Hết cảnh nhà khoa học phải đi mua ... hóa đơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn trong các thủ tục thanh toán kinh phí dự án luôn là cơn "ác mộng" đối với đa số những nhà nghiên cứu khoa học.

Nhà khoa học không phải "đau đầu" vì hóa đơn

Trong nhiều năm trở lại đây, không chỉ vấn đề kinh phí thấp khiến cho nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu nản lòng mà ngay cả khi được cấp tiền thì những thủ tục hành chính nhiêu khê để được thanh toán cũng gây chán nản không kém. Thậm chí, cảnh các nhà khoa học ở những viện nghiên cứu, trường đại học phải chạy ngược xuôi nhằm hoàn tất hóa đơn, chứng từ để hợp thức hóa khoản chi đã trở nên rất phổ biến.
Tìm mua hóa đơn luôn là vấn đề "đau đầu" với người làm khoa học trong những năm qua
Tìm mua hóa đơn luôn là vấn đề "đau đầu" với người làm khoa học trong những năm qua
Với từng đồng bỏ ra cho các đề tài nghiên cứu, nhà khoa học đều phải có giấy tờ chứng minh đầy đủ. Dưới 200.000 đồng phải có giấy nhận tiền, trên 200.000 đồng phải có hóa đơn, nếu số tiền lên tới hơn 5 triệu đồng phải có hàng loạt các giấy tờ khác như báo giá, hợp đồng, chứng nhận của đơn vị cung cấp .... Về cơ chế tài chính hiện hành thì những yêu cầu cụ thể như trên là đúng.

Mặc dù vậy, trên thực tế thực hiện lại nảy sinh rất nhiều bất cập. Ví dụ như với một dự án nghiên cứu chế tạo máy móc, không phải một hai lần thử nghiệm là thành công ngay, với mỗi lần thất bại cần có linh kiện thay thế, nếu mua linh kiện chính hãng thì kinh phí lại vượt quá mức được cấp, còn nếu mua loại rẻ hơn để thí nghiệm nhiều khi không lấy đâu được hóa đơn, chứng từ. Như vậy, để cân đối kinh phí, nhiều nhà khoa học đã phải chấp nhận tìm mua các giấy tờ có liên quan để đảm bảo đúng như dự toán, điều này cũng khiến khoản tiền dành cho nghiên cứu phải rút bớt đi để chi cho việc mua hóa đơn đỏ.

Như vậy, nhà khoa học bắt buộc phải làm dối để được thanh toán, bên xuất tiền biết là có hiện tượng gian dối hóa đơn nhưng vì quy trình bắt buộc nên tất cả đều nhắm mắt bỏ qua cho sự "dối trá" này. Ngay cả Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khi nói về việc thanh quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học cũng từng thốt lên rằng: "Những quy định chặt chẽ, cứng nhắc trong vấn đề thủ tục, hóa đơn, chứng từ không những không tiết kiệm ngân sách mà chỉ khiến nhà khoa học buộc phải nói dối.".

Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 15/2 vừa qua, khi Thông tư liên tịch 27 giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&CN chính thức có hiệu lực, việc đổi mới theo phương thức khoán chi cho các hoạt động nghiên cứu sẽ giúp nhà khoa học thoát khỏi cảnh nói dối, làm dối để được thanh toán kinh phí đề tài. Đây cũng được nhìn nhận là Thông tư quan trọng, mang tính cởi trói cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.

Cụ thể, sẽ có hai phương thức thanh toán dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Gồm khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với các đề tài, dự án đã xác định được cụ thể sản phẩm đầu ra và khoán từng phần với các nhiệm vụ có sản phẩm đầu ra chưa rõ hoặc chưa đạt đúng yêu cầu đặt hàng.

Nhà khoa học sẽ có toàn quyền chi theo các khoản kinh phí được khoán, không phụ thuộc vào định mức và dự toán. Việc tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KHCN. Thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện. Kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết. Việc quyết toán sẽ được thực hiện chỉ một lần khi các bên tiến hành thanh lý hợp đồng.

Như vậy với Thông tư liên tịch 27, cơ chế tài chính dành cho các hoạt động KH&CN đã trở nên thông thoáng và bớt cứng nhắc, qua đó tiếp cận sát hơn với kinh tế thị trường cũng như tạo thuận lợi tối đa cho các nhà khoa học tập trung toàn bộ thời gian vào công tác nghiên cứu.

Phải hoàn trả kinh phí nếu không được nghiệm thu

Không chỉ cởi trói về cơ chế tài chính, Thông tư liên tịch 27 cũng rằng buộc rõ ràng hơn trách nhiệm của các nhà khoa học với công trình nghiên cứu của mình.

Theo đó, với mỗi đề tài được Nhà nước đặt hàng, chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng được các tiêu chí như có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng và địa chỉ ứng dụng. Đối với đề tài khoán chi đến sản phẩm cuối cùng không được điều chỉnh mục tiêu sản phẩm và kinh phí trong quá trình thực hiện. Nếu nhà khoa học không hoàn thành đề tài dự án theo cam kết do nguyên nhân chủ quan sẽ phải chịu hình thức xử lý và hoàn trả tiền cho ngân sách các kinh phí họ đã sử dụng.

Mức độ hoàn trả sẽ là 40% kinh phí đối với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, 30% kinh phí với đề tài thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần và 100% kinh phí nếu không chứng minh được kinh phí đã sử dụng đúng quy định.

Nói về sự rằng buộc này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng sẽ mang lại hiệu quả tích cực cũng như tăng tính thực tiễn của các đề tài khoa học, loại bỏ đáng kể các đề tài chưa làm ra sản phẩm nhưng vẫn được nghiệm thu. Đối với các nhà khoa học nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ buộc phải có trách nhiệm hoàn thành như trong hợp đồng. Còn đối với các đề tài còn mới, có mạo hiểm có thể lựa chọn khoán từng phần, điều này cũng kích thích đáng kể sự sáng tạo của nhà khoa học.

 
Tổng chi ngân sách thực tế cho các hoạt động nghiên cứu KHCN mỗi năm là khoảng 3.850 tỉ đồng. Trung bình mỗi viện nghiên cứu chỉ được hơn 1 tỷ đồng/năm, mỗi cán bộ được hơn 30 triệu đồng/năm, con số gần như thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Cũng theo thống kê của Bộ KH&CN, mỗi năm, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học trong nước đóng góp khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế nhưng chưa đầy 10% trong số này có khả năng ứng dụng vào thực tế
.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần