Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết thời hài nhảm với chân dài

Phú Gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 3 bộ phim truyện nhựa mà các đạo diễn điện ảnh Việt vừa tung ra rạp, rất nhiều người quan tâm đến điện ảnh trầm mặc nhận định: Phim Việt đã chuyển hướng từ “hài nhảm” với “chân dài” sang lấy nước mắt người xem bằng những phận đời khốn khó.

Khóc với những phận đời
Chứng kiến bước ra rạp của 3 bộ phim “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô” và “Cha cõng con” mấy ngày vừa qua mới thấy, khán phòng rạp chiếu vắng hẳn những tiếng cười dù đậm hay nhạt. Thay vào đó là những ngậm ngùi, những thương cảm và một vài nhận định đại loại: Cảnh đẹp, phim hay nhưng hơi… nặng đầu! Đó cũng là tâm lý dễ hiểu của người thưởng thức khi chuyển từ thói quen xem phim với các pha gây cười và chân dài để “câu khách”, sang thể loại chính luận.

Một cảnh trong phim “Cha cõng con”.

Phải nói rằng cả 3 bộ phim Việt vừa ra rạp đều chọn con đường khai thác những phận đời khốn khó, những thân phận đặc biệt giữa xã hội muôn màu. “Dạ cổ hoài lang” chuyển thể từ vở kịch cùng tên, được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kỳ công thực hiện từ cuối năm 2015 tại Canada. Đây là câu chuyện thân phận của hai người đàn ông lớn tuổi theo con “tha hương cầu thực” ở xứ trời Tây. Khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về văn hóa khiến họ sống trong nỗi khắc khoải hoài hương. “Lô tô” thì lấy cảm hứng từ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” – bộ phim đình đám năm 2015 khi khai thác những thân phận đồng tính trôi nổi cùng gánh hát mang tên Phù Hoa. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã không lạm dụng những dị biệt bên ngoài của người đồng tính để mua vui câu khách, mà đi vào khai thác những góc khuất chân thành chìm trong những thăng trầm cuộc sống của họ. Dù chưa phải là bi kịch, cũng không câu chữ giáo điều, song phim lấy nước mắt người xem từ “cái tình” của những người thuộc thế giới thứ ba ấy.
Còn “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng – bộ phim khiến khán giả háo hức chờ đợi vì đã được chọn chiếu trong nhiều liên hoan phim quốc tế, thì bản thân dàn diễn viên đã khiến người xem thương cảm. Bởi đó toàn là những đứa trẻ mồ côi của làng SOS, lại thêm câu chuyện phim giản dị về em bé mất mẹ chỉ còn cha. Nghèo khó, bệnh tật, thiếu thốn… nhưng không cản được mơ ước trong trái tim cậu bé. Hình ảnh người cha cõng con trèo qua hàng trăm bậc cầu thang của một tòa cao ốc để… đưa con một lần đến với ước mơ khi hết tiền chữa bệnh cho con, thực sự là nỗi ám ảnh trong lòng người xem…
Tiếng cười hết thời
Ngoái nhìn đợt phim Việt ra rạp gần đây nhất là Tết vẫn thấy ăm ắp những pha gây cười. Cả 4 bộ phim ra rạp độ đó gồm “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh KungFu”, “Bạn gái tôi là sếp” và “Nàng tiên có 5 nhà” đều mang màu sắc hài hước pha chút hành động hoặc có yếu tố kỳ bí. Vậy mà đợt phim này, tiếng cười tắt hẳn, nhường chỗ cho những giọt nước mắt.
Cả đạo diễn Lương Đình Dũng và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đều thừa nhận phim Việt đang thừa tiếng cười. Vì thế mà Lương Đình Dũng tránh đi vào lối mòn của phim giải trí để đi trên con đường đến với những phận đời kém may mắn trong xã hội. Niềm tin mà anh gửi vào “Cha cõng con” cũng giản dị như câu chuyện phim, song lại đầy ý nghĩa: “Khi xem xong bộ phim, người xem sẽ suy nghĩ nhiều hơn nhưng lại sống tốt hơn”. Còn Huỳnh Tuấn Anh thì muốn khẳng định với công chúng khi xem “Lô tô” rằng: Điện ảnh Việt không chỉ biết chạy theo tiếng cười, theo chân dài… mà cũng sẵn sàng đi vào những mảng tối – sáng của cuộc sống.
Với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì “Dạ cổ hoài lang” có thể xem là một bất ngờ. Bởi anh là một trong những người tiên phong của điện ảnh Việt tạo ra cơn sốt phim giải trí với sự hội tụ của tiếng cười và chân dài. Vậy mà Dũng “khùng” (biệt danh của Nguyễn Quang Dũng) đã quay ngoắt từ lối làm phim của “Mỹ nhân kế”, “Giải cứu thần chết”, “Nụ hôn thần chết”… trước đó để bước vào những lênh đênh số phận “Dạ cổ hoài lang”. Sự chuyển hướng này bất ngờ, song không làm người xem thất vọng, vì Dũng “khùng” đã chạm được tới trái tim người xem bằng những nhịp thở rất thường nhật của đời sống xã hội. Đây là điều mà điện ảnh đang cần để khẳng định một dấu ấn Việt, bản sắc Việt, bên cạnh dòng phim chỉ mang mục đích giải trí đơn thuần.
Thị trường nghệ thuật luôn xoay vòng với sự lên ngôi tuần tự của các thể loại. Với âm nhạc, sau pop, jazz là sự trở lại của rock; còn điện ảnh, sau hài có thể giờ đã đến lúc của thể loại tâm lý xã hội – mảnh đất khiến các đạo diễn có thể lao vào cày xới để xây dựng tên tuổi bằng những tác phẩm điện ảnh mang tính nghệ thuật thực thụ.