Hết thời kêu lỗ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian đầu sau khi Mỹ bỏ cấm vận kinh tế, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ với các chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Coca Cola cũng là một trong số các công ty đi đầu thời gian đó. Đại diện Coca Cola từng khẳng định đã đóng thuế nhiều. Nhưng các sắc thuế mà DN này đóng là những khoản bắt buộc để được hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Đến Việt Nam sử dụng tài nguyên của đất nước thì phải đóng thuế tài nguyên. Làm ảnh hưởng môi trường thì phải góp phần vào xử lý môi trường. Thuế môn bài thì ai kinh doanh cũng phải nộp… Nhưng thuế quan trọng nhất là thuế thu nhập DN thì rất nhiều năm, Coca Cola kêu lỗ, không đóng. Coca Cola quá khổng lồ, quá tiếng tăm nhưng sẽ là khập khiễng khi so sánh với những hộ cá thể kinh doanh, các cửa hàng bán tạp hóa hay các DN siêu nhỏ ở Việt Nam gần như ai cũng có đóng thuế thu nhập.

Không có bằng chứng chứng minh được hành vi chuyển giá của Coca Cola, nhưng dưới góc độ DN thì không chấp nhận được sự nguỵ biện khi DN kêu lỗ đến hơn 20 năm mà vẫn đầu tư mở rộng, vẫn hy vọng vào tương lai, vẫn muốn gắn kết và “bám chặt mảnh đất và con người này”.

Và dưới góc độ công dân thì họ là một công dân vô trách nhiệm, một công dân ích kỷ tham lam và đầy thủ đoạn khi chỉ biết thụ hưởng những gì mà người ta đãi ngộ, tạo điều kiện cho mình mà không muốn đóng góp một xu nào cho xã hội và cộng đồng, vào chính cho những con người và cho dịch vụ của họ được hoạt động tốt.

Khi các kỹ năng, nghiệp vụ, các quy định pháp luật luôn thiếu và còn các khoảng trống cũng là lúc “quyền lực mềm” phát huy hiệu quả. “Quyền lực của người tiêu dùng” khi nói không với Coca Cola buộc DN này phải nhìn lại mình. Vẫn còn nhiều việc phải làm, song việc Coca Cola báo lãi sau nhiều năm liên tục lỗ và nộp 20 triệu USD tiền thuế đã bước đầu cho thấy, một thị trường nhiều tiềm năng nhưng sẽ không phải là cơ hội cho bất kỳ DN nào chỉ biết đến lợi ích của mình.

Đây cũng là bài học cho các "đại gia" có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau hàng chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, trong đó gồm cả những DN lớn như Metro, Adidas, Pepsico, Nike, Nestlé, Keangnam Vina... cần phải nhận ra nếu muốn “tạo được mỏ neo bám chặt vào thị trường” này!