Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ thống phòng không gần cầu Crimea được kích hoạt sau loạt vụ nổ bất thường

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu Crimea được khánh thành năm 2018, bốn năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Cây cầu dài nhất châu Âu kết nối khu vực miền Nam Krasnodar với thành phố Kerch của Crimea, bắc qua eo biển giữa Biển Đen và Biển Azov.

Cầu Crimea được khánh thành năm 2018, bốn năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Ảnh: Rosavtodor.ru.
Cầu Crimea được khánh thành năm 2018, bốn năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Ảnh: Rosavtodor.ru.

RT dẫn thông tin trên trang Telegram của ông Oleg Krychkov, Cố vấn của Thống đốc Crimea, hôm 18/8 cho biết: "Theo thông tin ban đầu, các hệ thống phòng không đã được kích hoạt ở TP Kerch, gần cầu Crimea và cây cầu này vẫn an toàn".

Cộng đồng mạng cũng chia sẻ các đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc hệ thống phòng không của Nga kích hoạt để bảo vệ cầu Kerch - nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Đoạn video cho thấy một vật thể phát sáng vọt ngang qua bầu trời đêm, giống như một tên lửa cùng với những tiếng nổ lớn.

Trong khi đó, ông Vladimir Rogov, thành viên chính quyền quân sự - dân sự vùng Zaporozhye, nói rằng một máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn rơi xa khu vực cầu Crimea. Theo đơn vị vận hành cầu dài nhất châu Âu, hoạt động lưu thông trên cầu Crimea vẫn diễn ra bình thường.

Cùng ngày, ông Mikhail Razvozzhaev, Thị trưởng thành phố Sevastopol - thành phố lớn nhất Crimea thông báo, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine ở khu vực lân cận sân bay Belbek của Crimea.

Mặc dù cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã bị chặn đứng, song Thị trưởng Razvozzhaev lưu ý rằng các nhóm thân Ukraine đã bắt đầu lan truyền thông điệp về một cuộc tấn công "thành công" tại Crimea trên mạng xã hội. Ông Razvozzhaev kêu gọi người dân Sevastopol bình tĩnh và chỉ tin tưởng vào các nguồn thông tin chính thức.

Trước đó, Reuters dẫn nguồn tin từ các nhân chứng cho biết đã có ít nhất 4 vụ nổ ở Sevastopol. Nhà báo Anatoly Shariy của Ukraine viết trên Telegram rằng, một số vụ nổ lớn đến mức những người ở cách xa sân bay 10 km vẫn có thể nghe thấy. Nga đã sử dụng sân bay Belbek trên bán đảo Crimea kể từ khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.

Cầu Crimea được khánh thành năm 2018, bốn năm sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga. Cây cầu dài nhất châu Âu kết nối khu vực miền Nam Krasnodar với thành phố Kerch của Crimea, bắc qua eo biển giữa Biển Đen và Biển Azov. Cây cầu được sử dụng chủ yếu cho giao thông dân sự.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Crimea gần đây liên tục xảy ra các vụ nổ lớn tại các địa điểm quân sự được sử dụng để chứa đạn dược. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận vụ việc mới nhất xảy ra ngày 16/8 gần làng Mayskoye ở phía bắc Crimea là một hành động phá hoại.

Phía Kiev không chính thức tuyên bố công nhận trách nhiệm các vụ việc, nhưng nhiều quan chức Ukraine ám chỉ rằng đây là hành động của phía Ukraine.

Trong bài trả lời tờ The Guardian hôm 16/8, ông Mikhail Podolyak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng ám chỉ điều này. “Tôi chắc chắn đồng ý với Bộ Quốc phòng Nga, cơ quan đang dự đoán sẽ có nhiều sự cố như thế này trong vòng hai, ba tháng tới. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy những vụ như thế xảy ra nhiều hơn," ông Podolyak cho biết.

Trong một diễn biến liên quan, theo tờ báo Mỹ Politico, lãnh đạo nước này ủng hộ việc Ukraine tấn công bán đảo Crimea - nơi được Nga sáp nhập vào năm 2014.

Tờ Politico hôm 18/8 dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng Mỹ coi các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea là công bằng và nhằm "mục đích tự vệ".