Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hết thời “hít khí trời” sáng tạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một vở diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Những thay đổi trong Nghị định 21/2015/NĐ-CP so với Nghị định 61/2002/NĐ-CP, quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác vừa được Chính phủ ban hành đã tháo gỡ phần nào những bất cập trong việc chi trả nhuận bút trong giới nghệ thuật biểu diễn.
Một vở diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Kinhtedothi - Một vở diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Nhấn mạnh nguyên tắc thỏa thuận

Nghị định 21 có hiệu lực từ ngày 15/4, gồm 5 chương, 14 điều quy định về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. So với nghị định cũ, Nghị định 21 sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của luật và thực tiễn. Đặc biệt, nguyên tắc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu được nhấn mạnh. Trong Nghị định cũng giới hạn mức thấp nhất và cao nhất của nhuận bút thỏa thuận. Nguyên tắc này cũng đảm bảo quyền lợi cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả gốc khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng.

Như vậy, ưu điểm lớn nhất của Nghị định mới là coi trọng sự sáng tạo của những người đứng sau sân khấu. Chính vì vậy, theo họa sĩ, NSND Doãn Châu: “So với Nghị định 61 trước đây, Nghị định 21 đã bám sát thực tế chuyển biến của kinh tế - xã hội hơn. Đây là căn cứ cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật giải quyết tiền nhuận bút cho lực lượng cộng tác sáng tạo một cách thỏa đáng. Lâu nay, các thành phần thiết kế mỹ thuật sân khấu, âm nhạc… ít được coi trọng, một số đạo diễn đã lấn át vai trò của họa sĩ hay nhạc sĩ bằng cách dùng thiết kế của vở cũ chắp vá cho vở mới, dùng nhạc của vở A lắp vào cho vở B để đỡ tốn tiền trả nhuận bút. Họ đâu biết rằng, các vở diễn đều cần phải mặc cho mình một chiếc áo riêng  thì mới tạo nên sự hoàn thiện cho một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng”.

Lấy đâu ra kinh phí?

Có nhiều ưu điểm, song Nghị định 61 không phải không làm khó nhà quản lý. Ngay trong buổi công bố Nghị định, giới làm nghệ thuật truyền thống có nhiều băn khoăn nhất gửi đến lãnh đạo của Bộ VHTT&DL. Đối với nghệ thuật tuồng, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, mình sẵn sàng trả nhuận bút cao cho các kịch bản chất lượng, bởi thời nay gặp được kịch bản tuồng hay thật khó. Nhưng việc căn cứ các mức không thể định ngay từ giai đoạn đầu. Một kịch bản trên giấy sẽ khó định được mức nào mà còn phụ thuộc vào việc lên sân khấu cho tới khi hoàn thiện mới có thể đánh giá được.

Băn khoăn lớn nhất của các nghệ sĩ là nguồn kinh phí để thực hiện theo Nghị định. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng: “Cần xác định cái “mũ” của Nghị định chính là giải quyết khâu tài chính. Đó là nguồn kinh phí cấp cho các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là đơn vị nghệ thuật địa phương. Nghị định 61 với mức chi trả thù lao thấp hơn, vậy mà không ít địa phương đã không chịu thực hiện với lý do không có kinh phí. Vậy với mức cao hơn thì Bộ VHTT&DL có biện pháp phối hợp như thế nào với các cơ quan liên quan, sẽ ra thông tư hướng dẫn chi tiết ra sao để các địa phương chấp hành chi trả nhuận bút theo đúng quy định?”. Cũng như NSƯT Chí Trung, khi nhìn dưới góc độ nghệ sĩ, mừng cho mức thù lao tăng của Nghị định, nhưng khi xét dưới góc độ Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh lại lo áp lực xã hội hóa các nhà hát đặt gánh nặng lên vai người quản lý.

Nghị định 21/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 15/4. Và để giải quyết những vướng mắc của các đơn vị nghệ thuật cũng như trung tâm bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL đang chỉ đạo Cục Bản quyền sớm ra thông tư hướng dẫn, cụ thể hóa chi tiết Nghị định.