Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy lớn từ phát triển thủy điện ở Nghệ An - Bài 1: Khốn khó đeo bám người dân

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các dự án Thủy điện ở Nghệ An lâu nay đã và đang thi nhau mọc lên ồ ạt, khiến cho nhà cửa, hàng nghìn ha đất từng được xem là “bờ xôi, ruộng mật” gắn bó bao đời nay với người dân miền Tây xứ Nghệ đã phải tháo dỡ, dắt díu nhau ra đi.

Song, những người dân ấy vẫn đang phải gồng mình gánh chịu cảnh nhà cửa xuống cấp, thiếu nước, thiếu tư liệu sản xuất, hạ tầng chưa hoàn thiện… diễn ra trong suốt nhiều năm qua tại các vùng tái định cư.

Khốn khó từ thủy điện

Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Nghệ An cung cấp, trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 1.359,9MW. Đến thời điểm hiện nay, đã có 13 dự án thủy điện đã vận hành hòa lưới điện quốc gia, 02 dự án đang vận hành thử, 07 dự án đang được triển khai thi công và 05 dự án vẫn còn phải nằm trên “giấy” để cân đo, đong đếm triển khai.

  Chỉ với chiều dài khoảng 1km nhưng trên dòng sông Nậm Mô trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có tới 3 nhà máy thủy điện với công suất rất nhỏ cũng được Nghệ An chấp thuận cho xây dựng. (trong ảnh là nhà máy thủy diện Nậm Mô tại sông Nậm Mộ ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn).

Các dự án đã và đang được triển khai xây dựng thủy điện trên địa bàn Nghệ An cũng đã "xâm thực” mất 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác. Kéo theo đó là cùng gần 5000 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới, cũng đồng nghĩa với hàng nghìn ha đất đai, ruộng vườn, nhà cửa gắn bó với bao đời của người dân ở các huyện miền Tây xứ Nghệ phải tháo dỡ, bỏ lại để nhường chỗ cho thủy điện. Song, những người dân ấy vẫn đang phải sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, thiếu nước, thiếu tư liệu sản xuất, hạ tầng chưa hoàn thiện…trong suốt nhiều năm qua tại nơi ở mới.

Nổi bật cho thực trạng này phải kể đến dự án thủy điện Bản Vẽ, đây là dự án đã làm cho 3.022 hộ dân ở các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Hữu Khuông, Hữu Dương…của huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua kể từ khi chính thức được ngăn dòng vào tháng 12/2005, hàng nghìn hộ dân thuộc diện tái định cư trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương vẫn sống trong cảnh nhà tái định cư xuống cấp, hạ tầng không đảm bảo, tư liệu sản xuất thiếu thốn... Không chỉ vây, cho đến nay khu tái định cư thuộc 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) vẫn đang tồn tại việc bồi thường, cân đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến vẫn chưa thực hiện được do việc vướng mắc trong công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân mà các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đưa ra đó là do hồ sơ, bản đồ địa chính của đơn vị tư vấn lập từ năm 2012 đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Anh Cụt Văn P, xã Xiêng My (Tương Dương), vùng tái định cư của nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, chia sẻ: "Về lâu dài không thể ở được nữa, bởi vì nhà họ xây bị xuống cấp quá nhiều. Nền sụt lún, tường nhà thì nứt nhiều lắm, chúng tôi cảm thấy không an toàn khi sống trong ngôi nhà này."

Không chỉ riêng ở các khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ, mà thực trạng này cũng đang diễn ra ở các vùng tái định cư của thủy điện Hủa Na, Khe Bố... Đó là hệ thống cấp nước sinh hoạt của một số điểm tái định cư hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp. Một số hạng mục như bể nước sinh hoạt, nhà cộng đồng, đường giao thông còn thiếu khiến người dân tái định cư đang phải gồng mình sống lay lắt tại nơi ở mới. Cùng với thực trạng ấy, là do sống không quen trong môi trường mới nên không ít hộ dân tái định cư thuộc các vùng định cư liên tục hồi hương, trở về chốn cũ chấp nhận sống lênh đênh trên lòng hồ thủy điện mưu sinh bằng nghề chài lưới qua ngày.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An thừa nhận, những tồn tại, bất cập mà người dân di dời tới các vùng tái định cư để nhường chỗ cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn phải gánh chịu trong thời gian qua là có thật. “Hiện nay, Nghệ An đang phối hợp với các chủ đầu tư, Sở, ban ngành để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho người dân tái định cư. Trước mắt, việc giao đất sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống sẽ được đốc thúc thực hiện trong thời gian sớm nhất” – ông Tám cho biết thêm.

Bất cập trong quy hoạch

“Hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị triệt tiêu, nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện, đất bờ xôi, ruộng mật canh tác hoa màu bao đời của bà con bị xói mòn, sạt lở do tác động từ thủy điện rất lớn mà đến nay lời cảnh báo vẫn chưa hề cũ” là trăn trở của kỹ sư thủy lợi Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi trong suốt thời gian qua.

Hiện, trên địa bàn Nghệ An, các dự án thủy điện được quy hoạch xây dựng theo hình bậc thang tại các vùng thượng lưu của sông Cả, sông Hiếu… Đây là những con sông phải oằn mình gánh nhiều dự án thủy điện nhất của Nghệ An.
 Trước khi tích nước, huyện Quế Phong phải di dời hơn 1300 hộ dân khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na đến nơi ở mới.

Với thượng nguồn sông Cả chảy qua huyện Tương Dương phải gánh trên mình thủy điện Bản Vẽ (320MW), xuôi về phía hạ nguồn khoảng 50km đường chim bay là thủy điện Khe Bố (100MW). Rồi ngược lên các nhánh Nậm Mô, Nậm Nơn đầu nguồn đổ về sông Cả, tại huyện Kỳ Sơn cũng đang được triển khai quy hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện chỉ vài chục MW trở lại. Khi dòng sông Cả chảy xuống địa phận huyện Con Cuông, thì các nhà máy thủy điện Chi Khê (41MW), Khe Thơi…cũng đua nhau chặn dòng, nắn dòng để triển khai xây dựng. Chỉ tính riêng, trên 1km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (một hợp lưu lớn của sông Cả) đã có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động và 1 dự án chủ đầu tư đang khảo sát xin cấp phép đầu tư gồm nhà máy thủy điện Nậm Cắn, thủy điện Nậm Mô và thủy điện Bản Cánh với tổng công suất chỉ 38MW.

Còn dọc theo thượng nguồn sông Hiếu có trên 10 dự án nhà máy thủy điện với công suất chỉ vài chục MW cũng đang được xây dựng ở huyện Quế Phong, Quỳ Châu theo bố cục bậc thang.

Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa cho rằng, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh. Vấn đề này cũng đã được cảnh báo tại các diễn đàn phản biện về những hệ lụy liên quan đến thủy điện nhưng các nhà chức trách vẫn phớt lờ, chấp thuận cho triển khai xây dựng hàng chục thủy điện nhỏ trên địa bàn trong thời gian qua. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện hiện nay ngay trên hệ thống sông Cả đã khiến cho hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra. Đây là hệ thống sông chính cung cấp nước tưới cho các huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành…nhưng khi lúa trổ vụ Đông Xuân và gieo trồng vụ Hè Thu đều gặp cảnh thiếu nước. Bởi theo chu trình của hàng chục năm trước khi mùa nước lên và mùa nước kiệt thì người dân đã dựa vào đây để gieo trồng nhằm tránh hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, từ khi xây dựng hệ thống các nhà máy thủy điện trên sông Cả đã vận hành tích nước vào mùa kiệt, xả lũ vào mùa mưa khiến tình hình sản xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu bị đảo lộn nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Quang Hòa lấy ví dụ tại Bara Đô Lương được tính toán để ngăn nước tối đa ở cao trình 10,05m nhưng nay chỉ còn dưới 9m. Hoặc Bara Nam Đàn có cao trình 1,15m nhưng nay xuống dưới mức - 0,2m nước. “Thủy điện chặn dòng khiến hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị nhấn chìm. Phía dưới vùng hạ lưu sông Cả thì giảm rất lớn lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà thay vào đó là do tác động của dòng chảy nên tình trạng sạt lở, xói mòn đã xảy ra ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Lâu nay chúng ta cứ hô hào chung tay chống biến đổi khí hậu ở đâu chứ ngay việc làm thủy điện đã thực sự tiếp tay cho quá trình biến đổi khí hậu nhanh hơn rồi” – kỹ sư Nguyễn Quang Hòa cho biết.