Thiếu quy định
Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống CSCC đã được đầu tư hiện đại hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, như điện năng tiêu thụ lớn, chiếm khoảng 25% điện năng tiêu thụ của cả nước, mức trung bình của thế giới là 20%. Bên cạnh đó, công tác thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả… “Các tiêu chuẩn chiếu sáng thiếu sự đồng bộ về các chỉ tiêu độ rọi, độ chói, chất lượng ánh sáng, chưa có quy định rõ ràng về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống CSCC” – ông Tiến cho hay.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng, đến thời điểm hiện tại, quy mô lưới CSCC của TP có trên 212.000 đèn các loại, với khoảng 2.600 tủ điều khiển, tổng công suất tiêu thụ điện 30 MW (megawatt), tổng chiều dài các tuyến chiếu sáng trên 5.300km trải dài trên địa bàn 30 quận, huyện. “Tuy nhiên, tại các đô thị, nội dung chiếu sáng chỉ được đề cập rất sơ lược, chưa có hướng dẫn cụ thể về quy hoạch chiếu sáng. Trong khi đó, những tiêu chuẩn của sản phẩm chiếu sáng hầu hết đã cũ và chưa được sửa đổi phù hợp với thực tế” - ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ vào chiếu sáng
Trong số trên 5.300km chiều dài tuyến chiếu sáng, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) quản lý, vận hành tại 22/30 quận, huyện, thị xã với tổng số 4.710km đường chiếu sáng, chiếm 88% tổng số đường chiếu sáng của TP. Giám đốc Xí nghiệp quản lý điện chiếu sáng (Công ty Hapulico) Nguyễn Quảng Nam cho biết, từ năm 2016, công ty đã đưa vào vận hành Hệ thống quản lý CSCC ứng dụng công nghệ thống tin địa lý (GIS) để đồng bộ với Trung tâm điều khiển chiếu sáng. Hệ thống này cho phép quản lý toàn bộ các chi nhánh, tổ đội… thực hiện công tác báo cáo, giao việc, kiểm tra thực hiện thông qua phần mềm. Toàn bộ cơ sở dữ liệu đều được số hóa giúp cho công tác quản lý truy xuất dữ liệu thực hiện nhanh chóng, chính xác.
“Từ khi hệ thống CSCC thông minh được đưa vào vận hành đã phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành. Hệ thống CSCC sẽ được đóng cắt linh hoạt theo điều kiện thời tiết; sử dụng hiệu quả điện năng tiêu thụ tránh gây phản cảm (trời tối đèn chưa sáng, trời sáng đèn chưa cắt). Đồng thời lưu trữ lịch sử hoạt động để kiểm tra, đánh giá, kiểm soát sự cố; quan trọng nhất là minh bạch trong công tác quản lý, vận hành” – ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quảng Nam, trong thời gian qua, đơn vị này đã thực hiện thay thế hệ thống CSCC, thay bóng cao áp thủy ngân, bóng đèn compact bằng bóng LED nhằm giảm chi phí điện áp và kéo dài thời gian sử dụng. “Cho đến nay, hầu hết khu vực ngõ, xóm do công ty quản lý đã được lắp đặt thiết bị điều khiển và giám sát từ trung tâm, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng 98% đối với đường phố và 95% đối với ngõ xóm” – ông Nam nói.
Hiện nay, việc quản lý chiếu sáng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị tại Việt Nam nói chung chưa đồng bộ; phân cấp quản lý còn nhỏ lẻ. Việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những nét đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, giúp người dân nhận thấy không chỉ vẻ đẹp của ánh sáng đô thị mà còn bao hàm cả những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các công trình, di tích. Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quốc Thông |