Hệ thống cầu vượt bộ hành: Làm sao để phát huy hiệu quả?

Minh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, ở một số nơi dù đã có hầm, cầu bộ hành nhưng không ít người đi bộ vẫn chọn cách cắt ngang dòng phương tiện dày đặc để qua đường, bất chấp luật giao thông và nguy hiểm đến tính mạng.

 Cầu vượt bộ hành trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh
Tiện là sang, thích là qua
Ghi nhận tại nhiều tuyến đường có cầu vượt đi bộ, đặc biệt là khu trước cửa bệnh viện, trường học, hàng ngày có hàng nghìn lượt người qua lại. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ người dân sử dụng cầu vượt đi bộ, còn lại phần lớn bất chấp nguy hiểm băng qua lòng đường.

Điển hình là tại khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai, lưu lượng người và phương tiện giao thông hàng ngày qua lại rất đông, đặc biệt là khách bộ hành có nhu cầu qua đường để tới các phòng khám, hiệu thuốc nằm trên đường Giải Phóng. Tuy nhiên, đã từ lâu, tại các lối lên, xuống, mặt cầu, chiếu nghỉ... của cầu vượt bộ hành đã bị một số cá nhân chiếm dụng làm nơi bán hàng, đón khách gây khó khăn cho người dân khi lên, xuống cầu.

Ngoài các cầu vượt bộ hành ở khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai tuy có đông người qua lại hàng ngày nhưng bị chiếm dụng và xuống cấp, nhiều cầu vượt bộ hành khác lại khá đìu hiu, ít người sử dụng. Điển hình như cầu vượt Tây Sơn gần Đại học Thủy lợi, cầu vượt gần trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cầu vượt gần Học viện Ngân hàng (phố Chùa Bộc), cầu vượt ở ngã ba Phạm Ngọc Thạch - Lương Định Của…

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Xuân Đạt - trường Đại học GTVT, việc người dân băng qua đường, bỏ qua cầu vượt, hầm chui bộ hành, một phần cũng xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và chủ quan, xem nhẹ an toàn tính mạng của bản thân. Nhiều người dù biết băng qua đường nguy hiểm nhưng vì muốn nhanh, tiện lợi nên bất chấp nguy hiểm mà không đi lên cầu.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Đạt, bất cập đối với các cây cầu bộ hành hiện nay là bị đặt sai vị trí. Một số cây cầu đặt ở nơi nhu cầu người dân không lớn hoặc đặt đúng vị trí nhưng thiết kế đường dẫn bất hợp lý, khiến người đi bộ phải vòng vèo. Bên cạnh đó, việc không đảm bảo các yếu tố hỗ trợ khiến một số người cao tuổi không đủ sức leo thang nên cũng chọn đi bộ băng qua đường.

Đồng bộ các giải pháp khắc phục

Theo Văn Phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ. Đây là việc cần thiết giúp giảm ách tắc giao thông cũng như bảo đảm an toàn cho những người đi bộ qua đường. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng đã làm nhiều cầu bộ hành nhưng tại một số khu vực người dân sử dụng còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, Ban ATGT TP sẽ kiến nghị lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm do băng ngang đường không đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất thêm các tiện ích để thu hút sự quan tâm, chấp hành của người đi bộ.

Để khắc phục tình trạng người dân thờ ơ với cầu vượt, hầm bộ hành, theo các chuyên gia giao thông, cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát lại hệ thống cầu, hầm trên địa bàn. Từ đó có biện pháp duy tu, sửa chữa những hạng mục đã xuống cấp, bổ sung xây dựng cầu ở những nơi có đông khách bộ hành, tiềm ẩn nguy cơ TNGT lớn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tích cực xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, cầu bộ hành để trả lại lối đi bộ cho người đi đường. Được biết, trong năm 2021 - 2022, Ban Quản lý dự dán đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được TP giao đầu tư hàng chục cầu bộ hành, mỗi cầu có tổng mức đầu tư khoảng 4 đến hơn 8 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phạm Quang Xá - Công ty Luật TXVN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, nhiều người vẫn có thói quen chọn đoạn đường ngắn nhất, vị trí thuận lợi nhất để đi dù gần đó có cầu vượt, hầm bộ hành. Trong khi đó, chế tài xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định đã có nhưng không đủ sức răn đe. “Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần có chế tài xử phạt nặng hơn nữa với hành vi vi phạm này” - luật sư Phạm Quang Xá cho hay.
Tại điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần