Hết thời “chạy đua”

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS); thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Sẽ có 5 tiêu chuẩn chung cho chức danh GS, PGS
Theo Quyết định này, có 5 tiêu chuẩn chung cho chức danh GS, PGS gồm: Tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo; Tiêu chuẩn về thời gian làm nhiệm vụ đào tạo; Tiêu chuẩn về hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định; Tiêu chuẩn về sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh; Tiêu chuẩn về có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định. Ứng viên GS ngoài đạt tiêu chuẩn chung này còn phải đạt 9 tiêu chuẩn khác, còn PGS phải có thêm 8 tiêu chuẩn khác.

Nhìn lại, chỉ trong năm 2017, cả nước có thêm hơn 1.200 GS, PGS. Đây quả là con số có thể làm “chột dạ” bất cứ quốc gia nào về mặt học hàm và danh vị, trong khi nền giáo dục nước ta so với quốc tế còn kém xa. Đáng ra, một đất nước có nhiều GS, PGS là một điều đáng mừng, bởi hi vọng sẽ đưa nền giáo dục nước nhà thoát khỏi tình trạng ì ạch như hiện nay. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bất chấp, cổ súy cho việc “chạy đua” chức danh, học hàm. Thực tế, trong hơn 1.200 người được xét duyệt năm 2017, có đến 34% GS và 53% PGS không có bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, nhiều chuẩn khác cũng kém xa quốc tế, vậy nên những nghi ngờ về chất lượng GS, PGS là điều đáng bàn. Nếu không “siết” lại các qui chuẩn, đến một ngày nào đó, sẽ dẫn đến tình trạng “lạm phát” GS, PGS. Đất nước Việt Nam sẽ cho "ra lò" nhiều người mê đắm hư danh. Và những người đó nếu tham gia vào công tác giảng dạy ở các trường đại học, các viện nghiên cứu thì sẽ cho ra đời một thế hệ trí thức kém chất lượng và vòng quay này cứ thế kéo lùi nền giáo dục.

Nhiều người so sánh, Việt Nam có số lượng GS, PGS được bổ nhiệm vào loại nhiều ở các nước châu Á (đặc biệt so với các nước Đông Nam Á) nhưng vẫn không có đại học nào được xếp hạng top 300 của châu Á. Ngoài ra, ở các nước, mỗi năm GS, PGS thường có trung bình 10 công bố/sáng chế thì ở Việt Nam bình quân mỗi năm từ 5 - 10 GS/PGS mới có một công bố ISI.

Vậy nên, sau những chuyện lùm xùm xung quanh việc công nhận chức danh GS, PGS thời gian qua, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg hy vọng sẽ sửa lại những bất cập trên. Nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định 37 có nhiều điểm tiếp cận mới, chuẩn cao hơn, hướng đến thực chất, linh hoạt và minh bạch hơn, thống nhất được sự đa dạng. Trong đó, bắt buộc các ứng viên phải có thành tích công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín với số lượng tối thiểu sẽ là một “bài toán” khó đối với các ứng viên, nhưng muốn phát triển, không thể khác được. Và nhiều qui định mới khác, sẽ giúp tạo thêm động lực và trách nhiệm để các GS, PGS cống hiến hiệu quả hơn cho nền khoa học, giáo dục nước nhà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần