Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy từ quá tải hạ tầng

Nguyễn Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Thủ đô Hà Nội hiện đang phải chịu sự quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Điều này cũng đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền về phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Nhiều nguồn phát thải

Theo thống kê, mật độ dân số của TP Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Vì thế, lượng chất thải sinh hoạt cũng tăng theo cấp số nhân nhưng việc thu gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, mương hay các khu đất trống trong địa bàn TP.

Vận hành xe thu gom rác thải trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Vận hành xe thu gom rác thải trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10 - 15% không được thu gom, lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội.

Cùng với đó, Hà Nội lại đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt. Tổng lượng nước thải hàng ngày của TP vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực…

Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”...

Văn bản đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải... Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt trên 6.000 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...

UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu... thường xuyên vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.

Từ việc phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan nên công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là: tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế đạt gần 100%; cơ bản xử lý xong ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trong nội thành; hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.

Đặc biệt, Hà Nội đã xóa được 96,23% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch; 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, việc phát thải làm ảnh hưởng tới môi trường cũng phải kể đến số lượng không nhỏ từ xe máy chạy xăng. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện tại TP có hơn 770.000 xe ô tô, gần 5,8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua, trong đó có nhiều phương tiện cũ không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.

Vì vậy, theo các chuyên gia môi trường để hạn chế áp lực sự gia tăng dân số lên hạ tầng, môi trường đô thị thì rất cần nhiều giải pháp và giải pháp đồng bộ để phát triển. Trong đó, về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án xử lý chất thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Xây dựng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, phát triển tỷ lệ xanh trong xây dựng đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô nên định hướng vùng phát thải thấp cho Thủ đô và vùng Thủ đô. Về vấn đề phát triển và quản lý hạ tầng giao thông cần hướng đến việc xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông; hỗ trợ cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề khi thực hiện chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời ra khỏi khu dân cư, làng nghề; các yêu cầu riêng về bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề du lịch…

Song song với đó, Hà Nội cần thay đổi nhận thức chung của người dân Thủ đô về phát triển, theo đó, phát triển cần theo hướng bền vững; cần tính đến việc tăng nặng hình phạt đối với người cấp phép không bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường thân thiện; có các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; khuyến khích các hoạt động xử lý, tái chế sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp…

 

Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các TP lớn - siêu đô thị làm cho môi trường khu vực đô thị có nguy cơ bị suy thoái nghiêm trọng. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước tăng lên. Để giảm sức ép của sự gia tăng dân số đối với môi trường đã có nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng thực tế chưa có giải pháp nào tối ưu. Tôi cho rằng, với Hà Nội trước mắt cần thực hiện tốt chính sách dân số nhằm điều tiết sự phát triển dân số hợp lý. Cùng đó, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng...
PGS.TS Nguyễn Huy Nga