ. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã muốn sao được vậy, mọi đòi hỏi không khác gì “mệnh lệnh” với mọi người. Mỗi lần cậu bé la khóc là cả nhà lại rối lên, thậm chí đổ lỗi cho nhau về việc khiến em khóc. Rồi theo thời gian, con trai chị lớn lên, đồng nghĩa với vị thế trong nhà của cậu cũng lớn lên, dù hỗn láo, cả nhà đều nhắm mắt cho qua. Cậu coi bố mẹ không khác gì người hầu, nhất là khi tự ý thức vị thế của mình. Khi không vừa ý, cậu liên tục la hét: “Tại sao mẹ không giặt cái áo này cho con?”, “Tại sao mẹ lại chuẩn bị sách này, hôm nay con học Toán chứ không phải Lý, bực cả mình”. Nhiều lúc chị cũng thấy mệt vì cậu ấm, nhưng đó là “quả” mà anh chị đã “gieo nhân”.
 Ảnh minh họa.
Nhiều cậu ấm cô chiêu, sinh ra trong những gia đình giàu có, được bố mẹ cho tiêu tiền ngay khi còn nhỏ nên cũng sớm có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng tiền. Biết “thuê” bạn làm bài tập, trả tiền để bạn cho chép bài trong giờ kiểm tra, rồi dùng cả tiền để mua tình cảm. Mỗi khi xảy ra sự cố, chính những ông bố, bà mẹ ấy lại đứng ra dùng tiền chạy chữa cho lỗi lầm của con mà không hề nghĩ đến tình trạng đạo đức ngày càng xuống dốc của chúng.

Một cô bé khác, là con một nên được bố mẹ rất cưng chiều. Vừa vào cấp 3, cô muốn có xe SH đi học, còn tiền thì tiêu “không phải suy nghĩ!”. Quần, áo, giày toàn hàng hiệu, giá tiền triệu. Như một hệ lụy tất yếu của việc ăn chơi đua đòi, cô sớm lao vào vòng yêu đương khi chỉ mới 16 tuổi. Và bố mẹ cô chỉ gần như ngất xỉu khi thấy một đứa con trai ở cùng phòng con gái mình.

Cơ hội để lớn

Thực tế đã cho thấy, với những đứa trẻ được cưng chiều quá mức, nếu may mắn không hư hỏng thì cũng trở thành những người ỷ lại, không thể tự chăm lo cho mình. Một cô gái khác, dù đã gần 30 tuổi, nhưng vẫn chỉ là “búp bê” bé bỏng của mẹ. Bởi ngay từ lớp mầm non cho đến đại học, cô chưa từng làm một việc nhà nào dù là nhỏ nhất, chỉ việc ăn, học và chơi. Rồi đến lúc cô lấy chồng, do sợ con không biết lo toan nhà cửa, sợ “chồng nó chán” rồi bỏ, nên mẹ cô ngày nào cũng sang nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho hai đứa. Đến lúc ông bà ốm, cô cũng không biết xoay xở ra sao để lo cho mình và lo cho bố mẹ. Nhìn con, ông bà lúc ấy mới ân hận vì đã biến con thành một cái “dây tầm gửi".

Nhiều người đã “ủ” con quá kỹ và cho rằng, một môi trường sống “vô trùng” ấy sẽ giúp con tránh xa mọi nguy hiểm. Nhưng kết quả của việc nuông chiều ấy nhiều khi không được như ý muốn. Một câu chuyện có thật từng xảy ra khi một cô bé quyết định rời bỏ giảng đường đại học vì không chịu nổi sức ép của việc bị bố mẹ nuôi như “gà công nghiệp”.

Đừng nghĩ bao bọc con cái quá mức là tình thương trọn vẹn mà đó là việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành. “Hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết và bản lĩnh để vào đời, để đối đầu thay vì quá bao bọc, chở che”. Đó là điều nhiều chuyên gia giáo dục đã khuyên để trẻ trưởng thành một cách đúng nghĩa.

Một người mẹ sau thời gian “chở che quá mức” đứa con trai, chị đã “thả” con ra. Thay vì làm hết, chị đã giao tiền cho cháu tự đi mua ăn sáng cho cả nhà, tự đi học và về lúc bố mẹ không kịp đưa đón tới trường, biết giúp mẹ vài việc vặt. Kết quả là con trai chị nhanh nhẹn và tự tin hơn rất nhiều thời điểm suốt ngày được bố mẹ nâng niu. Thế mới biết, thương con sao cho đúng cách cũng không hề dễ dàng, cơ hội để con tự rèn luyện bản thân cũng cần sự dũng cảm và kiên trì đến từ chính bố mẹ.