Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hệ lụy từ khu đô thị chậm kết nối giao thông

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP vẫn còn hàng loạt khu đô thị (KĐT) chưa tháo dỡ rào chắn để kết nối vào mạng lưới giao thông chung hoặc chưa hoàn thiện đường nội khu, tạo nên những điểm nghẽn giao thông cho khu vực. Đáng lo ngại hơn, những lỗi kết nối giao thông này chưa biết bao giờ mới khắc phục được.

Đường trong khu đô thị là hạ tầng chung

Nhiều năm qua các KĐT tại Hà Nội phát triển rất nhanh cả về quy mô lẫn dân số. Theo rà soát sơ bộ của Sở Xây dựng Hà Nội, địa bàn TP có khoảng 262 KĐT, khu nhà ở; trong đó 94 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 168 dự án đang triển khai thi công. Nhưng nghịch lý là nhiều chủ đầu tư dự án KĐT, khu nhà ở lại chậm hoàn thành xây dựng, bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý. Một số dự án thậm chí còn chưa hoàn thành các tuyến đường nội khu để kết nối với hệ thống giao thông chung trong khu vực. Thực trạng này đã và đang làm nảy sinh nhiều bất cập về giao thông, dẫn đến ùn tắc cho chính các KĐT, ảnh hưởng đến cả khu vực xung quanh, gây bức xúc cho người dân.

Khu Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Hapulico tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng rào chắn đường nội bộ, thu phí xe ra vào. Ảnh: Đặng Sơn

Trong đó có những KĐT đã hoàn thành hạ tầng cần tháo dỡ rào chắn ngăn cách kết nối một số tuyến đường nội khu với mạng lưới giao thông chung như: KĐT mới An Hưng; KĐT mới Lê Trọng Tấn Park City Hanoi; KĐT sinh thái Sài Đồng; Khu công viên công nghệ phần mềm tại phường Phúc Lợi; Công trình hỗn hợp tại thuộc KĐT công viên công nghệ phần mềm (quận Long Biên); Khu trung tâm thương mại, văn phòng và Nhà ở Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân); Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm); KĐT mới Thịnh Liệt; KĐT Nam đường Vành đai 3 - The Manor Central Park (quận Hoàng Mai); KĐT mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì)…

Ngoài ra, 5 KĐT đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa hoàn thành xong một số tuyến đường nội khu để kết nối với mạng lưới giao thông chung của TP gồm: KĐT mới Cổ Nhuế; Cụm nhà cao tầng của tổ hợp chung cư CT1, thuộc KĐT Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); Khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn I phường Đại Mỗ; Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa, một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); Khu chức năng đô thị tại số 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với các dự án KĐT đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao hạ tầng về cho TP theo quy định tại Quyết định số 49/2022/QĐ - UBND ngày 30/12/2022 của UBND TP Hà Nội; Nghị quyết số 21/2022/NQ - HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về việc Ban hành quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên đến nay, ngay cả việc tháo dỡ rào chắn để kết nối giao thông với các tuyến đường xung quanh KĐT còn khó khăn chứ chưa nói đến bàn giao. Đơn cử như Khu Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Hapulico tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân). Khu vực này thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, tắc nghẽn lan cả đến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương. Điều đáng nói là KĐT này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu, tuy nhiên vẫn đang rào chắn đường nội bộ để trông giữ ô tô, xe máy có thu phí, làm lợi cho nhà đầu tư.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định: “Những con đường dù lớn hay nhỏ bên trong mỗi KĐT đều là hạ tầng dùng chung đã được luật pháp quy định rõ là phải bàn giao về TP quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đóng rào thu phí là cưỡng bách người tham gia giao thông; không bàn giao hạ tầng là gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước”.

Vướng mắc về quy định

Phía Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, trong số các KĐT chưa bàn giao hạ tầng cho TP quản lý, cũng có những nơi lúng túng trước quy định của pháp luật, ví dụ như các KĐT mới An Hưng; Park City Hanoi, Dương Nội… Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: “Chủ đầu tư các KĐT này rất muốn bàn giao đường cho TP nhưng chưa được Bộ Xây dựng nghiệm thu dự án nên chưa đủ căn cứ để bàn giao”.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này chưa phù hợp với công tác quản lý hạ tầng giao thông. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích, hạ tầng giao thông của các KĐT nằm trong mạng lưới tổng thể đường sá của địa phương. Nếu cứ chờ các dự án KĐT hoàn thiện hết, nghiệm thu tổng thể sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành hạ tầng dành cho giao thông.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã báo cáo những tồn tại trong quản lý, bàn giao, tiếp nhận đường giao thông tại hàng loạt KĐT mới lên UBND TP. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng cho tự nghiệm thu, tiếp nhận hệ thống đường giao thông của các KĐT ngay để giải quyết ùn tắc, sớm khắc phục những lỗi kết nối hiện hữu. Đồng thời phải rà soát lại quy hoạch, bảo đảm các tiêu chí chặt chẽ về hạ tầng kỹ thuật, giao thông với các KĐT mới, yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ nghiên ngặt. Cùng với đó phải đôn đốc chủ đầu tư các KĐT bàn giao hạ tầng ngay khi hoàn thành xây dựng để đưa vào quản lý, khai thác, kết nối giao thông chung phục vụ người dân. Với những dự án chia thành nhiều giai đoạn thì hoàn thành đến đâu bàn giao đến đấy, không rào chắn sử dụng riêng.

Bên cạnh đó, không chỉ riêng 16 KĐT được Sở Xây dựng nêu tên, Hà Nội còn cần rà soát lại cả 262 KĐT đã và đang xây dựng, xác định những bất cập, tồn tại về giao thông. Từ đó có chủ trương điều chỉnh tổng thể, nhằm bảo đảm kết nối giao thông thông suốt, phục vụ Nhân dân Thủ đô nói chung chứ không chỉ cho người dân các KĐT.

Trong tương lai Hà Nội sẽ còn tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ hơn nữa, các KĐT sẽ còn theo nhau hình thành ở khắp các quận, huyện. Bài học đắt giá về lỗi kết nối giao thông tại 16 KĐT nêu trên cho thấy, nếu không giám sát, đôn đốc quyết liệt, đồng thời thay đổi phương thức tiếp nhận, bàn giao hạ tầng, TP sẽ còn phải gánh chịu thêm nhiều hệ lụy phức tạp về giao thông, môi trường, xây dựng do các nhà đầu tư để lại.

Bộ Xây dựng cần sớm nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi quy định về nghiệm thu, bàn giao hạ tầng kỹ thuật nói chung, đường giao thông nói riêng tại các dự án KĐT theo hướng cho tách ra, hoàn thành trước để gõ khó cho chủ đầu tư cũng như những địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như Hà Nội.q

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Nên tách các hạng mục đường giao thông tại dự án KĐT, nghiệm thu riêng, nghiệm thu trước, nhanh chóng bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý để kết nối và vận hành đồng bộ với mạng lưới tổng thể. Nói nôm na là chủ đầu tư làm đường xong bàn giao ngay, Sở Xây dựng địa phương chịu trách nhiệm nghiệm thu, tiếp nhận sớm, ngay trong khi dự án còn chưa hoàn thành việc xây nhà để bán.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung

Bài 4: Seoul - hình mẫu toàn cầu về giao thông bền vững

Bài 4: Seoul - hình mẫu toàn cầu về giao thông bền vững

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đường sắt và khát vọng Thống Nhất

Đường sắt và khát vọng Thống Nhất

13 Apr, 03:08 PM

Kinhtedothi- Sau khi miền Nam được giải phóng vào năm 1975, đường sắt và đường biển vinh dự được gắn tên Thống Nhất lên phương tiện. 30/4 năm nay, sự kiện này được tái hiện trong sự chờ đón của hàng triệu người.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ