Hệ thống giáo dục đại học: Cần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng hệ thống giáo dục đại học (ĐH) mang đẳng cấp thế giới, bỏ cơ chế bộ chủ quản là những vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, diễn ra ngày 12/6.

Phòng nghiên cứu vật liệu công nghệ nano tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Xây dựng mô hình university thực sự
GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức nhấn mạnh: Chưa có lúc nào bối cảnh thế giới và trong nước đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhiều trong hệ thống giáo dục, nhất là mạng lưới các trường ĐH như hiện nay. Các trường ĐH và CĐ luôn có sự tương tác với nhau, thế nhưng, hiện nay hệ thống giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục phổ thông đang bị phân chia theo kiểu cát cứ. Bộ GD&ĐT quản lý hệ thống giáo dục ĐH và phổ thông, Bộ LĐTB&XH quản hệ thống GDNN (trung cấp đến CĐ, trừ các trường CĐ và trung cấp sư phạm). “Với việc tách bạch thế này, ai lo thân người đó cho nên hệ thống nhân lực của chúng ta không cân đối, không thích ứng nhanh với thay đổi về kinh tế - xã hội của đất nước” - TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nhận định.

Từ nhược điểm 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng đã vô hiệu hóa hoàn toàn các ưu thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, đề xuất hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam nên xây dựng theo mô hình university thực sự. Và tùy theo điều kiện cụ thể nên xử lý mô hình ĐH hai cấp theo một trong hai giải pháp. Thứ nhất, cho phép các trường thành viên đơn ngành, đơn lĩnh vực phát triển thành các university. Thứ hai, ĐH hai cấp chuyển thành một university đơn nhất thực sự, thay đổi bộ phận điều phối trung gian thành cấp điều hành trực tiếp; toàn bộ university có một chương trình đào tạo chung. GS Lâm Quang Thiệp cũng đề xuất xây dựng hệ thống giáo dục ĐH ngang tầm thế giới thay vì chỉ xây dựng 1 - 2 trường mang đẳng cấp thế giới. “Hệ thống giáo dục ĐH mang đẳng cấp thế giới là có tầng, bậc, mục tiêu, chức năng và phục vụ cho đầy đủ hệ thống kinh tế - xã hội” - GS Thiệp nhấn mạnh. Trong khi ấy, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng việc sắp xếp các trường ĐH phải căn cứ vào mục tiêu phát triển của hệ thống này, xuất phát từ việc dự kiến tăng số lượng người học ĐH nói riêng và sau phổ thông nói chung không. Thứ nữa, việc quy hoạch có tính đến dịch chuyển các trường ĐH về địa phương bằng cách mở phân hiệu. Và để nâng cao chất lượng đào tạo thì chi phí đào tạo trên đầu sinh viên phải tăng lên và có cách thức bố trí nguồn lực. Khi đó mới tính đến tăng số trường ĐH công hay trường tư.

Xóa bỏ cơ chế chủ quản để trường được phát triển

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia bàn luận nhiều đó là cần thiết phải có cơ quan chủ quản đối với các trường ĐH, nhất là sau sự việc xảy ra ở trường ĐH Tôn Đức Thắng với cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo GS Lâm Quang Thiệp nên bỏ cơ chế bộ chủ quản bởi nó ràng buộc các trường ĐH nhất là khi chúng ta đang mở rộng tự chủ. “Bộ chủ quản quản lý và quyết định những vấn đề quan trọng nhất về quản lý, tài chính, nhân sự cấp cao thì các trường ĐH không còn chỗ hở. Bỏ bộ chủ quản đi và thay bằng cơ chế hội đồng trường để quản lý các trường” - ông Thiệp đề nghị.

Đi sâu vào phân tích trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng, các chuyên gia cho rằng đang tồn tại mô hình cơ quản chủ quản và hội đồng trường. Hai hình thức này cùng tồn tại đã phá đi hệ thống quản lý của một trường ĐH khiến nó không thể hoạt động. Vì thế, TS Lê Viết Khuyến đề nghị xóa đi cơ chế bộ chủ quản. Khi đó, bộ chủ quản chỉ cử một người tham gia vào hội đồng trường để điều hành, chứ không phải bắt hội đồng trường phải báo cáo công việc và có đồng ý hoặc không, trong khi Nghị quyết 19 đã nêu rõ hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất. Ông Khuyến đề nghị chỉ nên chọn một mô hình: Nếu chấp nhận cơ chế trao quyền tự chủ cho nhà trường thì phải bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Nhiều chuyên gia giáo dục khác thì cho rằng bộ chủ quản vẫn tồn tại nhưng việc quản lý nhà trường ĐH phải thông qua hội đồng trường. Theo đó, phải quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường, hiệu trưởng. Đồng thời, có một số quy định của luật pháp về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo, mở ngành thế nào, cấp bằng để các trường thực hiện. Hiệu trưởng nhà trường ĐH sẽ do hội đồng trường bầu và trình lên cơ quan chủ quản phê duyệt. Như vậy, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy định pháp lý để kiểm soát các hoạt động của nhà trường. Và, cũng có ý kiến đề nghị, để tái cấu trúc hệ thống quốc dân đáp ứng nhu cầu nhân lực của Việt Nam rất cần phải từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường cũng như trao quyền thực sự cho cơ sở giáo dục ĐH. Cũng như chuyển một số trường ĐH công qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần