Hết sư tử lại bàn chuyện nghê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/1, Bộ VHTT&DL đã sơ kết 5 tháng thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nghệ nhân làng nghề về những dự án sáng tạo mẫu linh vật Việt đã được đề xuất tới nhà quản lý.

Con số bề nổi

Sau 5 tháng thực hiện chủ trương di dời linh vật lạ, không đúng với thuần phong mỹ tục Việt ra khỏi di tích, cơ quan công sở, các nhà quản lý văn hóa khá hồ hởi khi nhìn lại con số hiện vật di dời. Tại Hà Nội, nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di dời toàn bộ số sư tử ngoại lai ra khỏi di tích. Tại Ninh Bình, 6 sư tử đá trong Cố đô Hoa Lư và 2 sư tử đá ở đền Đức Thánh Nguyễn cũng đã được đưa ra khỏi di tích… Các Phó Giám đốc Sở VHTT&DL của tỉnh Hưng Yên, Hà Nam cũng thông báo những tin vui không kém tỉnh bạn. Thế nhưng, con số thống kê hiện vật di dời mới chỉ là bề nổi của sự việc.

Vẫn biết, ngành văn hóa mong muốn một không gian di sản thuần Việt tại các di tích, song không phải sẽ thực hiện một “cuộc cách mạng” bài trừ văn hóa ngoại. Sơ kết 5 tháng thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Một vấn đề nhạy cảm như di dời hiện vật lạ không thể ra công văn khuyến cáo mà cần tăng cường giải thích nguyên nhân để chủ nơi thờ tự thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Chính vì vấn đề tuyên truyền còn mang tính áp đặt, nên nhiều ban quản lý tích ở Hải Phòng đã phản ứng mạnh mẽ. Tiếp đến, tại TP Hồ Chí Minh cũng mới chỉ nói không với sư tử đá ở một số di tích lớn, còn lại đa phần chưa thực hiện được”.

 
Nghê thời Lê do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ phục dựng. Ảnh: Loan Ngọc
Nghê thời Lê do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ phục dựng. Ảnh: Loan Ngọc
Để việc di dời hiện vật không mang tính hô hào như năm trước, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề xuất trong kế hoạch năm 2015, ngành văn hóa cần nghiên cứu lại chủ trương di dời các hiện vật. Thượng tọa ủng hộ tinh thần thuần Việt tại các di tích gốc Việt, tuy nhiên, tại các di tích mới, ngành văn hóa cần chấp nhận sự tồn tại của tượng Quan âm bạch y. Bởi bức tượng này không chỉ được hiểu là cứu độ chúng sinh mà còn mang tính giao thoa văn hóa, tôn giáo trong những năm 1988 đến 1992.

Đua nhau sáng tạo mẫu nghê Việt

Không chỉ di dời, các đơn vị còn ngăn chặn được việc tiếp nhận mới các linh vật ngoại lai. Điều này đồng nghĩa với việc các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Đà Nẵng, Ninh Bình lao đao. Trong buổi sơ kết sáng qua, ông Nguyễn Hữu Chiến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Đà Nẵng vẫn còn băn khoăn về 4.500 tượng Quan âm bạch y và sư tử đá đang tồn đọng ở làng nghề đá mỹ nghệ Non nước. Là người quản lý văn hóa, điều ông Nguyễn Hữu Chiến lo là việc ứng xử với các hiện vật và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi Bộ VHTT&DL còn lúng túng với công văn hướng dẫn hậu di dời, thì mỗi địa phương, mỗi nhóm đã phải nghĩ cách tự cứu mình. Ở Đà Nẵng đang thực hiện cuộc vận động sáng tác mẫu sư tử nghê mang bản sắc Việt. Sau các bước vận động, chấm giải, triển lãm, Sở VHTT&DL TP Đà Nẵng sẽ tiến hành làm mẫu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lễ hội Xuân Ất Mùi 2015, Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp với các Cục, Vụ tiến hành thanh tra, kiểm tra tập huấn tuyên truyền việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật tại các di tích.

Nếu tất cả nghê đá thế chỗ cho sư tử đá thì di tích Việt sẽ xảy ra tình trạng “phổ cập” nghê. Trong khi đó, nghê có họa tiết mỹ thuật ra sao, đâu là nghê chuẩn… vẫn là ẩn số với các làng nghề. Năm qua, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đã có 2 tháng lăn lộn ở đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) để nghiên cứu mẫu nghê thời Lê. Một tin mừng là sau khi chuyển đổi các loại chất liệu, mẫu nghê thời Lê, rồi ghép các họa tiết cổ trên công nghệ 3D để tạo ra mẫu nghê cổ hoàn chỉnh, ông Vũ đã nhận được hợp đồng đặt hàng của 3 công ty tại Hà Nội và Nghệ An.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế ủng hộ quan điểm phải bảo tồn mẫu “gen” quý từ các con nghê cổ của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ. Song quá trình nghiên cứu mẫu nghê của các nhà điêu khắc cũng cần có hơi thở đương đại, “có như thế linh vật Việt sẽ lấp đầy khoảng trống trong nhu cầu hiện nay” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh. Song song với nghiên cứu các mẫu nghê mới, nhóm điêu khắc của làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) do anh Nguyễn Quang Vũ làm trưởng nhóm, cũng đang sáng tạo ra các mẫu linh vật mới mang dáng dấp Việt. “Chúng tôi không chỉ chú trọng sáng tạo linh vật mang chất liệu đá mà mở rộng cả đồng, gốm, gỗ… và không chỉ có linh vật mà nhiều hiệt vật khác. Mục đích cuối cùng là sáng tạo ra các mẫu mới khác biệt các mẫu cổ và thuần Việt” - anh Nguyễn Quang Vũ cho biết.

Rất nhiều đề xuất cho kế hoạch “hậu di dời” hiện vật lạ của ngành văn hóa vào năm 2015. Song cách nào hợp lý để hiện vật ngoại lai không tồn tại ở di tích, mà lại di dời thành công ở công sở, DN sẽ là câu chuyện của chiều sâu văn bản, đòi hỏi sự đào sâu nghiên cứu và lựa chọn sáng tạo của cá nhân, tập thể.