Hệ lụy từ thiếu kiểm soát cốt nền đô thị

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, tại Hà Nội, cùng với những con đường khang trang được mở ra là không ít những câu chuyện dở khóc, dở cười khi những căn nhà bỗng dưng trở thành “hầm” hay nền nhà dân cao chênh vênh so với mặt đường cả mét. Cùng đó là tình trạng ngập úng cục bộ khi mưa lớn tại nhiều khu vực ngày càng gia tăng. Đây có thể coi là hệ lụy của việc sử dụng cốt nền thiếu sự giám sát.

Cốt nền nhà dân cao hơn mặt đường nên người dân đã chế ra các loại thang để vào nhà tại phố Minh Khai. Ảnh: Thùy Anh
Nền nhà mạnh ai nấy nâng, phố hóa thành sông
Tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng đang gấp rút hoàn thành. Hai bên tuyến đường, các hộ dân sau giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng khẩn trương xây sửa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trái với con đường to rộng với 6 làn xe đang hình thành là tình trạng xây sửa nhà cửa hai bên đường hết sức tùy tiện, lộn xộn. Đáng nói, tình trạng nhà dân xây dựng chênh cốt nền so với đường phố lại tiếp tục tái diễn. Đi dọc theo hướng Vĩnh Tuy – Đại La, hầu hết nền nhà dân đều cao hơn so với mặt vỉa hè từ 30 – 40cm, thậm chí có những ngôi nhà nền cao hơn mặt đường đến hơn 1m.

Ông Nguyễn Văn Sáu, địa chỉ tại 128C Đại La cho biết, ngay sau khi GPMB, nhiều hộ dân đã bắt tay sửa chữa, xây mới nhà cửa trước khi chủ đầu tư trải lại mặt đường sau mở rộng. Do không nắm được cao độ nền đường, sợ nhà xây xong thấp hơn mặt đường nên mạnh ai nấy làm, nhà xây sau cố cao hơn nhà xây trước, thậm chí có gia đình xây lại nhà ngay trên cốt nền cũ vốn trong ngõ ngách trước kia cao hơn mặt đường đến cả mét. Ngược lại theo hướng Đại La – Vĩnh Tuy lại xuất hiện tình trạng ngôi nhà có nền thấp hơn vỉa hè vài chục centimet.

Trao đổi về vấn đề này, một cán bộ Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng cho biết, cao độ cốt nền, cốt sàn xây dựng dọc tuyến đường Vành đai 2 đã được Sở QH - KT ban hành. Quận Hai Bà Trưng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng tuyến đường phải công bố công khai cốt thiết kế đến cho người dân. Tuy nhiên, do cốt hiện trạng của tuyến đường chỗ cao, thấp không đồng đều khiến cho một số hộ dân dò dẫm làm, không tránh khỏi sai sót. Ngoài ra, còn có một số hộ dân xây nhà kiên cố trên nền cốt cũ, sau khi GPMB thì bị cắt xén một phần, phải chỉnh trang diện tích còn lại nhưng lại không tuân thủ việc hạ theo đúng cao độ cốt nền đã quy định.

Chuyện lệch cốt nền trên tuyến đường Vành đai 2 không phải là mới, các tuyến đường cải tạo, mở rộng trước đây như Trần Khát Chân kéo dài, Xã Đàn, Lạc Long Quân... cũng đã gây bức xúc dư luận. Qua đây cho thấy câu chuyện bộ mặt kiến trúc đô thị lôm nhôm sau mở đường tại Hà Nội dường như chưa sớm có hồi kết. Hệ lụy của loạn cốt nền không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, thêm vào đó là tình trạng ngập úng cục bộ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Sau những cơn mưa lớn, hàng loạt các khu đô thị phía Tây tại huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, quận Bắc Từ Liêm… ngay lập tức bị chìm trong biển nước. Theo các chuyên gia xây dựng, điều này bắt nguồn từ việc hệ thống hạ tầng thoát nước chưa được kết nối đồng bộ. Thêm vào đó các chủ đầu tư khi thi công dự án không tuân thủ các quy chuẩn về cốt nền. Các khu đô thị mọc lên nhanh như nấm nhưng có nơi nền cao, có nơi nền thấp và đó chính là nguyên nhân nước khó có thể thoát đi được.

Buông lỏng quản lý, thiếu hướng dẫn

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, giải pháp hàng đầu phòng chống thiên tai, ngập lụt trong công tác quy hoạch đô thị Hà Nội là chọn cao độ xây dựng khống chế cho đô thị chuẩn xác. Về tổng thể TP Hà Nội, tại quy hoạch chung đã có quy định khung chia ra 4 khu vực lớn để khống chế cốt nền xây dựng. Tuy nhiên, tại các quy hoạch chi tiết cụ thể cho từng khu vực, dự án, lại chưa được chú trọng. Do đặc thù của Hà Nội là đô thị cải tạo, tái thiết đồng thời với xây dựng mới nên việc quản lý cốt nền xây dựng càng cần được quan tâm để có giải pháp đối với những vướng mắc. “Ví dụ như tại đường Trần Khát Chân kéo dài sau khi mở đường, nền nhà dân thấp hơn mặt đường 2 - 3m. Trước thực tế này không thể bắt người dân đắp đất tôn nền mà cần phải có giải pháp chống úng ngập tại khu vực này nhưng đã không thực hiện được. Điều này cho thấy còn sự buông lỏng quản lý, giám sát thực hiện, thiếu hướng dẫn cho người dân khiến tình trạng loạn cốt nền diễn ra phổ biến cả trong sửa chữa, cải tạo làm đường cũng như xây dựng các khu đô thị” – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Cùng quan điểm, TS.KTS Vũ Tuấn Vinh (Viện Quy hoach đô thị và nông thôn quốc gia) cho rằng, ở một số đô thị, trong đó có Hà Nội còn xảy ra tình trạng chênh lệch cốt nền giữa các công trình, khu vực đô thị, giữa cốt nền nhà dân với mặt đường, dẫn đến các hệ lụy như phải chỉnh sửa một số hạng mục đầu tư, tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa. Nguyên nhân là do tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát cao độ nền đô thị, thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị trong các đồ án quy hoạch đô thị còn bị xem nhẹ, chưa đánh giá đầy đủ điều kiện địa hình, địa chất thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu.

Theo quy định hiện hành, cao độ nền là một trong những nội dung bắt buộc phải được tính toán, xác định trong các đồ án quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, tới nay ở Việt Nam chưa có hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị theo định hướng phát triển bền vững, kéo theo nhiều bất cập trong quy hoạch. “Hiện nay, Viện Quy họach đô thị và nông thôn quốc gia đã thực hiện xong nghiên cứu, xây dựng “Hướng dẫn kỹ thuật lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị theo định hướng phát triển bền vững”, đang được Bộ Xây dựng nghiệm thu, chỉnh sửa. Hy vọng, khi được ban hành đây sẽ là tài liệu hữu ích cho công tác lập quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong quy hoạch đô thị tại các địa phương trong đó có Hà Nội” - TS.KTS Vũ Tuấn Vinh cho hay.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu đang có những diễn biến khó lường, nhất là xuất hiện nhiều trận mưa lớn dễ gây ngập úng, công tác quy hoạch xây dựng đô thị luôn phải đề cập và xem xét kỹ vấn đề về cốt nền để sao cho các khu đất dự kiến quy hoạch không bị ngập úng. Nhất là tại khu vực đô thị cũ, phải cải tạo nhà dân, TP cần có bước đột phá về nguồn vốn để thực hiện các quy hoạch chi tiết về cốt nền khi thực hiện các dự án.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần