Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống mầm non tư thục: Lay lắt chờ “giải cứu”

Bài, ảnh: Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 500 trường/cơ sở mầm non tư thục trên cả nước bị giải thể do dịch Covid-19, thông tin do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cung cấp tại phiên giải trình với Quốc hội về tổ chức dạy học trong bối cảnh Covid-19 khiến những người hoạt động trong và ngoài ngành mầm non không khỏi xót xa. Thúc đẩy mở cửa trường mầm non cùng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cứu hệ thống mầm non tư thục là đòi hỏi cấp thiết, yêu cầu các cấp, ngành phải hành động.

Sụp đổ một phần hệ thống mầm non tư thục

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, có hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; 58 trường và 526 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể. Kể từ đó đến nay, do học sinh khối mầm non ở nhiều địa phương chưa thể đến trường nên số cơ sở mầm non ngoài công lập làm thủ tục giải thể vẫn tiếp tục tăng.

Trên các diễn đàn mạng xã hội về mầm non tư thục, thông tin rao bán trường hoặc thanh lý bàn ghế, đồ chơi của các cơ sở liên tiếp được đăng tải. Đáp lại, số người quan tâm và nhu cầu mua rất ít, chỉ là những bình luận, phản hồi đầy chua xót, đồng cảm và sẻ chia với các chủ trường. Trước khi đi đến quyết định giải thể, hầu hết chủ cơ sở đều đã có thời gian nỗ lực, cố gắng bằng mọi cách, kể cả việc chấp nhận vay mượn để giữ trường nhưng rốt cuộc vẫn đành buông tay.

17 năm gắn với nghề mầm non, trong đó 10 năm đầu là giáo viên và 7 năm sau với vai trò là chủ trường, cô Nguyễn Phương Thảo, chủ một cơ sở mầm non tư thục tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đã “đứt từng khúc ruột” khi đi đến quyết định giải thể trường mầm non - nơi cô đã bỏ nhiều công sức, của cải để gây dựng. “Dịch bệnh kéo dài đúng lúc gia đình tôi gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Dù rất muốn duy trì trường nhưng không thể cáng đáng được chi phí nên tôi đành nhượng lại cho người khác với giá… như cho không. Hy vọng, về với chủ mới, ngôi trường sẽ tiếp tục phát triển sau đại dịch”- cô Thảo tâm sự.

Tại Hà Nội, gần một năm qua, trẻ mầm non chưa một ngày được đến lớp. Các cơ sở mầm non ngoài công lập không thu được học phí nhưng vẫn phải chi tiền thuê nhà, phần nào hỗ trợ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đứng trước quá những khó khăn, áp lực, nhiều trường và nhóm lớp độc lập tư thục đã buộc phải giải thể.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến cuối tháng 1/2022, TP có 8 trường mầm non ngoài công lập giải thể (chiếm tỷ lệ 2,2%) và 56 nhóm lớp giải thể (chiếm tỷ lệ 2%). Số trường mầm non có nguy cơ giải thể lớn hơn gấp nhiều lần với 836 trường (chiếm tỷ lệ 30%). Còn tại TP Hồ Chí Minh, sau đại dịch Covid-19, TP này có khoảng 22 trường mầm non và hơn 90 nhóm lớp mầm non bị giải thể do hết sức chống chịu.

Là chủ của 3 cơ sở mầm non tư thục, chị Lê Thanh Vân (trú tại quận Hà Đông) cho hay, cả 3 cơ sở của chị đều đóng cửa cả năm qua nhưng “ngốn” chi phí duy trì ngót 2 tỷ đồng. 6 tháng đầu, tiền thuê nhà chị phải trả 100%, 6 tháng sau, chủ nhà đã giảm còn 50% nhưng khi các ngành nghề khác hoạt động trở lại, một cơ sở đã bị đòi lại địa điểm để chủ nhà cho dịch vụ khác thuê. Không thể mãi nài nỉ giảm phí, mặt khác cũng quá mệt mỏi trong việc gồng gánh nên chị Vân đã quyết định giải thể 1 cơ sở ở quận Ba Đình; cố giữ lại 2 cơ sở với hy vọng sớm đến ngày hoạt động trở lại.

Chủ trường mầm non tư thục Sao Mai, huyện Mê Linh thu dọn cơ sở vật chất trong khi chờ học sinh trở lại.
Chủ trường mầm non tư thục Sao Mai, huyện Mê Linh thu dọn cơ sở vật chất trong khi chờ học sinh trở lại.

Với những cơ sơ mầm non tạm đóng cửa hoặc có nguy cơ giải thể, việc giữ chân giáo viên là rất khó bởi họ còn gánh nặng gia đình, phải chăm lo chứ không thể ngồi chờ hỗ trợ và những lời hứa của chủ trường. Không ít giáo viên mất việc đã phải nhọc nhằn xoay xở cuộc sống bằng việc làm nhiều nghề khác nhau. Trong số đó, không ít cô giáo chuyển nghề và bỗng chốc, nghề giáo viên mầm non trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Không thể giữ chân giáo viên bằng lời hứa

“Tôi học cao đẳng sư phạm mầm non rồi cố gắng học lên đại học và cũng rất yêu trường, mến trẻ. Suốt thời gian qua, tôi đi làm đóng gói sản phẩm cho công ty chuyển phát nhanh. Mới đây, công ty mới đề nghị ký hợp chính thức. Không thể có lựa chọn tốt hơn, tôi đã đến trường xin nghỉ để rút toàn bộ hồ sơ. Giữa nghề mình yêu và cuộc sống cùng những đứa con, tôi buộc phải chọn lựa công việc mang cho gia đình miếng cơm, manh áo”- cô Nguyễn Thị An, giáo viên trường mầm non tư thục tại quận Tây Hồ cho biết.

Sau 9 tháng đóng cửa, ngày 14/2, TP Hồ Chí Minh đã mở cửa trường học của bậc mầm non, đón các bé từ 3 - 5 tuổi đến trường. Với các giáo viên và chủ cơ sở, trẻ trở lại trường là ngày vui lớn những cũng đi đôi với bộn bề nỗi lo khi hầu như mọi thứ phải tái thiết lại từ đầu. “Trường phải sửa chữa, bổ sung, thay mới đồ dùng, đồ chơi, vật dụng… nên cần số tiền khá lớn. Đi học giữa giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp, số kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng dịch cũng tốn kha khá tiền. Ngoài ra, nhân sự là giáo viên, nhân viên cũng là thách thức lớn của hệ thống giáo dục mầm non nói chung và mầm non ngoài công lập nói riêng sau khi mở lại trường.

Tại hội thảo “Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non”, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh, TP còn nêu lên những khó khăn khác của giáo dục mầm non do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đó là xáo trộn nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt gây ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển toàn diện, bao gồm tương tác xã hội, cảm xúc, nhận thức và… của trẻ. Những vấn đề trên là hệ quả do dịch bệnh gây nên, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ từng bước, đưa ngành giáo dục mầm non tư thục sớm trở lại, góp phần giảm thiểu áp lực lên hệ thống mầm non nói chung.

Tại Công văn 5255/BGDĐT-KHTC ngày 15/11/2021 gửi bộ KH&ĐT, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ KH&ĐT quan tâm, bổ sung một số chính sách hỗ trợ người lao động và DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vào Chương trình phục hội và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó đề xuất các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian tới như triển khai gói tín dụng cho vay đặc thù (lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi đối với ngành giáo dục, trong đó ưu tiên giáo dục mầm non ngoài công lập). Bộ GD&ĐT cũng đề nghị áp dụng giãn nợ, khoanh nợ đối với các khoản vay tín dụng cho các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập.

 

Hà Nội chủ động hỗ trợ giáo viên, cơ sở mầm non ngoài công lập

Ngay sau khi có chỉ đạo các Nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021, Quyết định 5073/QĐ-UBND ngày 2/12/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định một số chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, quy định rõ mức hỗ trợ.

Theo đó, có 15.653 người đã được hỗ trợ với số tiền hơn 25 tỷ đồng... HĐND TP Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội” với mức hỗ trợ từ 20 - 40 triệu đồng tùy quy mô từng nhóm lớp.