Hệ lụy từ sự thờ ơ của giới trẻ Nhật Bản với bầu cử

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng phổ biến ở Nhật là sự thiếu vắng phiếu bầu của các cử tri trẻ, khi nhiều người cho rằng các cuộc bầu cử với tỷ lệ ứng viên áp đảo thường là nam giới, có tuổi, và thiếu sức hút với giới trẻ.

Chiến dịch của nhà hoạt động xã hội 23 tuổi Momoko Nojo trước cuộc bầu cử sắp tới của Nhật Bản xoay quanh mạng xã hội và áo phông, nhưng cô gái trẻ không tham gia tranh cử mà thay vào đó chọn một “trận chiến” khác – thúc giục giới trẻ tăng cường tham gia đóng góp vào các sự kiện bầu cử.
 Một cuộc họp tại Thượng viện Nhật Bản. Ảnh: AFP
Tình trạng phổ biến ở Nhật là sự thiếu vắng phiếu bầu của các cử tri trẻ, nhiều trong số họ cho rằng các cuộc bầu cử với tỷ lệ ứng viên áp đảo thường là nam giới, có tuổi, không có sức hút. 
Chỉ 10% các nhà lập pháp tại Hạ viện Nhật giải tán vừa qua là phụ nữ; tỷ lệ đại diện của các ứng cử viên nữ trong liên minh cầm quyền thậm chí còn thấp hơn. Độ tuổi trung bình của các ứng cử viên nam và nữ là 54, với hơn một phần ba từ 60 tuổi trở lên. Một số ít trên 80 tuổi.
Quyền phụ nữ ít được đề cập đến, trong khi các vấn đề khác như bình đẳng giới, hỗ trợ các gia đình trẻ, việc làm và hệ thống nhập cư cũng hầu như không nằm trong chương trình nghị sự.
Sự mất kết nối thể hiện khi các cuộc bầu cử trong vòng 10 năm qua chỉ có 1/3 số cử tri trẻ tham gia và giới phân tích lo ngại sự tham gia vào cuộc bầu cử  Hạ viện Nhật Bản ngày 31/10 sắp tới có thể ở mức thấp nhất trong lịch sử thời hậu chiến.
 Sinh viên - nhà hoạt động xã hội Momoko Nojo - người khởi xướng chiến dịch "Không có giới trẻ, Không có nước Nhật". Ảnh: Reuters. 
Nghiên cứu sinh trẻ Nojo, 23 tuổi cho biết: “Tiếng nói của những người trẻ sẽ không được phản ánh.”
"Nếu không đi bầu cử, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn đối với thế hệ này. Cho dù đó là vấn đề về nuôi dạy con cái hay các vấn đề khác, để có một nền chính trị chuyển phục vụ thế hệ trẻ, bạn phải đi bầu, bạn phải tham gia."
Tình hình của Nhật Bản trái ngược với Mỹ. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở độ tuổi 18-24 là 51% trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Các nhà phân tích cho biết, sự thờ ơ của các cử tri trẻ đã ăn sâu và phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống lâu dài trong nền chính trị Nhật Bản.
Takuto Nanga, một họa sĩ truyện tranh 22 tuổi cho biết: “Tôi không đi bỏ phiếu vì không có cảm giác kết nối với cuộc sống của tôi. Ngay cả khi có những thay đổi hàng đầu, vẫn sẽ có những vấn đề trong quá khứ”.
Vấn đề bình đẳng giới cũng nổi lên. Chỉ 9,7% ứng cử viên Đảng cầm quyền LDP là phụ nữ, với 7,5% cho đối tác liên minh Komeito.
"Ngay cả khi được bầu, các nhà lập pháp nữ cũng không có cơ hội trong các danh mục quan trọng của nội các" Airo Hino, giáo sư Đại học Waseda cho biết.
Trong khi nhấn mạnh các vấn đề như biến đổi khí hậu, cắt giảm học phí đại học và bình đẳng giới sẽ giúp thu hút các cử tri trẻ hơn, quá trình này cũng phải hấp dẫn, theo Hino lập luận.
Bên cạnh chiến dịch vận động truyền thống trên báo chí, việc đăng tải thông tin, phát biểu lên các mạng xã hội - điều mà một số chính trị gia, chẳng hạn như ứng viên thủ tướng Taro Kono, trong cuộc bầu cử vừa qua lựa chọn, đã từng mang lại hiệu quả tốt.
Các ứng dụng dành cho cử tri, qua đó người sử dụng tham gia trả lời câu hỏi và tìm hiểu về các đảng chính trị, cũng rất hữu ích.  
“Chủ yếu là trò chơi trên điện thoại thôi, nhưng cũng khá hữu ích trong việc tìm ra mối quan tâm của người dùng”, GS Hino cho biết.
Bên cạnh chiến dịch trực tuyến mang tên  "No Youth No Japan" (Không có giới trẻ, không có Nhật Bản), nhà hoạt động trẻ Nojo đã hợp tác với một doanh nghiệp may mặc và cho sản xuất một loạt áo phông với thiết kế kiểu lạ, theo đó nhấn mạnh các vấn đề - cuộc sống, hòa bình, bình đẳng và hành tinh - và bỏ phiếu .
"Quần áo được mặc hàng ngày, đó là một hình thức thể hiện quan điểm của bạn và thể hiện bản thân", Nojo nói, với hy vọng biện pháp này sẽ giúp thúc đẩy những người trẻ tham gia vào các cuộc bỏ phiếu tích cực hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần