Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hệ lụy từ thực phẩm giả, thực phẩm nhiễm hóa chất

Kinhtedothi - Gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”, thực phẩm giả, kém chất lượng quy mô lớn, gây hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chuyên gia y tế cảnh báo, thực phẩm không đảm bảo an toàn để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, gây ra các bệnh mạn tính do nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh.

Bất an khi thực phẩm “bẩn” bủa vây

Trong bối cảnh hiện nay, liên tiếp các vụ việc về thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả bị triệt phá, phản ánh thực trạng đáng báo động về mức độ phổ biến và nguy hiểm của nạn thực phẩm giả tại Việt Nam. Điều này, khiến người tiêu dùng hoang mang, ngày càng mất lòng tin với thực phẩm chức năng (TPCN).

Khi câu chuyện TPCN, sữa giả, kém chất lượng chưa dừng lại thì mới đây, tại Phú Thọ, cơ quan chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc là gà đông lạnh, nội tạng, xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu thập cẩm... liên tiếp bị phát hiện và thu giữ tại Hà Nội; ngâm tẩm hóa chất vào giá đỗ tại Nghệ An...

Thực tế cho thấy, những sản phẩm thiết yếu này đã bị pha chế, đóng gói nhái thương hiệu, rồi tiêu thụ tràn lan, chủ yếu vào các bếp ăn công nghiệp. Con đường tiêu thụ, phân phối các thực phẩm này rất khác nhau, bao gồm thông qua mạng xã hội, thị trường truyền thống, đến đưa vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học…với ưu thế giá rẻ.

Cơ quan chức năng kiểm tra công ty sản xuất mì chính, bột nêm, dầu ăn giả tại Phú Thọ.

Trước những vụ việc trên, người tiêu dùng mất lòng tin với TPCN, các sản phẩm thiết yếu ở thời điểm hiện tại cũng là điều dễ hiểu.

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cảnh báo, các sản phẩm làm giả trên đều nguy hiểm đối với sức khỏe người dùng. Người tiêu dùng ăn phải hàng giả có thể bị dị ứng, choáng váng, nhức đầu,... về lâu dài dẫn đến suy gan, thận, ngộ độc nhưng chưa có biểu hiện cấp tính nên khó nhận biết.

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích, sử dụng hạt nêm, mì chính giả sẽ rất nguy hại cho sức khỏe. Khi hạt nêm được đóng gói trong điều kiện không đảm bảo những quy định nghiêm ngặt cả về nhà xưởng, thiết bị, con người, dễ dẫn đến việc sản phẩm bị nhiễm khuẩn. Việc nhiễm khuẩn ở mức độ nhẹ có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe của người sử dụng nhưng có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột, đưa đến nguy cơ mắc những bệnh đường tiêu hóa như táo bón, viêm loét… nếu sử dụng lâu dài.

Việc nhiễm những vi khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng… ở mức độ nặng hơn ngay lập tức có thể dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa; nặng hơn nữa có thể gây co giật thậm chí tử vong. Những hạt nêm không có nguồn gốc xuất xứ có nguy cơ bị nhiễm tạp chất do điều kiện đóng gói không đảm bảo, hoặc có thể được pha trộn tạp chất để tăng lợi nhuận. Việc đưa vào cơ thể những tạp chất độc hại trong thời gian dài có thể gây bệnh mãn tính thậm chí gây ung thư ở người sử dụng - GS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Hệ lụy khôn lường

Liên quan đến đường dây sản xuất hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất “nước kẹo” (chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP) nguyên chất ở Nghệ An, theo cơ quan chức năng, đây là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.

GS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, đây là một chất kích thích sinh trưởng; tuyệt đối không được phép sử dụng trong thực phẩm. Vì là chất kích thích sinh trưởng nên hóa chất 6-BAP rất nguy hiểm khi con người ăn vào. Nó gây rối loạn các quá trình sinh trưởng phát triển của cơ thể, các tế bào phát triển không bình thường, nhất là các tế bào thần kinh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, hóa chất này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến thai nhi phát triển không bình thường, có thể dẫn đến đẻ non, não úng thủy, dị tật…

Còn TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, việc sử dụng hóa chất để ngâm giá đỗ, tạo ra sự kích thích tăng trưởng của các đối tượng tại Nghệ An rất nguy hiểm. Vì giá đỗ được bán ra thị trường chỉ sau 1 ngày ngậm hóa chất, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

“Đánh giá hiện nay của hóa chất này trên động vật cho thấy, hóa chất 6-Benzylaminopurine ảnh hưởng đến nội tiết, sự phát triển bào thai, cấu trúc hệ mạch máu cơ thể, tim, nội tiết. Việc trộn hóa chất này vào giá đỗ và phân phối ra thị trường ngay, tức là lượng hóa chất này sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, hậu quả sẽ có nhiều nguy cơ cao, trong đó, nguy hiểm nhất là tác động đến sự phát triển của cơ thể.

Ngoài ra, việc sử dụng các thùng nhựa xanh chủ yếu là từng đựng hóa chất được sử dụng lại cũng là yếu tố nguy cơ để những chất màu ngấm vào thực phẩm” - TS Nguyễn Trung Nguyên nói.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể tại Chương Mỹ.

Trước thực tế đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể không sử dụng các sản phẩm thực phẩm giả, thực phẩm “bẩn” kém chất lượng.

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho rằng, thực phẩm không đảm bảo an toàn không chỉ là mối đe dọa trước mắt (ngộ độc thực phẩm cấp tính, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy..) mà còn để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng đối với sức khỏe như các bệnh mạn tính như ung thư, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến hệ sinh sản… do nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh.

Theo Cục ATTP, công tác ATTP tại các bếp ăn tập thể vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng sản xuất, công nhân tại các khu công nghiệp, các nhà máy và đảm bảo sức khỏe cho các học sinh, sinh viên tại các trường học, lực lượng lao động tương lai của đất nước. Khi mất ATTP sẽ gây hệ lụy như số người mắc rất lớn, ảnh hưởng không chỉ tới sản xuất của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên nghỉ học, mà gây quá tải cho hệ thống y tế, gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nghiệp, gây mất ổn định xã hội.

Cục ATTP khuyến cáo, để đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể không chỉ tuân thủ các quy định điều kiện về cơ sở vật chất, mà nguyên liệu chế biến thực phẩm sử dụng trong chế biến thức ăn tại bếp ăn tập thể đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, người dân cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc đảm bảo an toàn bếp ăn tập thể.

Để bảo quản thực phẩm an toàn, Cục ATTP khuyến cáo, kho bảo quản phải tuân thủ theo đúng quy định ATTP, Thực phẩm cần được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, tránh nhiễm khuẩn chéo, tránh côn trùng, động vật gây hại; thực hiện nghiêm việc lưu mẫu, giám sát và kiểm tra thường xuyên các bếp ăn tập thể.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

TPCN có vai trò hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và là một phần trong xu hướng y học dự phòng. Nếu được kiểm soát đúng, TPCN sẽ là trợ thủ đắc lực cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng, nếu thả nổi, đây sẽ là "con dao hai lưỡi". Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần khách quan, thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Vụ hành hung nhân viên y tế: cần xử lý nghiêm

Vụ hành hung nhân viên y tế: cần xử lý nghiêm

28 Apr, 03:21 PM

Kinhtedothi - Chiều 28/4, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế đã có Công văn số 601/KCB-QLCL&CĐT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong cơ sở KCB.

Tiếp tục rà soát tiêm vaccine sởi

Tiếp tục rà soát tiêm vaccine sởi

28 Apr, 08:26 AM

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, toàn TP ghi nhận 198 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 13 ca so với tuần trước. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Nam Từ Liêm (27), Hoàng Mai (24), Hà Đông (18), Thanh Trì (14), Ba Đình (13), Long Biên (12).

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ